Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Mưa lũ, cảnh giác với viêm gan E

Cập nhật: 6/8/2018 | 8:40:05 PM

Viêm gan E là bệnh gan do virut viêm gan E (HEV) gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua nước uống bị ô nhiễm.

Viêm gan virut E là một bệnh thường tự giới hạn và khỏi trong vòng 4-6 tuần. Đôi khi bệnh phát triển thành ác tính khiến bệnh nhân suy gan cấp có thể dẫn đến tử vong.

Dễ gặp trong mưa lũ

Virut viêm gan E lây truyền chủ yếu qua đường phân-miệng do ô nhiễm phân của nước uống, do đó, khi môi trường xung quanh chúng ta không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là trong và sau mưa lũ thì khả năng mắc bệnh viêm gan E của người dân sống trong các vùng đó rất dễ dàng xảy ra.

Các đường lây khác của HEV đã được xác định, bao gồm: Truyền từ thực phẩm do ăn các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm bệnh; Truyền từ các sản phẩm máu bị nhiễm bệnh; Truyền từ mẹ sang con trong quá trình thai nghén. Mặc dù con người được xem là vật chủ tự nhiên của virut viêm gan E, kháng thể chống lại virut viêm gan E hoặc các virut có liên quan chặt chẽ cũng đã được phát hiện ở các loài linh trưởng và một số loài động vật khác.

Viêm gan E là một bệnh lây truyền theo đường nước, các nguồn nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm có liên quan đến các đợt dịch lớn. Bệnh xuất hiện theo chu kỳ khoảng từ 5-10 năm, thường có một vụ dịch tại một địa phương nào đó. Nguyên nhân là virut viêm gan E có trong phân, rác, nước thải khi mưa lũ về làm tràn ngập các vùng đất bẩn có chứa các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virut viêm gan A, E. Virut viêm gan E được đưa đến nhiều vùng dọc theo triền sông.

Những con đường lây nhiễm của virut viêm gan E.
Những con đường lây nhiễm của virut viêm gan E.

Từ nước, virut bám vào thức ăn như rau, thực phẩm (do dùng nước sông, ao hồ để rửa), nước uống. Khi con người ăn, uống phải loại thức ăn, nước uống đó sẽ mắc bệnh. Việc ăn các hải sản có vỏ còn sống hoặc chưa nấu chín cũng đã được xác định là nguồn gốc của các trường hợp nhiễm HEV lẻ tẻ trong vùng dịch lưu hành.

Các yếu tố nguy cơ đối với nhiễm viêm gan E có liên quan đến sự kém vệ sinh trong những khu vực rộng lớn có sự phát tán virut viêm gan E có trong phân.

Tuy nhiên, virut viêm gan E có nhược điểm là sức đề kháng rất kém khi ra bên ngoài môi trường, chỉ cần đun sôi trong vòng từ 1 - 2 phút là có khả năng tiêu diệt được chúng. Đây là một đặc điểm rất thuận lợi cho công tác phòng bệnh.

Khó nhận biết

Thời kỳ ủ bệnh sau khi phơi nhiễm với virut viêm gan E là khoảng 3-8 tuần, trung bình là 40 ngày. Các giai đoạn của thời gian lây nhiễm là không rõ ràng.

Virut viêm gan E gây viêm gan cấp một cách rời rạc và thành dịch. Sự nhiễm HEV có triệu chứng thường gặp nhất ở người trẻ tuổi từ 15-40. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng thường gặp dễ bị nhiễm HEV, hầu như không có triệu chứng hoặc bệnh chỉ rất nhẹ, không có vàng da nên rất khó chẩn đoán.

Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của viêm gan E gồm: vàng da (vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu); người bệnh ăn không ngon, chán ăn. Gan to, ấn đau, bệnh nhân thường than phiền đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn và sốt.  Những triệu chứng này thường nhầm lẫn sang các bệnh thông thường khác. Và đặc biệt, những triệu chứng của viêm gan virut E rất khó phân biệt với giai đoạn cấp của các viêm gan do virut khác và thường kéo dài trong 1-2 tuần.

Ở một số trường hợp viêm gan E cấp tính có thể dẫn đến viêm gan tối cấp (suy gan cấp) và có thể gây tử vong. Viêm gan tối cấp thường hay xảy ra hơn ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai.

Viêm gan virut E mạn hiếm gặp và thường hay gặp ở những người bị kìm hãm miễn dịch, đặc biệt là hay gặp ở bệnh nhân được ghép tạng. Đôi khi viêm gan E mạn có thể gây xơ hóa hoặc xơ gan, theo nghiên cứu, khoảng 10% các trường hợp bệnh viêm gan E chuyển diễn tiến sang xơ gan.

Cần chủ động phòng bệnh

Chủ động phòng bệnh là phương pháp hiệu quả nhất để chống lại nhiễm HEV. Ở mức độ quốc gia, nguy cơ lây nhiễm HEV có thể được làm giảm bằng cách: Duy trì tiêu chuẩn chất lượng cho các nguồn nước công cộng. Cần xử lý hệ thống nguồn nước thích hợp để loại bỏ các chất thải vệ sinh.

Đối với vệ sinh cá nhân, cần duy trì thói quen vệ sinh như rửa tay với nước sạch, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn; Tránh nước hoặc nước đá mà chưa biết độ sạch là một biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ nhiễm HEV.

Cần vệ sinh môi trường thật tốt, đặc biệt là trước, trong và sau mưa lũ; Cần có biện pháp quản lý phân và chất thải sau mưa lũ, đặc biệt các vùng triền sông hay có lũ, lụt. Bên cạnh đó, xử lý nguồn nước cũng đóng vai trò quan trọng. Nguồn nước là ổ chứa vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virut viêm gan A và E. Vì vậy, sau lũ lụt cũng như định kỳ cần thau rửa đồ dùng sinh hoạt, đồ vật đựng nước cũng như giếng khơi. Các nguồn nước ứ đọng như ao, hồ, cống rãnh cần được khơi thông. Cần có biện pháp khử khuẩn bằng cloramin đúng phương pháp (dưới sự hướng dẫn của cán bộ y tế); Không nên rửa rau, thực phẩm ở các sông, suối, ao, hồ không hợp vệ sinh. Tuyệt đối không ăn rau sống, không uống nước chưa đun sôi, kể cả nước đá mà nguồn nước dùng chưa tiệt khuẩn.

Đối với người đã mắc bệnh, ngoài việc thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, cần nghỉ ngơi, hoạt động nhẹ nhàng. Ăn giàu đạm, vitamin, giảm mỡ động vật. Tăng cường hoa quả tươi. Không rượu, bia và hạn chế sử dụng các thuốc, hóa chất gây độc cho gan.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014