Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Bệnh bại liệt và cách phòng chống

Cập nhật: 19/1/2016 | 1:57:46 PM

Bạn đọc Trần Khánh Thơ, phường Ninh Dương, TP Móng Cái hỏi: “Gần đây tôi mới biết bệnh bại liệt là một dạng bệnh truyền nhiễm. Mặc dù, ở nước ta, bệnh này đã được công bố là loại trừ được ra khỏi cộng đồng nhưng Tổ chức Y tế thế giới vẫn cảnh báo căn bệnh này vẫn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào khi miễn dịch trong cộng đồng giảm xuống mức thấp nhất. Tôi vừa mới sinh cháu nhỏ được 2 tháng tuổi. Tôi rất lo lắng khi gần nơi tôi sinh sống, đã từng có 1 trường hợp mắc căn bệnh này. Qua Báo Quảng Ninh, tôi muốn được các bác sĩ tư vấn về cách phòng chống bệnh bại liệt”.

 Phóng viên Báo Quảng Ninh đã trao đổi cùng bác sĩ  Nguyễn Thị Dung, Trưởng Khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tư vấn giúp bạn.

Cho trẻ uống vắc xin phòng bệnh bại liệt tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Cho trẻ uống vắc xin phòng bệnh bại liệt tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

- Xin bác sĩ cho biết mức độ nguy hiểm của bệnh bại liệt và tình hình bệnh bại liệt hiện nay?

+ Bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút bại liệt gây ra. Bệnh rất dễ lây lan gây thành dịch. Bệnh thường mắc ở trẻ dưới 3 tuổi. Tuy chỉ có 1% số người nhiễm vi rút bại liệt có biểu hiện liệt mềm cấp điển hình, song bệnh gây liệt không hồi phục làm cho bệnh nhân giảm hoặc mất vận động. Bệnh nhân có thể phải sống với cuộc sống bị khuyết tật nặng. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể tử vong.

Tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận loại trừ vào năm 2000. Cho đến nay không ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút bại liệt hoang dại. Tuy nhiên trên thế giới, từ cuối năm 2013 đến nay đã xuất hiện một số trường hợp bị bại liệt. Do đó, nguy cơ bệnh xâm nhập vẫn có thể xảy ra. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo tình trạng tại một số nước khu vực Nam Á là dịch bệnh bại liệt có thể xâm nhập, bùng phát, trong đó có Việt Nam.

- Xin bác sĩ cho biết bệnh bại liệt lây truyền như thế nào?

+ Bệnh bại liệt lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua đường phân - miệng. Vi rút bại liệt từ phân gây ô nhiễm nguồn nước, thực phẩm, sau đó đi vào đường ruột. Cũng có khi vi rút lây truyền qua đường hầu họng. Bệnh không lây nhiễm qua côn trùng trung gian.

Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 7-14 ngày, có thể dao động từ 5-35 ngày. Lúc này, trẻ không có dấu hiệu gì của bệnh nên rất khó phát hiện.

- Có dấu hiệu nào để kịp thời phát hiện trẻ bị bại liệt và khi trẻ bị bệnh thì phải điều trị ra sao, thưa bác sĩ?

+ Trường hợp mắc bại liệt ở thể liệt mềm cấp điển hình thường có biểu hiện: Sốt, chán ăn, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ các chi, mất dần vận động dẫn đến liệt. Trường hợp mắc bệnh ở thể viêm màng não sẽ có biểu hiện sốt, nhức đầu, đau cơ, cứng gáy.

Đây là bệnh do vi rút gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi thấy trẻ có các biểu hiện: Sốt, đau cơ các chi, yếu hoặc giảm vận động hoặc liệt mềm chi, các bà mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Việc phục hồi chức năng, khắc phục di chứng sau khi lui bệnh là rất quan trọng để giảm thiểu di chứng.

- Bác sĩ có thể cho biết các biện pháp phòng bệnh bại liệt hiệu quả?

+ Bệnh bại liệt rất nguy hiểm nhưng hiện nay bệnh đã có vắc xin phòng bệnh rất hiệu quả. Để chủ động phòng bệnh cần cho trẻ uống hoặc tiêm vắc xin phòng bệnh bại liệt ít nhất 3 lần (vào lúc trẻ 2-3-4  tháng tuổi). Vắc xin phòng bệnh bại liệt hiện đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Các bà mẹ nên cho trẻ uống hoặc tiêm một cách đầy đủ tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra các bà mẹ cũng cần cho con uống vắc xin bại liệt bổ sung trong các chiến dịch tiêm chủng theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện yếu chi, giảm vận động của chi hoặc liệt mềm tay hoặc chân, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Ngoài việc được khám và điều trị, trẻ còn được lấy mẫu phân để làm xét nghiệm tìm vi rút bại liệt. Việc phát hiện sớm các trẻ mang vi rút bại liệt sẽ giúp việc phòng bệnh cho cộng đồng có hiệu quả cao hơn.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014