Quảng Ninh: 6 tháng đầu năm xử phạt 723 cơ sở vi phạm An toàn vệ sinh thực phẩm

Cập nhật: 8/8/2018 | 3:47:21 PM

Ngày 7/8/2018, tại TP Hạ Long, Sở Y tế Quảng Ninh tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.

Đồng chí Nguyễn Minh Chung, Chi Cục trưởng chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm báo cáo tình hình vi phạm An toàn vệ sinh thực phẩm 6 tháng đầu năm 2018
Theo báo cáo sơ kết, 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh không có ca tử vong do ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra dịch bệnh truyền qua thực phẩm. Trong 6 tháng, Sở Y tế đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành 07 văn bản chỉ đạo về công tác an toàn thực phẩm. Chủ động ban hành 11 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác đảm bảo ATTP theo lĩnh vực được phân công. 
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP được ngành tích cực đẩy mạnh, 6 tháng đầu năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã in, cấp phát cho các ngành, các địa phương 600 băng đĩa, 30.000 tờ rơi, 80 băng rôn, 02 cờ phướn tuyên truyền về ATTP; đăng tải 120 tin, bài trên Website của Chi cục; phối hợp với Đài phát thanh truyền hình Quảng Ninh thực hiện 02 buổi tọa đàm với chủ đề “Tết và bài toán an toàn vệ sinh thực phẩm“ và “Khi rượu bổ thành thuốc độc”; thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh tuyên truyền về ATTP; duy trì và phát huy hiệu quả số điện thoại đường dây nóng 0981815815 của ngành Y tế để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của người dân về tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP.
Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại Lễ hội đền Cửa Ông, tp Cẩm Phả tháng 3 năm 2018
Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được ngành chú trọng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các lỗi vi phạm, góp phần ngăn ngừa thực phẩm giả, kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. 6 tháng đầu năm, các đơn vị y tế đã phối hợp kiểm tra: 11.354 cơ sở, phát hiện 823 cơ sở vi phạm, xử phạt 723 cơ sở với 1.316.905.000 đồng. 
Bên cạnh đó, ngành Y tế còn phối hợp xây dựng, phát triển mô hình điểm và thương hiệu thực phẩm an toàn; nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho cán bộ quản lý ATTP và người dân; quản lý và thực hiện nghiêm việc cấp giấy chứng nhận ATTP,...
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, lãnh đạo Sở Y tế còn phổ biến, quán triệt Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm và một số nội dung văn bản liên quan trong quản lý ATTP; phân công trách nhiệm giữa các đơn vị trong điều tra, báo cáo ngộ độc thực phẩm; hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí ATTP năm 2018.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó giám đốc Sở Y tế yêu cầu: Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, giám đốc các đơn vị, các bộ phận liên quan cần rà soát lại các chỉ tiêu được giao và hoàn thành tốt các chỉ tiêu. Đối với Trung tâm Y tế cần phối hợp với Phòng Y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, các cơ sở thực phẩm trên địa bàn; thực hiện tốt về phòng tránh ngộ độc thực phẩm; tăng cường thanh kiểm tra xử lý vi phạm về ATTP, công khai danh sách cơ sở vi phạm để người dân biết; lưu ý thực hiện tập huấn cho cán bộ công chức xã trong quản lý ATTP; xây dựng các kế hoạch chuyên môn, kế hoạch thanh kiểm tra cho năm 2019.
Đối với các cơ sở điều trị, các bệnh viện đa khoa luôn sẵn sàng các phương án đảm bảo cấp cứu kịp thời; lưu ý khi có người bệnh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm đơn vị phải báo ngay cho phòng Y tế địa phương và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để cùng phối hợp triển khai các biện pháp xử lý; chú trọng việc lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm nghiệm; thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo về ATTP; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Sở Y tế, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo LN ATTP tỉnh; tổ chức thăm quan học tập các mô hình ATTP; phối hợp với các địa phương tập huấn cho cấp huyện/xã; phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan quản lý ATTP đối với sản phẩm trong chương trình OCOP; phối hợp với các đơn vị tổng hợp kinh phí báo cáo Sở Y tế.

(Nguồn: Ngọc Phượng)

In bản tin