Khi nào huyết áp cao cần cấp cứu?

Cập nhật: 7/12/2020 | 8:30:22 AM

Tăng huyết áp thường không có dấu hiệu, nhưng nó có thể làm tăng đáng kể nguy cơ đau tim và đột quỵ. Không có gì ngạc nhiên khi nó thường được gọi là kẻ giết người thầm lặng.

Khi huyết áp tăng cao đến mức gây ra các triệu chứng đe dọa tính mạng, nó có thể là một dạng cơn tăng huyết áp được gọi tăng huyết áp cấp cứu. Người bị cơn tăng huyết áp loại này cần gọi cấp cứu hoặc đến phòng khám cấp cứu ngay.

Tăng huyết áp cấp cứu là gì?

Câu trả lời nằm ở hai con số. Huyết áp tâm thu, chỉ số trên trong số đo huyết áp, đề cập đến áp lực mà máu tác động lên thành động mạch khi tim đập. Huyết áp tâm trương, chỉ số dưới, cho biết áp lực mà máu tác động lên thành động mạch khi tim đang nghỉ giữa các nhịp đập. Huyết áp dưới 120/80 mmHg được coi là bình thường.

Nếu huyết áp từ 180/120 milimet thủy ngân (mmHg) trở lên và bạn bị đau ngực, đau lưng, tê hoặc yếu hoặc thay đổi thị lực, bạn có thể đang bị tăng huyết áp cấp cứu.

Những triệu chứng này cho thấy có thể bạn đang bị tổn thương nội tạng. Tăng huyết áp không được điều trị sẽ tác động tiêu cực đến mạch máu ở các khu vực quan trọng của cơ thể như não, tim, thận và động mạch chủ, đây là những mạch máu chính đưa máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể.

Tổn thương nội tạng có nhiều dạng bao gồm đột quỵ, đau tim và suy thận. Số đo huyết áp không chỉ cho thấy tình trạng cấp cứu và nguy cơ, mà đó còn là các triệu chứng của tổn thương cơ quan nội tạng.

Khi nào huyết áp cao cần cấp cứu? - 1

Các dấu hiệu khác của tổn thương cơ quan nội tạng do tăng huyết áp cấp cứu có thể là:

- Choáng ngất

- Mất trí nhớ

- Tổn thương mắt

- Vỡ động mạch chủ, động mạch chính của cơ thể

- Đau ngực (đau thắt ngực)

- Phù phổi (chất lỏng tích tụ trong phổi)

- Tiền sản giật, một biến chứng thai nghén nghiêm trọng

Trong những tình huống khẩn cấp này, bạn cần được giúp đỡ ngay lập tức.

Các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu cũng có thể đi kèm với các triệu chứng khác không cho thấy tổn thương cơ quan nội tạng, bao gồm:

- Đau đầu nghiêm trọng

- Khó thở

- Chảy máu cam

- Lo lắng nghiêm trọng

Bạn có nguy cơ bị cao huyết áp cấp cứu không?

Gần một nửa số người Mỹ trưởng thành bị tăng huyết áp-nghĩa là huyết áp cao hơn 130/80 mmHg-hoặc đang dùng thuốc để kiểm soát tăng huyết áp, khiến họ có nguy cơ cao bị tăng huyết áp cấp cứu. (Chỉ khoảng 1/4 số người lớn bị tăng huyết áp kiểm soát được huyết áp).

Nam giới có nguy cơ bị tăng huyết áp cấp cứu cao hơn phụ nữ. Theo nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị năm 2020 của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, các yếu tố nguy cơ khác của tăng huyết áp cấp cứu bao gồm tuổi cao, đái tháo đường, cholesterol trong máu cao và/hoặc bệnh thận mãn tính. Tương tác thuốc cũng có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp cấp cứu.

Trong nhiều trường hợp, tăng huyết áp cấp cứu xảy ra khi người bệnh ngừng dùng thuốc huyết áp. Hầu hết những người bị tăng huyết áp cấp cứu đều biết rằng là mình bị tăng huyết áp, nhưng họ không quản lý được thuốc và tình trạng tăng huyết áp tiến triển. 

Điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp cấp cứu

Tăng huyết áp cấp cứu được điều trị bằng thuốc hạ huyết áp đường tĩnh mạch và nhập viện, cùng với điều trị những tổn thương ở cơ quan nội tạng.

Nếu bạn bị tăng huyết áp nguy hiểm cùng với các triệu chứng gợi ý tổn thương cơ quan nội tạng, đó là một trường hợp cấp cứu.

Các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu có thể được ngăn ngừa bằng cách kiểm tra y tế thường xuyên- đặc biệt ở những người có các yếu tố nguy cơ khác-cùng với theo dõi huyết áp tại nhà, ít nhất nửa giờ tập thể dục trong hầu hết các ngày trong tuần, chế độ ăn uống phù hợp không thêm muối và duy trì cân nặng lý tưởng đều có thể kết hợp với nhau để ngăn ngừa trường hợp cấp cứu.

Tăng huyết áp khẩn cấp là gì?

Cơn tăng huyết áp được chia thành hai mục: khẩn cấp và cấp cứu.

Trong cơn tăng huyết áp khẩn cấp, huyết áp cực kỳ cao, nhưng dường như không có các triệu chứng cho thấy tổn thương các cơ quan nội tạng. Sự khác biệt không phải là mức huyết áp mà là có bằng chứng về tổn thương cơ quan nội tạng hay không.

Với tăng huyết áp khẩn cấp, huyết áp là 180/120 hoặc cao hơn. Nhưng vẫn chưa có bằng chứng về tổn thương cơ quan nội tạng. Hãy coi đó là một lời cảnh báo thực sự nghiêm túc.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên bạn nên đợi khoảng năm phút và đo lại huyết áp nếu con số là 180/120 hoặc cao hơn mà không có triệu chứng. Nếu lần đo thứ hai cũng cao như vậy, hãy đến gặp bác sĩ.

"Chúng tôi muốn can thiệp trước khi nó tiến triển làm tổn thương các mạch máu và gây ra tình trạng cấp cứu", TS Stephen J. Huot, Phó trưởng khoa, và là Giám đốc Đào tạo Y khoa sau đại học tại Trường Y Yale/Bệnh viện Yale New Haven.

"Việc điều trị có thể đòi hỏi phải dùng lại thuốc hoặc bắt đầu dùng thuốc mới. Chúng tôi cũng tiến hành theo dõi kỹ hơn, thay vì theo dõi định kỳ như khi huyết áp chỉ tăng một chút. Cơn tăng huyết áp khẩn cấp thường không cần nhập viện", chuyên gia nói..

Không giống như cơn tăng huyết áp cấp cứu, những cơn tăng huyết áp khẩn cấp có thể đi kèm với các triệu chứng khác mà không cho thấy tổn thương các cơ quan nội tạng.

Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính gây đau tim và đột quỵ. Thay đổi lối sống như chế độ ăn ít muối, duy trì cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất thường xuyên thường được khuyến khích đầu tiên.

Cũng có nhiều loại thuốc có thể kiểm soát huyết áp. Hãy đảm bảo rằng bạn biết mức huyết áp của mình và đang làm mọi cách để giữ huyết áp trong vùng an toàn. Ngay cả huyết áp hơi cao cũng có thể nguy hiểm.

(Nguồn: dantri.com.vn)

In bản tin