Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Sai lầm thường gặp khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ

Cập nhật: 29/1/2019 | 7:32:36 AM

Ngại đưa trẻ đến bệnh viện khám bệnh, tự chẩn bệnh và mua thuốc cho con uống - là những thói quen thường thấy của các gia đình có con nhỏ.

Ngại đưa trẻ đến bệnh viện khám bệnh, tự chẩn bệnh và mua thuốc cho con uống - là những thói quen thường thấy của các gia đình có con nhỏ. Việc tự ý cho trẻ dùng thuốc đã là sai lầm, trong đó không ít người còn sai lầm trong cách thức dùng thuốc cho con dễ dẫn đến những nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Tự làm bác sĩ của con

Đây là sai lầm thường gặp nhất với những người thường xuyên tự ý mua thuốc cho con dùng. Trường hợp đơn giản như: Một đứa trẻ bị ho, hâm hấp sốt, lần đầu tiên đi khám bác sĩ thấy con có dấu hiệu ho do viêm họng nên cho dùng kháng sinh và một số loại thuốc khác. Con dùng thuốc khỏi hẳn chứng ho. Lần sau, thấy con ho, bố mẹ nghĩ ngay đến lần cho con đi khám trước, mua luôn kháng sinh về cho con uống. Con uống hết liều, không khỏi ho. Đi khám bác sĩ bảo con bị ho dị ứng, uống kháng sinh không có giá trị gì trong trường hợp này. Vậy là trong trường hợp này bố mẹ đã cho con dùng kháng sinh khi không cần thiết.

Việc tự chẩn bệnh thay bác sĩ còn có thể đẩy con vào trạng thái nguy hiểm. Rất nhiều bệnh như: bệnh sởi, sởi cấp tính ở trẻ em, bệnh viêm màng não, viêm cơ tim do virut... có triệu chứng khởi đầu giống như là bị cảm, nếu không phát hiện kịp thời sẽ kéo dài thời gian điều trị của bé. Thậm chí nguy cơ tử vong của trẻ sẽ cao hơn nếu để quá lâu.

Không hiểu thành phần chính của thuốc

Hầu hết các mẹ chỉ nhớ tên thuốc mà không biết thành phần chính của thuốc, dẫn đến việc dùng thuốc trùng lặp, gây quá liều và ngộ độc cho trẻ. Thuốc cảm lạnh và thuốc hạ sốt là hai loại thuốc mà thành phần của nó dễ dàng bị bỏ qua nhất. Các thành phần chính của thuốc hạ sốt chủ yếu là ibuprofen, acetaminophen (paracetamol) và nhiều loại thuốc cảm lạnh cũng có chứa những thành phần này. Nếu bạn vừa điều trị tình trạng ngạt mũi của bé bằng thuốc trị cảm lạnh, vừa cho bé dùng thuốc hạ sốt, thì rất có thể bé sẽ nhận được gấp đôi lượng acetaminophen theo khuyến nghị. Khi cho trẻ uống thuốc cần lưu ý để không dùng hai loại thuốc cùng thành phần hoạt chất, bởi gan và thận có thể bị rối loạn chức năng do quá tải. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

sai-lam-thuong-gap-khi-dung-thuoc-cho-tre-nho-1Dùng thìa đong thuốc cho trẻ dễ bị sai liều.

Phối hợp thuốc không đúng

Có một số thuốc chỉ uống một loại thì an toàn cho bé, nhưng nếu kết hợp uống với các loại thuốc khác có thể sẽ gây ra những phản ứng tương tác thuốc không tốt. Nói cách khác là kiêng kỵ khi phối hợp chúng với nhau. Ví dụ, thuốc kháng sinh nếu uống cùng với men vi sinh, thì trong khi kháng sinh diệt vi khuẩn trong đường ruột thì men vi sinh lại bổ sung lợi khuẩn. Dùng đồng thời hai thuốc này sẽ giảm hiệu quả tác dụng của thuốc. Hoặc đang cho bé dùng thuốc ho long đờm thì không được dùng đồng thời thuốc chống dị ứng. Bởi trong khi thuốc long đờm đang làm đờm loãng và long ra thì thuốc chống dị ứng lại làm giảm tiết dịch khiến đờm quánh lại không thoát ra được. Dùng đồng thời như vậy, hai thuốc sẽ phản tác dụng của nhau, không mang lại hiệu quả điều trị.

Dùng sai liều lượng

Đơn vị tính lượng thuốc, ví dụ như thuốc viên, thuốc nang thường có đơn vị là g, mg hoặc micro gam, còn các loại thuốc nước thì lấy ml làm đơn vị. Liều lượng thuốc của trẻ em không được tính bằng viên đơn giản như người lớn, do cơ thể của trẻ em khác biệt rất lớn. Để xác định liều lượng thuốc cho bé cần dựa vào cả hai yếu tố: độ tuổi và cân nặng, trong đó yếu tố cân nặng được lưu ý trước tiên. Trẻ em chuyển hóa thuốc khác nhau tùy thuộc vào cân nặng chứ không phải vào độ tuổi. Sự khác biệt này đặc biệt quan trọng nếu trẻ thừa cân hoặc thiếu cân so với tuổi.

Số lần sử dụng không đúng

Các loại thuốc khác nhau hấp thụ trong cơ thể, tốc độ phân giải và bài trừ đều không giống nhau, số lần uống mỗi ngày cũng không giống nhau. Nếu không uống đúng số lần quy định, tác dụng của thuốc sẽ giảm đi hoặc gây ra thuốc quá liều lượng thường xảy ra trường hợp uống hai liều quá gần nhau vào ban ngày (gây quá liều). Vì vậy, cần có giờ giấc cố định, chia đều các lần uống thuốc trong ngày (24 giờ) không uống hai liều quá gần nhau.

sai-lam-thuong-gap-khi-dung-thuoc-cho-tre-nho-2Khi dùng thuốc cho trẻ phải có chỉ định của bác sĩ.   Ảnh: TM

Không uống thuốc đủ liều, hết liệu trình điều trị

Đa phần các loại thuốc kháng sinh khi sử dụng cần phải uống liên tiếp trong vòng 1 tuần. Các bậc cha mẹ thường nóng lòng muốn cho con thôi dùng kháng sinh khi bệnh của bé có vẻ khá hơn. Nếu không đủ liều dùng, không uống thuốc theo hết liệu trình điều trị có thể dẫn đến trình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh, bệnh tật kéo dài hoặc bệnh cũ tái phát. Nếu bệnh tái phát, bé sẽ phải bắt đầu nguyên một liệu trình kháng sinh khác có thể gây ra những tác dụng phụ nặng hơn.

Chưa hiểu mối liên hệ thực phẩm và thuốc

Trong những trường hợp nhất định khi sử dụng thuốc, có một số thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày có thể gây ức chế sự hấp thu của thuốc hoặc gây phản ứng phụ khi sử dụng chung với thuốc mà mẹ không để ý. Chẳng hạn như cho con uống sữa, các loại nước ép quả cùng thuốc. Một số loại thuốc sẽ bị lượng canxi trong sữa khiến không hòa tan được, ảnh hưởng đến sự hấp thụ, do đó làm giảm hiệu quả. Bởi vậy, nếu chưa hiểu thì cần nhờ tới sự tư vấn của bác sĩ để có thể cho con uống thuốc đúng cách và hiệu quả.

Lời khuyên của thầy thuốc về cách cho trẻ uống thuốc an toàn

Lưu lại một danh sách tất cả các loại thuốc mà bé đang dùng. Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng: liều lượng sử dụng, thời điểm dùng thuốc, đối tượng không được dùng thuốc, phản ứng phụ có thể xảy ra, các tương tác thuốc... Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào của bé sau khi sử dụng thuốc thì phải báo ngay cho bác sĩ. Khi lỡ cho bé uống thuốc quá liều thì hãy đưa bé đến bệnh viện ngay để được khám và theo dõi. Để thuốc xa tầm tay của trẻ...


(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014