Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

'Hai tuần tới, phải kiên quyết mạnh tay chống dịch'

Cập nhật: 25/3/2020 | 4:10:15 PM

Quan chức và chuyên gia y tế cấp cao cảnh báo hai tuần trước mắt là thời khắc quyết định, nếu không có các biện pháp kiên quyết chống dịch sẽ dẫn đến "vỡ trận".

"15 ngày tới là khoảng thời gian để những trường hợp đang ủ bệnh sẽ phát bệnh", Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói hôm nay. "Do đó giai đoạn này phải tổ chức phân lọc thật tốt, kiểm soát được tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam, xét nghiệm nhanh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh". 

Sau hai tuần, nếu Việt Nam không triển khai các biện pháp cách ly quyết liệt, không kiểm soát tốt người nhập cảnh, khả năng lây nhiễm chéo, lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, ông cảnh báo. 

"Vừa rồi đã có một số trường hợp lọt ra cộng đồng, trở thành các bệnh nhân siêu lây nhiễm như 'bệnh nhân 34', 'bệnh nhân 100' vô cùng nguy hiểm cho xã hội", ông Sơn nói. 

"Bệnh nhân 34", doanh nhân ở Bình Thuận, lây nhiễm cho 10 người khác. "Bệnh nhân 100" ở quận 8 TP HCM dự thánh lễ Hồi giáo ở Malaysia về, rồi suốt hai tuần sau đó đến lễ thánh đường. "Bệnh nhân 91" liên quan đến nhiều người khác ở quán bar Buddha. 

Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, để khống chế dịch thành công, việc quan trọng nhất là phải tổ chức cách ly thật tốt, cách ly đúng quy trình. Phải phát hiện sớm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm để xét nghiệm sớm và dập dịch triệt để.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn (giữa) thăm bệnh nhân Covod-19, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Thành.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn (giữa) thị sát tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Thành.

Ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, chỉ ra rằng hiện dịch Covid-19 không chỉ có những ca xâm nhập như giai đoạn trước mà đã xuất hiện những ca do lây lan trong cộng đồng.

"Nếu không sử dụng các biện pháp mạnh để kiên quyết chống dịch từ bây giờ, dịch sẽ lây lan cộng đồng dẫn tới 'vỡ trận'", ông Phu nói. 

Ông Phu nhấn mạnh hai tuần tới là thời gian quyết định trong chống dịch. Vì vậy các địa phương cần kiên quyết hơn trong việc hạn chế đi lại, tập trung đông người, giao tiếp trực tiếp phải đảm bảo khoảng cách 2 mét. Triệt để phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng để nhanh chóng khoanh vùng, chặt đứt chuỗi lây nhiễm.

Ông Phu phê bình một số người không tuân thủ các biện pháp chống dịch mà vẫn đi lễ chùa, tụ tập đông người, uống bia, giao tiếp gần nhau, đi siêu thị. Họ làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cảnh báo nếu các biện pháp chống dịch không thực hiện quyết liệt thì nguồn lây sẽ nhân lên với cấp số nhân. Việc quan trọng nhất là cách ly người bệnh và nghi bệnh, tránh để họ đi khắp nơi tiếp xúc cộng đồng. 

"Hiện nay khi Việt Nam cấm nhập cảnh, siết chặt kiểm soát trong nội địa, cộng với thời tiết nắng nóng, người dân tích cực hợp tác, hy vọng 2-4 tuần tới có thể đẩy lùi được dịch", bác sĩ Khanh phân tích.

Theo bác sĩ Khanh, trước kia nguồn lây nhiễm chỉ khu trú trong vài nơi được Bộ Y tế xác định và thông báo, như trong các khu cách ly, vài khu phố... Hiện nguồn lây nhiều và rộng hơn, có thể đang ở bất cứ đâu nên người dân cần tự bảo vệ bản thân, cảnh giác mình có thể bị virus tấn công bất cứ lúc nào khi ra ngoài tiếp xúc nhiều người, đến quán ăn, siêu thị, bệnh viện...

"Mỗi người cũng có thể đang tình cờ mang mầm bệnh mà mình chưa biết. Do đó cần tự phòng ngừa khả năng sẽ lây cho người khác, tự mang khẩu trang, không tiếp xúc người lớn tuổi, không ra ngoài đến nơi đông người khi không cần thiết", bác sĩ Khanh khuyến cáo sáng 25/3.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chống Covid-19, chiều 20/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi người dân tăng cường giao dịch trực tuyến, dùng điện thoại nhiều hơn trong công việc, ít giao tiếp để tránh lây nhiễm. Một số tôn giáo tổ chức tu hành, làm lễ tại gia. Đám giỗ, đám cưới đông người cần hạn chế. Các đơn vị phải "giải quyết công việc như thời chiến".

Ngành y tế phát hiện sớm những người dương tính nCoV để cách ly khỏi cộng đồng, chống lây lan; có phương án bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế. Bộ Quốc phòng sẽ mua 10 xe xét nghiệm lưu động phục vụ xét nghiệm tại cộng đồng.

Đến sáng 25/3, cả nước có gần 50.000 người tiếp xúc gần hoặc nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. Trong đó hơn 26.000 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Họ là người có yếu tố dịch tễ, không có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, chưa xác định mắc bệnh.

Hiện Việt Nam đã dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài qua đường hàng không, chỉ nhập cảnh đối với người quốc tịch Việt Nam, khách quốc tế có hộ chiếu công vụ. Tất cả người nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày.

Tính đến chiều 25/3, Việt Nam ghi nhận 134 ca Covid-19, trong đó 17 trường hợp đã điều trị khỏi. Đa số tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân ổn định, trừ ba bệnh nhân nặng.

(Nguồn: vnexpress.net)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014