Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Những phát minh y học nhỏ bé nhưng vô cùng vĩ đại trong lịch sử

Cập nhật: 21/11/2019 | 6:37:26 PM

Có những thiết bị y tế mà mọi người đã quá quen thuộc đến mức thường xem nhẹ chúng. Hãy cùng điểm qua những bước tiến vĩ đại và đột phá đã cứu giúp sinh mạng hàng triệu con người trong suốt lịch sử.

Khoa học không ngừng phát triển, và có thể nói rằng y học là một trong những lĩnh vực tiến bộ nhất. Suốt nhiều năm qua, những bước đột phá trong y học đã đưa ra phương án thay thế cho một quy trình khô khan, buồn tẻ hoặc tìm ra giải pháp cho các vấn đề vốn tưởng như nan giải. Chúng ta hãy cùng điểm lại những phát minh y học đã cách mạng hóa lịch sử y học thế giới.

1. Nhiệt kế

Nhiệt kế là một thiết bị y tế vô cùng phổ biến hiện nay, tuy nhiên vẫn chưa xác định được ai đã là người đã nảy ra ý tưởng tuyệt vời này. Mặc dù Galileo đã phát minh thiết bị đo nhiệt độ vào cuối những năm 1500 song chiếc nhiệt kế thủy ngân đầu tiên của Gabriel Fahrenheit vào năm 1714 mới là thành tựu được ứng dụng đến nay. Nhiệt kế được chế tạo dựa trên nguyên tắc giãn nở vì nhiệt của các chất. Tuy nhiên, hiện nay nhiệt kế điện tử đang được ưu tiên hơn nhiệt kế thủy ngân vì tính an toàn và tiện lợi của loại sản phẩm này.

2. Ống nghe

Trước kia, khi chưa có ống nghe, bác sĩ thường phải áp tai vào lồng ngực để lắng nghe nhịp tim của bệnh nhân. Đây rõ ràng là một biện pháp thô sơ và kém hiệu quả bởi nếu bệnh nhân có lớp mỡ dày thì kết quả sẽ có sai số rất đáng kể. Bác sĩ người Pháp René Laënnec đã gặp phải trường hợp oái ăm như vậy, khi ông gặp khó khăn cho việc đánh giá nhịp tim chính xác cho một bệnh nhân với thân hình quá khổ. Do đó, ông đã phát minh ra một chiếc ‘ống nghe’ có hình dạng như một chiếc kèn gỗ để khuếch đại âm thanh phát ra từ phổi và tim. Nguyên lí đó vẫn được duy trì đến ngày nay, với những thiết bị ống nghe tân tiến hơn.

3. Chụp X-quang

Thật khó để chẩn đoán và điều trị những chấn thương phổ biến như gãy xương, trật khớp một cách chính xác mà không có công nghệ hình ảnh X-quang. Tuy nhiên, phương pháp này lại là một phát hiện ngẫu nhiên của nhà vật lí người Đức tên Wilhelm Conrad Röntgen. Khi ông đang kiểm tra xem liệu tia cathode (tia âm cực) có thể đi xuyên qua kính hay không thì bất ngờ nhận thấy một ánh sáng phát ra từ một tấm được phủ hóa chất gần đó. Ông gọi những tia tạo ra ánh sáng này là tia X, vì bản chất chưa rõ của chúng. Phát kiến trên đã đạt được giải thưởng Nobel Vật lý vào năm 1901.

4. Thuốc kháng sinh

Khi nói đến thuốc kháng sinh, chúng ta thường nhắc đến Penicillin của Alexander Fleming vào năm 1928. Trên thực tế, Salvarsan là loại thuốc kháng khuẩn tổng hợp đầu tiên được chế tạo bởi Alfred Bertheim và Paul Ehrlich để điều trị giang mai và kháng khuẩn vào năm 1907. Salvarsan được ứng dụng để điều trị giang mai trong suốt nửa đầu thế kỉ 20 và đến nay, thuốc này được gọi là Arsphenamine. Trong thời đại ngày nay, kháng sinh cùng vắc xin đã giúp điều trị vô số bệnh như lao, dại hay viêm não Nhật Bản.

5. Kim tiêm

Trước khi chiếc kim tiêm nhỏ gọn ra đời, các bác sĩ đã sử dụng những dụng cụ rỗng thô sơ và thậm chí cả ống lông ngỗng để tiêm tĩnh mạch. Mãi đến những năm 1800, Alexander Wood và Charles Pravaz đã lần lượt đưa ra phát minh về kim tiêm dưới da và ống tiêm xi-lanh hiện đại. Những chiếc kim này giúp cung cấp liều lượng thuốc chính xác trong điều trị, ít mang lại cảm giác đau đớn cho bệnh nhân và làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.

6. Kính mắt

Hiện chưa có thông tin cụ thể nào về người đã phát minh ra sản phẩm nhỏ bé nhưng phủ sóng toàn cầu này. Chỉ biết rằng nhiều thế kỷ trước, các học giả và nhà sư thường sử dụng một dạng kính mắt với gọng kính được đặt trước mắt và cân bằng trước mũi (không có càng kính đặt ở hai bên tai) để nhìn. Đến năm 1800, khi ngành công nghiệp xuất bản phát triển và số người mắc tật cận thị cũng ngày một nhiều lên thì kính đeo mắt đã trở thành sản phẩm được bày bán đại trà.

7. Máy tạo nhịp tim

Phát minh quan trọng này là thành quả của hai nhà khoa học Úc, Mark C. Lidwill và nhà vật lý Edgar H. Booth vào năm 1926. Nguyên mẫu của họ là một thiết bị cầm tay bao gồm hai cực với một cực được nối với miếng da giả trong dung dịch muối ngâm và cực còn lại nối với một cây kim được đưa vào buồng tim bệnh nhân. Tuy rằng kết cấu có phần thô sơ nhưng phát minh của cả hai đã thành công vãn hồi sự sống cho một em bé suýt bị chết non. Cho đến ngày nay, chiếc máy tạo nhịp tim đã tinh vi hơn với tuổi thọ pin trung bình lên đến 20 năm.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014