Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Nước bạn đang dùng liệu có thật sự sạch?

Cập nhật: 4/4/2019 | 11:32:47 AM

Theo tổ chức Y tế thế giới thống kê có khoảng 80% bệnh tật xuất phát từ việc sử dụng nước bị nhiễm khuẩn, trong đó một số bệnh thường gặp như: tiêu chảy, viêm ruột, nhiễm giun sán, viêm màng kết… và nghiêm trọng nhất chính là bệnh ung thư. Vậy nguồn nước chúng ta đang dùng hàng ngày liệu có thật sự sạch hay không? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với kỹ sư Nguyễn Văn Tú, khoa Sức khỏe môi trường –Y tế trường học thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu nước sinh hoạt để kiểm tra đánh giá chất lượng nước

+ Thưa kỹ sư, nhiều người cho rằng nước sạch là nước không màu, không mùi và trước khi uống chỉ cần đun sôi. Xin kỹ sư cho biết về mức độ chính xác của nhận định trên về nước sạch là như thế nào?
- Nhận định nước sạch là nước không màu, không mùi và trước khi uống chỉ cần đun sôi là mang tính cảm tính và cảm quan vì đó chỉ là nguồn nước hợp vệ sinh. Về định nghĩa  thì  nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là nước đã qua xử lý có chất lượng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT).
+ Vậy cụ thể những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nước sạch hiện nay như thế nào, thưa kỹ sư?
- Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nước sạch hiện nay theo Quy định của QCVN 01-1:2018/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Trong đó có danh mục các thông số chất lượng nước sạch và ngưỡng giới hạn cho phép, cụ thể: gồm 08 các thông số nhóm A: thông số vi sinh vật (Coliform, E.Coli), thông số cảm quan và vô cơ (Asennic (As), Clo dư tự do, độ đục, Màu sắc, mùi  vị, pH) và 91 thông số nhóm B như: thông số hữu cơ, thông số hóa chất bảo vệ thực vật, thông số hóa chất khử trùng và sản phẩm phụ, thông số nhiễm xạ... Các đơn vị cung cấp nước phải thử nghiệm toàn bộ 99 thông số nói trên và đảm bảo các chỉ tiêu trong ngưỡng giới hạn cho phép định kỳ trước khi cung cấp cho người dân và khách hàng thì mới đảm bảo là nước sạch. 
+Thưa kỹ sư, hiện nay người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sử dụng chủ yếu những nguồn nước nào phục vụ cho sinh hoạt? Và qua quá trình giám sát, kỹ sư đánh giá như thế nào về chất lượng các nguồn nước đó?
-Các nguồn nước mà người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày thường được lấy từ: Hệ thống cung cấp nước tại các nhà máy, xí nghiệp nước, công trình cấp nước tập trung (nước máy) và nước giếng khoan. Ngoài ra, ở một số địa phương người dân còn sử dụng nước mưa, nước giếng khơi, nước máng lần…

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 29 nhà máy và trạm cấp nước đang vận hành cung cấp nước cho người dân sống ở 14 đô thị và vùng lân cận với tổng công suất thiết kế 194.700 m3/ngày - đêm. Các đơn vị cung cấp nước chủ yếu là:  Công ty CP Nước sạch QN, Trung tâm Quản lý nước Bình Liêu, Công trình cấp nước tại huyện Cô Tô. Tổng lượng nước cấp cho sinh hoạt tại 14 huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh là 57,869 triệu m3/năm, tỷ lệ cấp nước sinh hoạt đô thị đạt 91,12%.
Các nhà máy, xí nghiệp nước, công trình cấp nước tập trung (gồm 187 đơn vị)  trên địa bàn tỉnh đều được kiểm tra, giám sát theo phân cấp từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh,  Phòng Y tế,  Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay, các cơ sở cấp nước cơ bản đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh ngoại cảnh chung.

Tính đến năm 2018, tổng dân số thành thị được cung cấp nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là: 891.053 người. Mức cấp nước bình quân đầu người: 150lít/ngày – đêm.
59,3 %  nguồn nước giếng đào, giếng khoan trên địa bàn được kiểm tra, giám sát vệ sinh ngoại cảnh, trong đó 86,91% là nước hợp vệ sinh.
48,34% nguồn nước máng lần, tự chảy được kiểm tra, giám sát vệ sinh ngoại cảnh, chủ yếu là các hộ gia đình, đơn vị ở khu vực miền Đông trong tỉnh sử dụng. 
Trong năm 2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã kiểm tra, giám sát và lấy 627  mẫu nước sinh hoạt để đánh giá chất lượng nước, trong đó có 556 mẫu đạt quy chuẩn cho phép, chiếm tỷ lệ 88, 6%.

Các đơn vị cung cấp nước phải xét nghiệm nước đảm bảo các chỉ tiêu trong ngưỡng giới hạn cho phép định kỳ trước khi cung cấp cho người dân

+ Với chất lượng các nguồn nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt hiện nay thì người dân cần thực hiện những biện pháp gì để nhận biết cũng như được sử dụng nước sạch hàng ngày, thưa kỹ sư? 
-Để nhận biết chất lượng nước sạch chỉ bằng cảm quan và cảm tính thì không thể đánh giá được nguồn nước. Cần phải làm xét nghiệm thì mới đánh giá được chất lượng nguồn nước đó.  Đối với người dân được tiếp cận nguồn nước máy  thì các cơ sở cấp nước qua  kiểm tra giám sát chất lượng nước nội kiểm cơ bản đạt yêu cầu và chất lượng nước đảm bảo cho mục đích sinh hoạt. 
Các nguồn nước khác như giếng đào, giếng khoan, nước máng lần, tự chảy… người dân sử dụng chỉ là nước hợp vệ sinh có nghĩa là nước không màu, không mùi, không vị có thể ăn uống được khi đun sôi và chưa được kiểm nghiệm chất lượng nước. 
Ngoài ra, tùy từng loại nguồn nước khác nhau mà người dân nên có những hành động cụ thể  để chất lượng nước được đảm bảo hơn khi sử dụng. Ví dụ:
Để có nước giếng sạch: Các giếng khai thác nước phải cách xa nhà vệ sinh, hệ thống xả thải, hệ thống xử lý nước thải từ 10m trở lên. Không để các vật dụng dễ gây ô nhiễm như hóa chất, dầu nhớt, các chất tẩy rửa, thuốc bảo vệ thực vật…gần khu vực giếng. Giếng phải được xây bệ cao, có nắp đậy. Sân giếng lát gạch hoặc xi măng có rãnh thoát nước. Rãnh thoát nước có độ dốc vừa phải và dẫn ra xa hoặc đổ vào các hố thấm nước thải.Thường xuyên vệ sinh sàn giếng tránh trơn trượt, xét nghiệm nước, làm sạch nước bằng giàn mưa, bể lọc.
Đối với nước máy: Người dân dùng nước máy chứa tại các bể, téc nước… cần thau rửa bể chứa, téc nước định kỳ ít nhất 6 tháng/lần. Vì sau một thời gian sử dụng, các bể chứa tích tụ nhiều rong rêu và vi khuẩn, sinh vật (như chuột, gián…), cặn bẩn, thậm chí là hóa chất độc hại và trở thành nơi khiến nguồn nước trở nên ô nhiễm. 
Tại các hộ gia đình cần có các giải pháp xử lý nước như: luôn đun sôi nước trước khi sử dụng hoặc sử dụng thiết bị lọc nước được chứng nhận tiêu chuẩn và phải vận hành máy theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, nhằm đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn cho phép, đảm bảo sức khỏe.
Khi sử dụng nước máy, nếu gặp các sự cố như chất lượng nước có mùi vị lạ hoặc có dấu hiệu bất thường khác ... người dân cần thông báo ngay cho đơn vị cung cấp nước để khắc phục, giải quyết kịp thời.
+ Xin cảm ơn kỹ sư đã chia sẻ những thông tin hữu ích!

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014