Dễ gặp nguy hiểm khi tự điều trị sốt xuất huyết

Cập nhật: 20/8/2019 | 3:16:44 PM

Nhiều người nghĩ sốt xuất huyết cũng như các loại sốt khác nên tự ý mua thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau hoặc kháng sinh để uống. Tuy nhiên đây lại là cách làm sai.

BS.CKII. Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV. Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh sốt xuất huyết Dengue do muỗi vằn Aedes Aegypti đốt vào lúc mờ sáng hay chiều tối. Một người có thể mắc sốt xuất huyết Dengue nhiều lần và những lần sau bệnh thường sẽ bị nặng hơn.

Sốt xuất huyết nguy kịch khi bệnh nhân sốt tái đi tái lại nhiều lần; xuất huyết nặng; tổn thương gan nặng (men gan tăng rất cao); suy đa phủ tạng. Khi sốt xuất huyết mà rơi vào các thể trên, nguy cơ tử vong rất cao.

Các đối tượng nguy cơ trong sốt xuất huyết Dengue bao gồm người thừa cân hoặc béo phì; phụ nữ mang thai; người có bệnh nền trước như cao huyết áp, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường, viêm loét dạ dày…

Cẩn trọng trong điều trị

Theo BS. Phong, cho đến nay sốt xuất huyết Dengue chỉ điều trị triệu chứng và theo dõi sát để xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra. Mặc dù trên thế giới cũng như Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu nhưng cho đến nay sốt xuất huyết Dengue vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin dự phòng.
Điều trị triệu chứng bao gồm điều trị hạ sốt, bù nước điện giải, nếu có các triệu chứng đi kèm theo như nôn ói, tiêu chảy, dùng thêm thuốc chống nôn ói, tiêu chảy. Đặc biệt là theo dõi sát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nặng như mạch, huyết áp, xuất huyết…Thử máu để theo dõi diễn tiến bệnh như tiểu cầu, chức năng gan…

Một bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại BV. Nhiệt Đới TP.HCM
Một bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại BV. Nhiệt Đới TP.HCM

Bệnh nhân đã chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, không nên tự ý dùng thuốc điều trị mà phải theo chỉ dẫn của bác sĩ vì thường sốt xuất huyết Dengue diễn tiến nặng vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh, khi đó bệnh nhân lại hết sốt.

Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau: thuốc hạ sốt, giảm đau có rất nhiều loại nhưng trong sốt xuất huyết Dengue khuyên nên dùng Paracetamol để hạ sốt, tránh dùng thuốc Aspirin hay nhóm nonsteroide để hạ sốt vì nguy cơ chảy máu rất cao.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm siêu vi, do đó kháng sinh không có hiệu quả và đặc biệt dùng kháng sinh không đúng sẽ gây tình trạng kháng thuốc.

Truyền dịch trong sốt xuất huyết Dengue nếu bệnh nhân dung nạp được bằng đường uống bù nước điện giả bằng đường uống là tốt nhất. Chỉ truyền dịch khi nào có chỉ định như: nôn ói nhiều, tiêu chảy mà không bù đường uống được hay khi bệnh nhân vào sốc. Khi bệnh nhân mệt có rất nhiều nguyên nhân, có những nguyên nhân gây mệt mà truyền dịch rất nguy hiểm vì dụ như bệnh nhân đang bị suy tim.

Ăn uống trong sốt xuất huyết Dengue được khuyên dùng ăn thức ăn dễ tiêu đặc biệt không nên ăn thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu vì sẽ khó phân biệt với xuất huyết dạ dày khi bệnh nhân bị nôn ói.

Khi bị sốt nên nghĩ ngay xem mình có bị sốt xuất huyết Dengue không vì sốt xuất huyết Dengue khi hết hoặc giảm sốt bệnh có thể diễn tiến nặng. Hiện nay có xét nghiệm chẩn đoán nhanh là NS1, bệnh nhân sốt ngày thứ 1 – ngày thứ 4 nên làm test này để loại trừ sốt xuất huyết Dengue.

Sốt xuất huyết có thể thành dịch lớn
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 96.000 ca mắc SXH, trong đó có gần 43.000 ca phải nhập viện và có 10 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng 3,2 lần so cùng kỳ năm trước. Các tỉnh, thành phố có số ca mắc/100.000 nghìn dân cao nhất nước là Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận và Đồng Nai.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nnếu bệnh nhân sốt cả tuần hết sốt rồi một vài ngày sốt lại là phải nhập viện ngay để bác sĩ tìm nguyên nhân gây sốt và điều trị thích hợp.

Tại TP.HCM, từ tháng 2/2019 đến nay, thành phố đã ghi nhận hàng ngàn ca mắc SXH nhập viện. Theo Sở Y tế TP.HCM, tổng số ca mắc tính đến tuần 28 của năm 2019 đã là 27.153 ca, tăng hơn 165% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, 15.611 ca điều trị nội trú, tăng 153% so với cùng kỳ năm trước.

TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV. Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, bệnh viện này đã tiếp nhận hơn 5.000 ca bệnh điều trị nội trú, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Các số liệu của các đơn vị y tế khác trong khu vực cũng cho thấy tình hình bệnh đang ngày càng gia tăng có dịch lớn xảy ra khi mùa mưa vào cao điểm.

Nhằm chuẩn bị ứng phó với dịch sốt xuất huyết, ngay từ đầu năm, bệnh viện đã tổ chức tập huấn lại cho nhân viên y tế tại bệnh viện cũng như các cơ sở y tế trong TP.HCM. Công tác chuẩn bị cơ số thuốc men, trang thiết bị y tế bảo đảm đầy đủ. Các chuyên gia về sốt xuất huyết của bệnh viện đã tham gia hội đồng khoa học do Bộ Y tế thành lập nhập cập nhật bổ sung Hướng dẫn Quốc gia về chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết. Bệnh viện cũng đã có kế hoạch triển khai tập huấn theo hướng dẫn mới khi Bộ Y tế ban hành trong thời gian tới.

Hiện tại bệnh nhân sốt xuất huyết khi đến khám sẽ được các bác sĩ khám và tiến hành xét nghiệm để lọc bệnh, những trường hợp có chỉ định sẽ được nhập viện điều trị nội trú. Đối với các trường hợp chưa có chỉ định nhập viện bệnh viện sẽ cho toa và giới thiệu về địa phương theo dõi tiếp, hoặc bệnh nhân có thể đến tái khám mỗi ngày nhằm tránh quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng theo dõi điều trị nội trú.

Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các địa phương phải xác định sớm ổ dịch nhỏ và lớn để xử lý triệt để, hạn chế lây lan, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tăng cường phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành ở chợ, trường học, bệnh viện và khu đông dân cư...

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, viện, bệnh viện trực thuộc Bộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc trên toàn quốc yêu cầu đảm bảo cung ứng thuốc phòng, điều trị bệnh sốt xuất huyết. Cục Quản lý Dược cho biết, hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu tăng lên tại một số địa phương.

Để đảm bảo cung ứng thuốc phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc đóng trên địa bàn có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị, đặc biệt đảm bảo cơ số thuốc; hóa chất khử trùng, diệt khuẩn và các thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc. Trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị sốt xuất huyết Dengue và các bệnh có thể phát sinh sau mưa, bão, lũ lụt… trên địa bàn, Sở Y tế cần báo cáo ngay về Bộ Y tế.

Bệnh sốt xuất huyết, tại sao phải thử máu nhiều lần?

Bệnh sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em, xảy ra hầu như quanh năm. Thử máu là một trong những phương tiện giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh sốt xuất huyết. Có nhiều loại xét nghiệm máu được thực hiện trong quá trình theo dõi và điều trị, nhất là trong trường hợp sốt xuất huyết nặng. Việc kết hợp giữa theo dõi diễn tiến khi khám bệnh nhi với diễn tiến của các kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ lựa chọn phương cách điều trị phù hợp nhất cho tình trạng của bệnh nhi tại từng thời điểm của bệnh.

Hầu hết phụ huynh có con em bị sốt xuất huyết, dù chưa hiểu rõ lắm nhưng có lẽ cũng cảm nhận được sự cần thiết của việc thử máu, nên đã hợp tác rất tốt với nhân viên y tế để dỗ dành bé khi cần lấy máu xét nghiệm.

Tuy nhiên, một số trường hợp điều trị ngoại trú hoặc phải nhập viện nhưng chưa cần truyền dịch, phụ huynh thường thắc mắc: tại sao trẻ phải thử máu nhiều lần?

Để giúp phụ huynh hiểu rõ hơn, an tâm hơn và hợp tác tốt hơn, trong khuôn khổ bài viết này xin đề cập đến một xét nghiệm máu được làm thường xuyên trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết: đo thể tích khối hồng cầu.

Trị số thể tích khối hồng cầu là một trong những yếu tố giúp đánh giá mức độ cô đặc máu trong cơ thể bệnh nhi sốt xuất huyết. Có thể nói một cách đơn giản là nếu máu càng bị cô đặc thì bệnh càng dễ trở nặng. Tuy nhiên, can thiệp tình trạng cô đặc máu này sớm hay muộn đều có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị, vì vậy việc theo dõi diễn tiến tình trạng cô đặc máu để phát hiện thời điểm cần can thiệp là rất cần thiết, do đó xét nghiệm đo thể tích khối hồng cầu sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện ở nhiều thời điểm tùy tình trạng bệnh nhi.
Các xét nghiệm máu được thực hiện đều cần thiết và lượng máu xét nghiệm (dù nhiều lần) là rất ít so với lượng máu trong cơ thể, hoàn toàn không làm cho bệnh nhi bị mất máu hay thiếu máu vì các xét nghiệm này. Do đó, phụ huynh không phải lo lắng con em mình bị mất máu nhiều.

Để góp phần giúp việc theo dõi và điều trị trẻ bệnh sốt xuất huyết được tốt hơn, phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước và trấn an, động viên để trẻ bớt sợ hãi mỗi khi thử máu.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin