Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Cập nhật: 14/7/2018 | 11:05:59 AM

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều ngành công nghiệp nặng như khai thác than, đá, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp đóng tàu, sản xuất điện… Đây đều là những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ).

Xí nghiệp Xăng dầu K131 - Công ty Xăng dầu B12
Anh Trần Huy Giang được các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám bệnh nghề nghiệp sạm da, từ đó có căn cứ để sắp xếp vị trí việc làm tại Xí nghiệp Xăng dầu K131, Công ty Xăng dầu B12.

Quảng Ninh hiện có 16.175 doanh nghiệp, trong đó có 229 doanh nghiệp lớn, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với trên 400.000 NLĐ. Theo quy định của Nhà nước, NLĐ được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần, riêng NLĐ nặng nhọc, môi trường làm việc có nhiều yếu tố độc hại được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Từ năm 2014-2017, số lượng NLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được khám sức khỏe định kỳ đều tăng lên, với gần 500.000 lượt người được khám sức khỏe.

Song song với hoạt động khám sức khỏe định kỳ thì các đơn vị, doanh nghiệp cũng tổ chức khám bệnh phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ CKI Hoàng Nam Dương, Phó Khoa Sức khỏe nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp, phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động. Hiện có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và chia làm 3 nhóm bệnh chính: Bệnh bụi phổi, bệnh nhiễm độc và nhóm bệnh khác.

hà máy sản xuất gạch không nung thuộc Công ty CP Thanh Tuyền Group (TX Đông Triều) l
Công nhân sản xuất tại Nhà máy Sản xuất gạch không nung thuộc Công ty CP Thanh Tuyền Group (TX Đông Triều).

Tại Quảng Ninh, những năm gần đây, các doanh nghiệp trong tỉnh đã có ý thức hơn trong việc kiểm tra môi trường lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, tuy nhiên, số doanh nghiệp chủ động, thực hiện tốt công tác này chưa nhiều. Hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới tổ chức phát hiện sớm 6 bệnh nghề nghiệp chủ yếu sau: Bụi phổi Silic, điếc, rung chuyển, lao, sạm da, nhiễm độc bezen. Từ năm 2015-2017, toàn tỉnh đã có trên 32.000 lượt NLĐ được khám 6 bệnh nghề nghiệp trên, trong đó phát hiện 1.542 người mắc bệnh nghề nghiệp. Trong các bệnh nghề nghiệp thì bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp có tỷ lệ mắc cao nhất, chiếm trên 90%.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh nghề nghiệp, nhưng chủ yếu được phân làm 2 nguyên nhân chính. Về khách quan bao gồm các yếu tố trong quá trình sản xuất như vật lý, hoá học, sinh học tác động trực tiếp đến NLĐ; do trong tổ chức lao động còn nhiều bất cập như người lao động làm việc quá lâu, không được nghỉ ngơi hợp lý, chế độ và cường độ lao động căng thẳng quá mức trong lao động cũng dẫn đến bệnh nghề nghiệp; cuối cùng điều kiện vệ sinh và an toàn xung quanh NLĐ. Bên cạnh đó, bản thân NLĐ trong quá trình sản xuất còn chủ quan, thờ ơ trong việc bảo vệ sức khoẻ của chính mình. Phía đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động thiếu quan tâm, lỏng lẻo trong chăm sóc sức khoẻ NLĐ, chưa thực hiện đầy đủ các chính sách bảo hộ lao động.

Dù không gây tổn hại trước mắt hoặc biểu hiện nhiều ra bên ngoài nhưng bệnh để lại hậu quả nghiêm trọng “tàn phá” sức khoẻ, thể chất, tinh thần NLĐ.

Để công tác chăm sóc sức khoẻ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp thực sự hiệu quả, trước hết cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể chuyên môn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Bộ luật Lao động, hướng dẫn người sử dụng lao động và NLĐ nâng cao nhận thức, tự giác thực hiện các quy định về ATVSLĐ-PCCN. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, có hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những đơn vị vi phạm.

Bác sĩ Hoàng Nam Dương cho biết thêm: Bệnh nghề nghiệp rất dễ bắt gặp ở bất cứ ngành nghề nào, chúng ta có thể phòng tránh, hạn chế bệnh bằng nhiều cách. Nhất là các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều NLĐ có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp, hằng năm cần tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh lao động; cách chăm sóc sức khỏe, sử dụng bảo hộ lao động phòng bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường lao động, ứng dụng các giải pháp an toàn nhằm cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt là chủ động phối hợp với cơ sở y tế để thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp để có chế độ điều trị kịp thời cho NLĐ. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là lương tâm của mỗi chủ doanh nghiệp đối với NLĐ.

Riêng cá nhân NLĐ có thể chủ động bảo vệ sức khoẻ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp bằng cách bảo hộ đầy đủ, nghiêm ngặt khi lao động; chủ động khám sức khoẻ định kỳ. Khi có biểu hiện nhiễm bệnh nên đến cơ sở y tế khám, tránh tự chữa trị tại nhà vì sẽ gây tác dụng phụ về sau.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014