Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Cách chọn và dùng thuốc trị ngạt mũi cho trẻ

Cập nhật: 7/10/2017 | 4:30:46 PM

Thuốc chữa ngạt mũi không chữa được căn nguyên nhưng có tính chống viêm làm co mạch, giảm phù nề, giảm tiết dịch... trả lại sự thông thoáng cho mũi.

Với trẻ dưới 6 tuổi nhất là dưới 2 tuổi cần phải thận trong ngay từ khi chọn lựa thuốc.

Các thuốc chứa tinh dầu bạc hà, menthol: Tinh dầu gây kích ứng, nếu có thêm methylsalicylat còn gây rát bỏng. Menthol và tinh dầu bạc hà (chứa khoảng 70% menthol) gây ức chế tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến ngừng tim ngừng thở nhất là với trẻ 2 tuổi. Không dùng các loại cao xoa, thuốc hít, thuốc xông chứa các loại chất này cho trẻ nhỏ (xoa vào mũi, thái dương, trán).

Các sản phẩm này thường có hộp bọc bên ngoài, trong hộp có tờ giới thiệu ghi rất rõ “cấm dùng cho trẻ”. Khi mua, người dùng thường xé hộp bọc bên ngoài đi nên không biết chống chỉ định này. Các sản phẩm này thường dùng cho người lớn, nhưng do không chú ý bảo quản nên có khi trẻ mang ra nghịch hoặc người lớn bôi lên mũi, thái dương, trán dễ gây tai biến.

Có rất nhiều loại thuốc chữa ngạt mũi không dùng được cho trẻ. Hình minh họa

Naphazolin: Đây là thuốc cường giao cảm, làm co mạch, chỉ dùng chữa ngạt mũi cho người lớn. Trẻ em rất nhạy cảm với thuốc này gây co mạch kéo dài làm cho máu không đến được niêm mạc mũi gây hoại tử; thuốc còn bị hấp thu vào bên trong gây nhức đầu, chóng mặt, tăng huyết áp, hồi hộp, tim nhanh, nghiêm trọng nhất là gây co mạch ở não, tim, da đầu, các chi  dẫn đến tử vong. Không nên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nếu cần thiết, dùng dung dịch 0,025% và phải hết sức thận trọng theo chỉ dẫn và theo dõi của thầy thuốc. Chỉ được dùng dung dịch 0,05% cho trẻ em dưới 12 tuổi khi có chỉ dẫn và giám sát của thầy thuốc.

Các thuốc cảm bán không cần đơn (OTC): Trong thành phần loại thuốc cảm OTC thường có các chất: phenylephedrin, pseudoephedrin là loại cường giao cảm mạnh, làm co mạch, giảm sung huyết, có tác dụng chống ngạt mũi, rất tốt với người lớn nhưng không tốt với trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. Nhiều thầy thuốc lâm sàng có kinh nghiệm khuyên không nên dùng cho trẻ em ở độ tuổi lớn hơn (dưới 12 tuổi).

Phenylpropaolamin gây kích thích khó ngủ, gây chán ăn đặc biệt là gây chảy máu não, màng não. Những loại thuốc cảm chứa các chất này trước đây bán không cần đơn nhưng hiện nay có nhiều cách xử lý khác nhau: Canada (2008) khuyến cáo không được dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Mỹ khuyến cáo không dùng cho trẻ em dưới 4 tuổi; tất cả các sản phẩm chứa phenylpropaolamin thì Trung Quốc (2000) cấm dùng nhưng Pháp (2001) lại không cấm nhưng buộc phải bán theo đơn.

Trong các loại thuốc cảm OTC có loại thuốc dành cho người lớn, hàm lượng  các chất trên thường khá cao nếu đem dùng cho trẻ em kể cả loại lớn tuổi lại càng nguy hiểm. Theo đó không nên dùng thuốc cảm OTC chứa các chất nói trên cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Các loại thuốc hít dùng cho bệnh hen: Chúng gồm corticoid hít, chủ vận beta 2 hít. Dạng thuốc này khó dùng, quy định chỉ có thể dùng cho trẻ em trên 4 tuổi.

Những thuốc có thể chọn dùng cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi

Natrichlorid: Thuốc làm co niêm mạc mũi, co mạch trả lại sự thông thoáng cho mũi. Nồng độ natri chlorid (muối) trong thuốc này chỉ chiếm 0,9% (đẳng trương) nên không gây rát hay khó chịu khi nhỏ vào mũi, thuốc không độc, có thể dùng cho cả trẻ sơ sinh.

Ephedrin: Thuốc gây giãn mạch mạnh, làm thông thoáng mũi. Dùng dưới dạng thuốc giọt 3% cho người lớn, 1% cho trẻ em. Hiện nay, thuốc này ít được dùng. Tuy có cho phép dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng theo các thầy thuốc chỉ nên dùng khi thật cần thiết và không dùng quá 8 ngày, nếu dùng kéo dài trẻ có thể bị nhiễm độc toàn thân (nhức đầu, buồn nôn, mất ngủ).

Xylomethazolin: Thuốc có tác dụng tương tự như naphazolin nhưng yếu hơn và cũng ít độc hơn, không gây ra các tai biến nghiêm trọng như naphazolin nói ở trên. Có thể  dùng cho trẻ em dưới  12 tuổi loại có nồng độ 0,05%; loại nồng độ lớn hơn (0,1%) chỉ dùng cho người lớn.

Lưu ý một số kỹ thuật dùng

Với loại thuốc nhỏ giọt: Dùng 2 ngón tay ấn nhẹ vào lọ, thuốc sẽ chảy ra thành giọt, có thể dùng theo liều tính bằng giọt. Không ấn mạnh hay dùng cả bàn tay bóp mạnh vào lọ, làm cho thuốc chảy thành dòng, gây quá liều.

Với loại thuốc xịt: Liều tính theo nhát xịt và khó dùng, chỉ dùng cho trẻ trên 4 tuổi. Không đưa đầu ống xịt vào sâu trong mũi mà chỉ đặt nông ngay ở đầu mũi để xịt thuốc  dưới dạng phun sương vào niêm mạc mũi.

Ngạt mũi ở trẻ em rất hay gặp. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc chống chỉ định cho đối tượng này. Với thuốc cho phép sử dụng cần hỏi ý kiến bác sĩ.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014