Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Covid-19 cũng tạo ra 'đại dịch thông tin'

Cập nhật: 2/3/2020 | 2:57:03 PM

Cuối tháng 1, Dave O’Connor và Tom Friedrich đã mời các đồng nghiệp trên khắp nước Mỹ tham gia một nhóm chat.

Hai nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia Wisconsin khi đó đã biết tin tức về căn bệnh xuất hiện ở Trung Quốc. Họ nhận ra mình sẽ cần một chú linh trưởng làm mẫu nếu muốn nghiên cứu về chủng virus mới này.

O’Connor kể lại ông đã gọi điện cho một số chuyên gia và nói "Này, hãy cùng bàn luận với nhau đi".

Mục đích là phối hợp nghiên cứu và đảm bảo kết quả có thể đem đối chiếu với nhau, Friedrich nói thêm. Họ đặt tên cho nhóm chat trên Slack là Wu-han Clan, một cách chơi chữ theo tên của nhóm hip-hop Wu-Tang Clan.

Wu-han Clan chỉ là một ví dụ dịch Covid-19 làm thay đổi cách các nhà khoa học trao đổi với nhau về những khủng hoảng y tế đang diễn ra. Rất nhiều dữ liệu nghiên cứu đang được xuất bản hàng ngày bởi các máy chủ lưu trữ sơ bộ, thứ mà một thập kỷ trước đây không hề có. Sau đó dữ liệu ấy sẽ được mổ xẻ trên các nền tảng như Slack và Twitter, trên phương tiện truyền thông, trước khi được bình duyệt bởi các nhà khoa học khác.

Nhân viên các tạp chí khoa học đang làm việc liên tục để xem xét các bản thảo, chỉnh sửa và xuất bản với tốc độ kỷ lục. Tạp chí Y học New England (NEJM) danh tiếng xuất bản một bài báo về Covid-19 trong vòng 48 giờ sau khi nộp. Hiện, hơn 200 bộ gene của virus đã được đăng tải lên nền tảng GISAID, được phân tích ngay lập tức bởi một nhóm các nhà sinh học về tiến hóa. Các nhà sinh học sau đó sẽ đăng những cây phát sinh chủng loại của nhóm virus đó lên các nền tảng lưu trữ sơ bộ và trên phương tiện truyền thông xã hội.

Các nhà khoa học Trung Quốc trong phòng thí nghiệm Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc ngày 14/2. Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học Trung Quốc trong phòng thí nghiệm Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc ngày 14/2. Ảnh: Reuters

Truyền thông mạnh mẽ đã xúc tác một sự hợp tác chưa từng có giữa các nhà khoa học, kết hợp với những tiến bộ khoa học, khiến việc nghiên cứu diễn ra nhanh hơn bất kỳ đợt bùng phát dịch nào trước đó.

Sự chậm chạp trong trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học thường là vấn đề của các đợt bùng phát dịch trong quá khứ. Các nhà nghiên cứu đôi khi giữ một mình trong tay dữ liệu quan trọng cho đến khi bài báo đó được chấp nhận bởi một tạp chí danh tiếng, bởi vì họ lo lắng các đối thủ cạnh tranh có thể lấy cắp những dữ liệu đó. Ngay cả khi các nhà nghiên cứu sẵn sàng chia sẻ những kết quả nghiên cứu của họ sớm hơn, thì cũng không có một nền tảng sẵn có để làm việc đó.

Các máy chủ lưu trữ sơ bộ giúp công bố kết quả nghiên cứu nhanh chóng giúp thay đổi sự chậm chạp này. Các nhà khoa học có thể đăng dữ liệu mới một cách tức thời và vẫn nhận được thù lao, bất kể công trình cuối cùng được công bố ở tạp chí nào.

Trong một bài báo xuất bản năm 2018, tiến sĩ Marc Lipsitch (trường Y tế công cộng T.H. Chan thuộc Harvard) và các đồng tác giả kết luận những bản lưu trữ sơ bộ đã thúc đẩy nhanh việc công bố dữ liệu về dịch Zika trong khoảng thời gian 2015-2016 và dịch Ebola ở Tây Phi từ 2014-2016. Hầu hết các bản lưu trữ sơ bộ được đăng hơn 100 ngày trước khi được xuất bản trên một tạp chí. Tuy vậy, chưa đến 5% các bài báo trên tạp chí về hai dịch bệnh này đi theo con đường này.

Sự bùng phát Covid-19 đã thay đổi tình hình. Đầu tuần này, ít nhất 283 bài báo đã xuất hiện trên các kho lưu trữ sơ bộ, so với 261 được công bố trên các tạp chí. John Inglis, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor và là người điều hành cả hai máy chủ lưu trữ sơ bộ về y sinh lớn nhất bioRxiv và medRxiv cho biết "(chúng tôi) hiện nhận được khoảng 10 bài báo mỗi ngày về một vấn đề liên quan tới virus corona mới. Sự ồ ạt của nguồn dữ liệu này là một thách thức đối với số lượng nhân sự có hạn của chúng tôi..., đang làm việc vào cả buổi tối và cuối tuần".

Các bản thảo được thông qua rất khác nhau về chất lượng, nhà dịch tễ học của Đại học Hong Kong Keiji Fukuda nhận xét. "Một số trong số chúng không hữu ích và một số lại cực kỳ hữu ích".

Điều đó thậm chí còn khó khăn hơn đối với các nhà báo và công chúng nói chung. Một bản báo cáo sơ bộ ngày 31/1 trên bioRxiv của các nhà khoa học ở Ấn Độ đã chỉ ra sự tương đồng giữa kỳ lạ giữa nCoV, virus gây ra Covid-19 và HIV, thúc đẩy các thuyết âm mưu về công nghệ biến đổi gene. Bài báo đã được thảo luận rộng rãi trên Twitter và được một số hãng tin đưa tin ngay cả khi các nhà khoa học ngay lập tức nói rằng "nghiên cứu còn thiếu sót". Bài báo đã nhận được 90 góp ý phê bình trong vòng 48 giờ và đã nhanh chóng bị gỡ bỏ.

Những dữ liệu như vậy đang trở thành một phần của thực trạng "đại dịch thông tin", theo chuyên gia về virus Marion Koopmans thuộc Trung tâm y tế Erasmus. Cộng đồng các nhà khoa học cần tìm ra cách giải quyết vấn đề này. Maria cũng nói thêm "Rất nhiều người ủng hộ cho nền khoa học mở, dữ liệu mở. Thực trạng này chính là hiện thân của điều đó. Nhưng, chúng ta cần phải làm gì bây giờ?".

BioRxiv và medRxiv đều đưa ra các thông báo nổi bật nhấn mạnh bản chất sơ khai của thông tin trong các bản lưu trữ sơ bộ. "Các nhà báo cần nhắc tới những hạn chế này khi họ sử dụng những thông tin trên đó", tiến sĩ Inglis nói.

Nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng lợi ích của việc nhanh chóng chia sẻ thông tin vượt xa những vấn đề mà nó mang lại. Hơn thế nữa, ngay cả việc được xuất bản bởi một tạp chí hàng đầu cũng không đảm bảo kết quả nghiên cứu là chính xác.

Trong bài báo cáo ngắn được xuất bản vào ngày 30/1 trên tạp chí NEJM, tác giả đề cập tới việc một phụ nữ Trung Quốc không có triệu chứng Covid-19 đã truyền virus cho những người ở Đức. Sau đó tác giả bị chỉ trích nặng nề vì hóa ra họ chưa từng nói chuyện với người phụ nữ đó. Một cuộc phỏng vấn sau đó cho thấy người phụ nữ này thực tế có biểu hiện triệu chứng. Tạp chí NEJM sau này đã thêm thông tin đó như một phần phụ lục.

Tổng biên tập NEJM Eric Rubin thừa nhận có sự đánh đổi giữa tính nghiêm ngặt và tốc độ. Ông cũng nói rằng quá trình xem xét của tạp chí đối với các bài báo về Covid-19 về cơ bản giống như mọi khi nhưng nhanh hơn nhiều. "Chúng tôi và các tác giả có thể cẩn thận hơn nếu chúng tôi có nhiều thời gian hơn", ông viết. "Hiện tại, các bác sĩ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng và những thông tin chất lượng có sẵn một cách nhanh chóng vẫn còn tốt hơn những thông tin chính xác 100% nhưng không thể truy cập cho đến khi nó không còn ý nghĩa gì".

Để tăng tốc độ nghiên cứu, việc chia sẻ về những phương pháp nghiên cứu cũng vô cùng quan trọng, tiến sĩ O’Connor cho hay. Ví dụ như thí nghiệm cho thấy một loài động vật không thể bị nhiễm virus mới. Tiến sĩ O'Connor cho hay "Những thông tin như trên không được chia sẻ thông qua các kênh truyền thống là lý do tại sao các nhóm như Wu-han Clan trở nên có ích". Các thành viên trong đó cùng thảo luận về việc có nên lây nhiễm cho động vật theo cách truyền thống hay không, bằng cách đặt huyền phù lỏng chứa virus vào mũi hoặc qua bình xịt, cách tiếp xúc mới gần giống với việc hắt hơi hơn.

"Chia sẻ công khai các ý tưởng sẽ giúp loại bỏ việc nghiên cứu bị trùng lặp", tiến sĩ Friedrich nói.

Chưa thể chắc chắn liệu những cái bắt tay của giới khoa học có giúp giảm thiểu sức ảnh hưởng của Covid-19 hay không. Nhưng nhiều nhà khoa học đang rất hoan nghênh những thay đổi trong việc trao đổi thông tin. Chuyên gia về virus Isabella Eckerle thuộc Trung tâm về các bệnh do virus mới tại Geneva nhận xét "Dường như một văn hóa nghiên cứu mới đang dần được hình thành. Và điều này thật sự đáng mong chờ."

(Nguồn: vnexpress.net)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014