SARS-CoV-2 tấn công phổi như thế nào?

Cập nhật: 27/5/2021 | 10:43:44 AM

Sau hơn một năm đại dịch xảy ra, chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc về nghiên cứu vắc-xin, xét nghiệm chẩn đoán và các phương pháp điều trị COVID-19, nhưng với SAR-CoV-2, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu...

 

Cách thức SARS-CoV-2 tấn công phổi

Ở giai đoạn 1 của dịch COVID-19, các dữ liệu nghiên cứu cũng đã cho thấy, biến chứng nguy hiểm và phổ biến nhất ở các bệnh nhân nhiễm bệnh là viêm phổi. Theo dữ liệu, trong số 99 người đầu tiên bị viêm phổi nặng do nhiễm virus SARS-CoV-2, có đến 3/4 là viêm cả hai lá phổi. Khoảng 14% số đó có phổi bị tổn hại do hệ miễn dịch gây ra, 11% có bị suy đa tạng do nhiễm trùng huyết, một số khác có nguy cơ biến chứng trong thời gian điều trị tại bệnh viện như bội nhiễm vi khuẩn.

SARS-CoV-2 cũng tấn công vào phổi qua 3 giai đoạn cũng giống như SARS: Những ngày đầu mới nhiễm, virus tấn công dồn dập tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào bảo vệ lông mao, sau đó làm bong tróc lớp bảo vệ này. Khi mất đi lớp bảo vệ, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập.

Cách thức tấn công này khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 bị viêm cả 2 lá phổi. Sau giai đoạn 1, nếu hệ miễn dịch bệnh nhân đủ khoẻ, sẽ hồi phục. Khi sang giai đoạn 3, tổn thương phổi nặng sẽ tiếp tục lan rộng dẫn tới suy hô hấp cấp tính (thở nhanh, khó thở, tím tái…). Trong trường hợp bệnh nhân có hồi phục, phổi sẽ bị tổn thương nặng và không thể phục hồi.

Bệnh nhân COVID-19 nặng, phổi có thể khó phục hồi

Hai nghiên cứu đến từ Đại học Columbia, New York và Viện Broad MIT đã tiến hành phân tích các mẫu mô thiết yếu thu thập được từ bệnh nhân COVID-19 tử vong, phát hiện ra rằng phổi của những người chết do COVID-19 chứa đầy các tế bào miễn dịch được gọi là đại thực bào.

Mặc dù các đại thực bào thường giúp chống lại một loại virus truyền nhiễm, nhưng dường như trong trường hợp này lại tạo ra một chu kỳ viêm nặng luẩn quẩn làm tổn thương thêm mô phổi. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các đại thực bào tạo ra nồng độ IL-1β cao, một loại protein viêm được gọi là cytokine. Tình trạng này là một phản ứng miễn dịch nghiêm trọng, trong đó cơ thể tạo ra các tế bào miễn dịch và protein có thể phá hủy các cơ quan khác. Điều này có thể giải thích tại sao những bệnh nhân trẻ tuổi không có bệnh lý nền lại có thể tử vong khi nhiễm COVID-19.

Khi một người qua khỏi và bình phục sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp điển hình, như cúm, phổi sẽ phục hồi. Nhưng ở bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng, cả hai nghiên cứu đều cho thấy quá trình phổi phục hồi không phải lúc nào cũng có thể xảy ra. SARS-CoV-2 không chỉ phá hủy các tế bào trong túi khí, được gọi là phế nang, rất cần thiết cho việc trao đổi oxy và carbon dioxide, mà viêm không được kiểm soát làm suy yếu các tế bào còn lại.

Trong cả hai nghiên cứu, mô phổi cũng chứa một số lượng lớn tế bào sợi nguyên bào. Số lượng ngày càng tăng của một loại nguyên bào sợi thúc đẩy nhanh quá trình xơ hóa phổi được thấy ở bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng. Các phát hiện chỉ ra các protein nguyên bào sợi cụ thể có thể đóng vai trò là mục tiêu của loại thuốc tiềm năng.

Hy vọng rằng với bộ dữ liệu từ hai nghiên cứu này, cùng với các phân tích và nghiên cứu trong tương lai sẽ cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về các biến chứng lâu dài ở những bệnh nhân phục hồi sau COVID-19. Đây cũng là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của các liệu pháp đầy hứa hẹn, với mục tiêu ngăn ngừa các biến chứng và tử vong trong tương lai do COVID-19.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin