Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Tuyệt đối không điều trị trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng tại nhà

Cập nhật: 12/10/2018 | 8:02:52 AM

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 9 tháng năm 2018, cả nước ghi nhận 55.000 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có 6 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam. Ngay thời điểm này, dịch tay chân miệng cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại Quảng Ninh, số lượng trẻ mắc tay chân miệng cũng gia tăng, chưa ghi nhận ca tử vong.

Bác sĩ
Bác sĩ Dương Văn Linh, Trưởng Khoa Khám bệnh - cấp cứu lưu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, khám cho bệnh nhi.

Bác sĩ Dương Văn Linh, Trưởng Khoa Khám bệnh - cấp cứu lưu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết, hiện mỗi ngày khoa khám, điều trị cho từ 10-12 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Đặc biệt là trong khoảng 10 ngày trở lại đây, số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng lên nhiều. Trong đó đa phần các trường hợp đã ở mức độ 2 trở lên.

Bệnh tay chân miệng gây ra bởi nhóm Enterovirus A, được phân thành các cấp độ 1, 2, 3, 4 tùy theo mức độ diễn biến nặng của bệnh. Trẻ bị mắc tay chân miệng độ 1 mới chỉ xuất hiện mụn nước ở miệng, tay, chân, có thể kèm sốt nhẹ, và có thể điều trị tại nhà. Song từ độ 2 trở đi, hệ thần kinh và tim mạch đã bị ảnh hưởng, trẻ có các biểu hiện như giật mình, sốt trên 39 độ C, thở gấp, đi lại loạng choạng và nhất định phải nhập viện, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng nặng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.

Hiện tại, tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận các ca mắc bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng hơn so với thời gian trước. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh ghi nhận 51 ca mắc tay chân miệng lâm sàng từ ngày 24/9 đến 6/10. Còn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 325 ca mắc tay chân miệng, trong đó Hạ Long, Quảng Yên có số ca mắc nhiều. Tuy nhiên, tại Quảng Ninh bệnh tay chân miệng vẫn chưa bùng phát thành dịch, cũng chưa ghi nhận tử vong do mắc tay chân miệng.

Trẻ được tiêm phòng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Trẻ được tiêm phòng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Thời điểm tháng 9, 10, 11 là thời điểm giao mùa, điều kiện môi trường rất thuận lợi cho sự phát triển của vi rút, vi khuẩn, trong đó có bệnh tay chân miệng. Do vậy, các bậc phụ huynh phải hết sức chú ý chủ động phòng tránh bệnh cho trẻ, đồng thời cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu bệnh để tránh các biến chứng xảy ra.

Song song với đó, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch nói chung và dịch tay chân miệng nói riêng ngay từ đầu năm. Ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch tay chân miệng. Hệ thống giám sát phát hiện ca dịch mới, xét nghiệm khẳng định được làm ngay tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có định hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Hoá chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch luôn luôn được cấp đủ ngay tại các trạm y tế xã, phường để xử lý môi trường ngay khi có dịch.

Dấu hiệu bệnh. Ảnh minh họa
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng. Ảnh minh họa

Bác sĩ Ninh Văn Chủ cho biết thêm, cả nước đã có 6 trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh tay chân miệng. Trong đó đa số các bệnh nhân tay chân miệng tử vong là do không đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà (khám phòng khám tư nhân hoặc tự mua thuốc uống), khi trẻ có dấu hiệu chuyển bệnh nặng mới đưa đến các bệnh viện.

Do đó, người dân không nên chủ quan trước bệnh tay chân miệng. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, các phụ huynh cần liên lạc với cơ sở y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ sốt cao không hạ, nôn nhiều hay tay chân lạnh, run tay run chân, thở mạnh… thì cần đưa trẻ khám ngay.

Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, người dân có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi các bệnh nhi có triệu chứng nghiêm trọng.

Để chủ động phòng chống dịch tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện 6 biện pháp dưới đây:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế (ẵm) trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014