Trì hoãn liều hai - lời giải bài toán tiêm chủng Covid-19

Cập nhật: 16/7/2021 | 3:31:09 PM

Do nguồn cung hạn chế và đông đảo người dân sốt sắng đến lượt tiêm, ngày càng nhiều nước quyết định kéo dài thời gian giữa hai liều vaccine Covid-19.

Hồi tháng một, Anh nằm trong số những nước tiên phong trì hoãn liều vaccine Covid-19 thứ hai tới 12 tuần, ưu tiên tiêm liều đầu tiên cho nhiều người nhất có thể, với ba loại vaccine được sử dụng là AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Quyết định được đưa ra sau khi số ca nhiễm nCoV tại Anh tăng đột biến hồi tháng 12/2020 và tháng một năm nay vì biến chủng Alpha.

Nhờ chính sách này, Anh trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới. Tính đến ngày 12/7, tỷ lệ dân số đã tiêm ít nhất một liều của Anh đạt 67,7%, với tổng cộng gần 81 triệu liều đã được sử dụng, theo Our World in Data. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid hôm 12/7 cho biết nước này sẽ dỡ bỏ gần như mọi biện pháp hạn chế vào ngày 19/7.

Nối gót Anh, Đan Mạch hồi tháng 4 đồng ý kéo dài thời gian giữa hai liều vaccine Pfizer hoặc Moderna mà họ đang sử dụng lên tối đa 6 tuần, nhằm mang lại khả năng miễn dịch trong cộng đồng rộng rãi hơn. Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Đan Mạch khuyến nghị nên tuân thủ khoảng thời gian 3-4 tuần như quy định ban đầu nếu có thể.

Nước láng giềng Na Uy, nơi cũng triển khai hai loại vaccine Pfizer và Moderna, còn kéo dài khoảng thời gian này từ 6 lên 12 tuần đối với người trưởng thành dưới 65 tuổi. "Điều này giúp thêm nhiều người được tiêm chủng sớm hơn, ngăn chặn bệnh chuyển biến nghiêm trọng và tử vong, giảm mức độ lây nhiễm chung trong xã hội", Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Hoeie giải thích.

Một người được tiêm vaccine Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng ở ngoại ô London, Anh, hôm 6/6. Ảnh: Reuters.

Một người được tiêm vaccine Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng ở ngoại ô London, Anh, hôm 6/6. Ảnh: Reuters.

Sau khi kiểm soát dịch thành công nhờ loạt biện pháp chặt chẽ vào năm ngoái, Singapore hồi tháng 4 ghi nhận số ca nhiễm cộng đồng tăng vọt, thúc đẩy chính phủ nước này theo đuổi chiến lược tiêm chủng tương tự. Khoảng cách giữa hai liều vaccine tăng từ 3-4 tuần lên 6-8 tuần, với mục tiêu toàn bộ dân số trưởng thành được tiêm ít nhất một liều tính đến cuối tháng 8. Hôm 10/7, Singapore lần đầu tiên không ghi nhận ca nhiễm nCoV cộng đồng mới sau gần ba tháng.

Hồi tháng 3, Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng của Canada ban hành hướng dẫn cho phép các tỉnh kéo dài thời gian giữa hai liều vaccine Covid-19 lên tối đa 4 tháng trong trường hợp thiếu nguồn cung. "Điều quan trọng mà chúng tôi biết là các vaccine đều hiệu quả, mang lại mức độ bảo vệ rất cao trong nhiều tháng", Tiến sĩ Bonnie Henry, quan chức y tế tỉnh British Columbia, cho biết.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng ý với chiến lược này, bởi lo ngại các biến chủng nCoV mới có thể xuất hiện. "Virus sẽ tiến hóa để đối phó với các kháng thể, dù chúng ta tiêm vaccine như thế nào. Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có đang đẩy nhanh quá trình đó, bằng cách tạo ra những quần thể quy mô quốc gia được miễn dịch một phần hay không", Tiến sĩ Paul Bieniasz, nhà virus học tại Đại học Rockefeller của Mỹ, nêu quan điểm.

Hồi tháng 3, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cũng nêu quan điểm tương tự và cho biết Mỹ sẽ không áp dụng chiến lược này, bất chấp những dấu hiệu tích cực tại Anh. Ông còn lo ngại sự thiếu nhất quán trong chính sách tiêm chủng có thể khiến một số người thêm ngần ngại và không tiêm nữa.

Dù vậy, Fauci không chỉ trích chiến lược của Anh. "Sau khi trao đổi với giới chức y tế Anh, chúng tôi nhất trí rằng cả hai cách tiếp cận đều khá hợp lý", ông cho hay, nói thêm rằng "cách nào thì cũng có rủi ro’.

Giờ đây, giới chuyên gia nhận thấy chiến lược trì hoãn tiêm liều vaccine Covid-19 thứ hai không chỉ trở nên hợp lý giữa lúc những biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn hoành hành, mà còn giúp nguồn cung vaccine eo hẹp được phân phối rộng rãi hơn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã nâng thời gian tối đa giữa hai liều vaccine Pfizer hoặc Moderna lên 6 tuần.

"Liều thứ hai nên được tiêm càng gần khoảng thời gian khuyến cáo càng tốt. Nhưng nếu việc tuân thủ không khả thi, liều Pfizer-BioNTech và Moderna thứ hai có thể được lên lịch sau liều đầu tiên 6 tuần (42 ngày)", CDC viết trên trang web của cơ quan.

Các chuyên gia giải thích rằng phản ứng miễn dịch của cơ thể không biến mất sau một khoảng thời gian nhất định. "Hệ miễn dịch của bạn thực sự thông minh. Chúng không quên những gì đã nhìn thấy lần đầu tiên", Tiến sĩ Buddy Creech, giám đốc chương trình nghiên cứu vaccine tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở bang Tennessee, cho biết.

Creech, người từng giám sát thử nghiệm lâm sàng vaccine Moderna, cho biết các vaccine thường vẫn đạt hiệu quả như dự kiến dù liều thứ hai, vốn có tác dụng nhắc nhở hệ miễn dịch, bị trì hoãn một tháng hoặc lâu hơn khuyến cáo. "Đừng hoảng loạn. Ngay cả khi phải đợi 4 tuần, 6 tuần, 8 tuần trước khi tiêm liều thứ hai, hệ miễn dịch vẫn hoạt động tốt", ông cho hay.

Theo một nghiên cứu của Anh công bố hôm 17/5, nồng độ kháng thể được sinh ra để chống lại virus thậm chí cao hơn khi tiêm liều thứ hai muộn hơn, bởi hệ miễn dịch có thêm thời gian để phản ứng tốt hơn với liều đầu tiên.

Lợi ích từ việc kéo dài thời gian giữa hai lần tiêm đều được tìm thấy trên những vaccine Covid-19 hiện nay. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người trên 80 tuổi tiêm vaccine Pfizer có phản ứng kháng thể cao hơn 3,5 lần nếu liều thứ hai được tiêm sau ba tháng, thay vì ba tuần như khuyến cáo.

Đây là những thông tin đáng mừng đối với một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, nơi phải trải qua làn sóng đại dịch thứ hai vô cùng thảm khốc và nguồn cung vaccine thiếu thốn. Nước này đã quyết định kéo dài thời gian giữa hai liều vaccine lên tới 3-4 tháng, với loại vaccine được sử dụng chủ yếu là AstraZeneca.

Các nghiên cứu cho thấy ba tháng là khoảng cách thích hợp giữa hai liều vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, có rất ít dữ liệu về những tác động nếu khoảng thời gian này kéo dài đến 4 tháng.

Việc trì hoãn quá lâu có thể gây trở ngại hậu cần khi tiêm liều hai, bởi người dân các nước đang phát triển đôi khi gặp khó khăn về giao thông và liên lạc để đi tiêm chủng. Bên cạnh đó, chiến lược này còn đồng nghĩa với việc các nước sẽ tốn thêm thời gian để tiêm chủng đầy đủ cho người dân, trong khi một số biến chủng nCoV mới được cho là dễ lây nhiễm hơn.

Tiến sĩ Diane Griffin, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins của Mỹ, cho biết lý do lớn nhất của việc tiêm liều vaccine thứ hai là để khả năng miễn dịch được nâng lên mức đủ cao, giúp mọi người tự tin rằng mình đã được bảo vệ. Mặc dù đánh giá liều thứ hai vẫn có khả năng nhắc nhở hệ miễn dịch ngay cả khi tiêm sau liều đầu tiên một năm, Griffin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng đầy đủ sớm nhất có thể.

"Mọi người có thể nghĩ rằng mình đã an toàn sau liều vaccine thứ nhất, nhưng tôi cần phải nhấn mạnh rằng liều thứ hai là cần thiết để mang lại sự bảo vệ đầy đủ", Griffin cho hay.

(Nguồn: vnexpress.net)

In bản tin