Hà Nội: Dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp

Cập nhật: 24/10/2019 | 9:39:36 AM

Giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho thấy, tình hình dịch tại một số xã, phường khá phức tạp.

Ha Noi: Dich benh sot xuat huyet dang dien bien phuc tap hinh anh 1

Chăm sóc cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 9, toàn thành phố ghi nhận hơn 5.300 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, chưa ghi nhận ca tử vong.

Đáng chú ý, tình hình dịch tại một số địa phương đang diễn biến khá phức tạp.

Trên 400 người mắc sốt xuất huyết mỗi tuần

Theo đánh giá từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, số người mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong hai tháng gần đây. Trong đó, vào những tuần của tháng 9, mỗi tuần đều ghi nhận trên 400 trường hợp mắc mới. Bệnh nhân có ở 465/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 79%).

Một số xã, phường ghi nhận nhều bệnh nhân hoặc ổ dịch phức tạp kéo dài, quy mô như Tiền Phong (Thường Tín), Mễ Trì, Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm), Phương Trung (Thanh Oai), Tân Triều, Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì), Minh Khai (Bắc Từ Liêm), Ô Chợ Dừa (Đống Đa), Quan Hoa, Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), Đại Kim (Hoàng Mai), Sơn Đồng, Kim Chung (Hoài Đức), thị trấn Phùng (Đan Phượng).

Dự báo những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết thất thường, số trường hợp mắc bệnh có thể tăng đúng vào chu kỳ của đỉnh dịch vào tháng Mười và Mười một.

Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, mật độ dân cư cao, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt hay khu vực có nhiều bãi đất trống… cũng tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản và phát triển.

Phun hóa chất tại các ổ dịch chưa triệt để

Vẫn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tại một số xã, phường có tình hình dịch phức tạp đều ghi nhận chỉ số côn trùng cao. Nguyên nhân chính do các địa phương chưa thành lập đội xung kích hoặc đã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả, thiếu kinh phí hoạt động. Ngoài ra, việc phun hóa chất tại các ổ dịch còn chưa triệt để, tỷ lệ hộ gia đình được phun hóa chất triệt để thấp (do đi vắng hoặc không hợp tác với nhân viên y tế).

Ha Noi: Dich benh sot xuat huyet dang dien bien phuc tap hinh anh 2

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân vệ sinh phòng bệnh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Thêm vào đó, ý thức phòng bệnh của người dân chưa tốt. Mặc dù được tuyên truyền, hướng dẫn nhưng nhiều hộ gia đình còn thờ ơ, chưa tự thực hiện diệt bọ gậy trong nhà.

Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đặt ra mục tiêu khống chế sự gia tăng của số mắc, không để tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Cụ thể, số mắc không quá 600 trường hợp trong 1 tuần; số mắc cả năm 2019 không quá 119 trường hợp/100.000 dân.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố yêu cầu các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát dịch, triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất; đảm bảo hóa chất, máy móc để đáp ứng chống dịch./.

Triệu chứng và xử lý khi bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Hiện nay đang là thời kỳ cao điểm của bệnh.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay), giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Lúc này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây chính là lý do làm cho người bệnh chủ quan, nghĩ rằng bệnh đã đỡ, không tiếp tục điều trị hoặc tái khám, dẫn tới bệnh nặng và có thể tử vong.

Các biểu hiện của bệnh trong giai đoạn này có thể là đau bụng, vật vã, lừ đừ, li bì kèm theo buồn nôn. Tình trạng xuất huyết gia tăng, xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc đái ra máu.

Vì vậy, bác sỹ Cấp khuyến cáo, nếu bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ C cần thuốc hạ sốt và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, cách nhau mỗi 4-6 giờ, bù dịch bằng đường uống như nước oresol hoặc nước trái cây...

Người bệnh cần tái khám ngay khi có một trong các dấu hiệu như thấy khó chịu hơn mặc dù giảm sốt hoặc hết sốt, không ăn, uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; chảy máu mũi, miệng hoặc không đi tiểu trên 6 giờ; tăng kích thích, vật vã hoặc li bì…

(Nguồn: vietnamplus.vn)

In bản tin