Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chúng ta thực sự biết những gì về nguy cơ tái nhiễm Covid-19?

Cập nhật: 27/8/2020 | 6:15:28 PM

Kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, đã có những báo cáo lẻ tẻ về bệnh nhân bị tái nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên đến nay mới có bằng chứng cụ thể chứng minh khả năng tái nhiễm virus.

Chúng ta thực sự biết những gì về nguy cơ tái nhiễm Covid-19? - 1

Một bệnh nhân nam đã khỏi Covid-19 vào tháng 3 lại có kết quả dương tính tại một địa điểm sàng lọc ở sân bay trong tháng này khi trở về Hồng Kông.

Theo bài báo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông, việc giải trình tự bộ gen của virus cho thấy người đàn ông này đã bị nhiễm hai biến thể di truyền khác nhau của SARS-CoV-2 và do đó đã được xác nhận là bị tái nhiễm, mặc dù các tác giả đã không trình bày dữ liệu để loại trừ nhiễm chéo, có thể dễ dàng xảy ra trong các phòng thí nghiệm xử lý nhiều mẫu lâm sàng chứa các biến thể virus khác nhau. Sau đó, đã có thêm 2 trường hợp tái nhiễm được báo cáo ở Hà Lan và Bỉ, mặc dù chưa có dữ liệu nào để xác nhận những phát hiện này.

Nhưng đây không phải là lý do để báo động. Bạn không thể biết liệu điều gì đó có sẽ tác động lớn đến đại dịch hay không chỉ bằng việc xem xét những trường hợp đơn lẻ, hoặc thậm chí là một số ít trường hợp. Maria Van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị virus mới tại Tổ chức Y tế Thế giới, nhấn mạnh rằng điều này cần được nghiên cứu ở cấp độ quần thể trước khi đưa ra bất kỳ kết luận xa hơn nào. Hiện tại, có rất ít bằng chứng cho thấy tình trạng tái nhiễm là phổ biến.

Vậy chúng ta có thể rút ra được gì về tái nhiễm từ các báo cáo ca bệnh này cùng với những dữ liệu tương đối ít ỏi từ đó? Không nhiều. Nhưng bây giờ chúng ta có thể bắt đầu xem nó phù hợp như thế nào với các bằng chứng khác về khả năng tái nhiễm và miễn dịch với SARS-CoV-2 và phát triển các giả thuyết sau đó có thể được kiểm tra trong các nghiên cứu lâm sàng nghiêm ngặt hơn hoặc trong các mô hình thực nghiệm.

Kháng thể và miễn dịch với SARS-CoV-2.

Kháng thể là các protein gắn với các kháng nguyên đặc hiệu, hoặc các protein của virus được nhận diện bởi hệ miễn dịch. Khi một kháng thể gắn với kháng nguyên của nó và làm cho virus không thể nhiễm vào, nó được gọi là kháng thể trung hòa. Có nhiều loại kháng thể khác nhau, nhưng loại có khả năng trung hòa nhất được gọi là IgG, vì vậy nó hay được đo lường nhất để xem liệu ai đó có đã phát triển đáp ứng kháng thể trung hòa hay chưa. Huyết thanh là thành phần lỏng của máu có chứa các kháng thể tuần hoàn. Nồng độ của các kháng thể trong máu được gọi là hiệu giá kháng thể.

Thông thường nhất, xét nghiệm PCR được sử dụng để chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2, phương pháp này phát hiện và khuếch đại trực tiếp một mảnh nhỏ của bộ gen virus. Nhưng xét nghiệm kháng thể, là loại phù hợp nhất ở đây, định lượng hiệu giá kháng thể. Một số cũng có thể xác định có bao nhiêu kháng thể trung hòa trong mẫu huyết thanh có thể bất hoạt SARS-CoV-2 đích thực hoặc virus cùng họ.

Ca tái nhiễm ở Hồng Kông cho thấy điều gì?

Bây giờ bài học về miễn dịch học đã hết, chúng ta có thể xem xét một số quan sát thú vị ở ca bệnh Hồng Kông.

Thứ nhất, bệnh nhân không có kháng thể IgG huyết thanh 10 ngày sau khi khởi phát triệu chứng. Điều này gợi ý rằng ở lần nhiễm trùng đầu tiên, khi đó bệnh nhân báo cáo các triệu chứng Covid-19 nhẹ, không kích hoạt phản ứng kháng thể trung hòa đặc biệt mạnh.

Điều này phù hợp với các báo cáo cho thấy hiệu giá kháng thể tương quan với mức độ nặng của bệnh — tải lượng virus càng lớn, bệnh nhân càng ốm nặng và phản ứng kháng thể càng mạnh — và có thể gợi ý rằng bệnh nhân hoàn toàn không có đáp ứng miễn dịch, hoặc ít nhất là phản ứng kháng thể rất yếu dưới ngưỡng phát hiện của xét nghiệm đã được sử dụng. Sự vắng mặt của các kháng thể huyết thanh không nhất thiết chứng tỏ sự vắng mặt của ký ức miễn dịch chức năng, vì các kháng thể không phải là chỉ dấu duy nhất của khả năng miễn dịch.

Điều này dẫn đến một quan sát thú vị thứ hai: Bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng trong suốt quá trình nhiễm lần thứ hai, và sau đó, bệnh nhân có kháng thể IgG đối với protein nucleocapsid của SARS-CoV-2. Điều này có thể được giải thích là do sự hiện diện của ký ức miễn dịch hoặc các tế bào miễn dịch “ghi nhớ” virus từ lần nhiễm đầu tiên, ngay cả khi hiệu giá kháng thể quá thấp không thể phát hiện bằng xét nghiệm.

Trong bệnh cảnh này, ký ức miễn dịch không đủ mạnh để bất hoạt và ngăn chặn hoàn toàn nhiễm trùng, nhưng nó đủ để giảm thiểu bệnh. Điều này phù hợp với những gì chúng ta biết về cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch: Sau khi phục hồi từ lần nhiễm trùng ban đầu, hiệu giá kháng thể thường giảm xuống mức nền, có thể quá thấp không phát hiện được, mặc dù vẫn có các tế bào B ghi nhớ tạo ra kháng thể. Akiko Iwasaki, chuyên gia virus và miễn dịch học tại Yale, nghiên cứu về SARS-CoV-2, gọi đây là “ví dụ kinh điển” về một hệ thống miễn dịch chức năng đáp ứng với mầm bệnh đã phơi nhiễm trước đó. Ngay cả khi miễn dịch có từ trước không hoàn toàn bảo vệ khỏi nhiễm trùng, nó vẫn được cho là làm giảm mức độ nặng của bệnh.

Ý nghĩa của các phát hiện trong kiểm soát đại dịch

Câu hỏi quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất đối với việc kiểm soát đại dịch, là liệu những người bị tái nhiễm có thể lây virus sang người khác hay không. Nghiên cứu ở Hồng Kông không đo lường sự phát tán virus sau tái nhiễm, vì vậy không thể xác định liệu bệnh nhân có khả năng lây truyền virus sang cho người khác hay không dựa trên những dữ liệu này.

Bệnh nhân được cách ly sau khi xét nghiệm dương tính, vì vậy không có bằng chứng dịch tễ học nào cho thấy bệnh nhân này đã truyền SARS-CoV-2 cho bất kỳ ai khác trong lần nhiễm trùng thứ hai không có triệu chứng. Nếu những bệnh nhân bị tái nhiễm có thể lây lan virus, thì lây nhiễm trong cộng đồng có thể gia tăng nếu những trường hợp này không được phát hiện qua xét nghiệm. Khả năng phát hiện những trường hợp này có thể sẽ giảm hơn nữa do hướng dẫn mới của CDC Mỹ nói rằng mọi người không cần đi xét nghiệm trừ khi họ có triệu chứng, ngay cả khi đã tiếp xúc với ca nhiễm đã được xác nhận. Đó là lý do tại sao phải đưa ra ước tính rõ ràng hơn về tỷ lệ tái nhiễm. Nếu tái nhiễm là p hiếm gặp, thì có lẽ nó sẽ ít ảnh hưởng đến lây truyền trong cộng đồng hơn.

Không thấy các ca tái nhiễm trước thời điểm này có thể là do nó hiếm hoặc hiếm khi được phát hiện. Đã có nhiều báo cáo về tái nhiễm trong suốt đại dịch, nhưng những báo cáo này đều không được xác nhận.

Từ tháng 2, đã có những báo cáo về bệnh nhân “dương tính” rồi âm tính sau khi khỏi Covid-19 và sau đó lại dương tính. Hầu hết các trường hợp dương tính này được cho là do ARN virus còn sót lại, vật liệu di truyền SARS-CoV-2 được xét nghiệm phát hiện nhưng không phải lúc nào cũng tương ứng với sự hiện diện của virus lây nhiễm và có thể tồn tại trong nhiều tuần sau khi hồi phục.

Điều này đã được xác nhận bởi một nghiên cứu do CDC Hàn Quốc thực hiện vào tháng 5 trên hơn 200 trường hợp dương tính, chứng minh rằng những bệnh nhân dương tính lại không gây ra các cụm lây truyền mới, cũng như không phát tán virus gây nhiễm, và do đó có thể không nhiễm bệnh mặc dù xét nghiệm dương tính. Trong trường hợp ở Hồng Kông, tái nhiễm được xác nhận bằng cách giải trình tự toàn bộ bộ gen của virus thay vì phát hiện một phần nhỏ của vật liệu di truyền bằng xét nghiệm chẩn đoán và quan sát thấy toàn bộ trình tự bộ gen của virus là khác biệt trong mỗi đợt nhiễm.

Có ít báo cáo hơn về những người xét nghiệm dương tính trong hơn 4 tháng sau khi khỏi bệnh, mặc dù điều này có thể là do những người đã khỏi Covid-19 ít đi xét nghiệm vài tháng sau khi hết các triệu chứng hoặc sau khi có kết quả âm tính, hoặc nếu họ đã xét nghiệm kháng thể và có huyết thanh dương tính.

Tuy nhiên, nếu tái nhiễm gây ra Covid-19 nặng, thì cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bằng chứng về điều đó. Với hơn 24 triệu trường hợp SARS-CoV-2 trên toàn thế giới, khả năng tái nhiễm có lẽ là rất hiếm nếu mãi đến bây giờ nó mới được quan sát thấy. Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng mẫu này có thể là dương tính giả do nhiễm chéo từ mẫu khác, trong trường hợp này, chúng ta vẫn đang chờ báo cáo xác nhận về tái nhiễm thực sự.

Cần nghiên cứu thêm về tác động của tái nhiễm với lây truyền và khả năng miễn dịch

Trong tương lai, nếu muốn hiểu bất cứ điều gì về tác động của tái nhiễm đối với lây truyền và khả năng miễn dịch, chúng ta phải thiết kế các nghiên cứu có thể giải quyết những câu hỏi này. Chúng ta cần hiểu mức độ phổ biến của nó và liệu những bệnh nhân tái nhiễm có bị Covid-19 nặng hay không, chúng ta cần xác định mối quan hệ của tái nhiễm với khả năng miễn dịch và cần đánh giá xem những bệnh nhân này có khả năng loại bỏ virus gây nhiễm và lây truyền SARS-CoV-2 sang người khác hay không. Không thể được thông tin này lấy từ một trường hợp duy nhất. Cho đến khi có bằng chứng cho thấy tái nhiễm là đáng lo ngại, chúng ta nên tập trung vào việc giảm nguy cơ lây nhiễm cho mọi người trong cộng đồng — bất kể họ đã bị nhiễm SARS-CoV-2 hay chưa.

(Nguồn: dantri.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014