Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Việc chờ đợi tiêm vắc-xin dịch vụ rất nguy hiểm cho trẻ

Cập nhật: 4/3/2015 | 8:59:44 AM

Trước dự báo về khả năng có thể tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin dịch vụ phòng một số bệnh như ho gà, bạch hầu, sởi-rubella, thủy đậu… cũng như khả năng bùng phát các dịch bệnh ho gà, sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha, mẹ nên cho trẻ tiêm đúng lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nhiều trẻ mắc bệnh vì chờ vắc-xin dịch vụ
Thời gian qua đã xuất hiện rải rác số trẻ mắc sởi, ho gà vào điều trị tại BV Nhi Trung ương. Số ca mắc ho gà thường ở độ tuổi 2-3 tháng, mắc sởi ở độ tuổi 7-9 tháng (thời điểm đúng lịch tiêm mũi 1 của trẻ). Điều này cho thấy đã có nhiều trẻ bị bỏ lỡ việc tiêm phòng bệnh.

TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân khiến trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch bên cạnh việc các bà mẹ không nắm được lịch tiêm chủng của trẻ sau khi sinh thì còn do tâm lý chờ đợi tiêm vắc-xin dịch vụ nên không cho trẻ tiêm trong chương trình mở rộng-mà chương trình tiêm chủng mở rộng lại luôn đảm bảo đầy đủ vắc-xin để tiêm cho trẻ đảm bảo đúng lịch. Trong khi đó, hiện nay một số loại vắc-xin tiêm theo hình thức dịch vụ như vắc-xin 6 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Haemophilus influenzae type B); 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Haemophilus influenzae type B) không được các nhà sản xuất cung cấp ổn định nên dẫn đến tình trạng khan hiếm. Trong khi đó, vắc-xin tiêm phòng sởi trong vắc-xin phòng sởi và rubella tiêm hoặc trong vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị, rubella có lịch tiêm chủng vào lúc trẻ 12 tháng tuổi.
Cùng đó, nguyên nhân nữa khiến các bà mẹ không đưa con đi tiêm chủng vì sợ phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ, sợ trẻ ốm mà không đưa đi tiêm (mặc dù trẻ không thuộc diện hoãn tiêm); trẻ bị mắc các bệnh khác như sốt, ho, viêm phổi… do không được phòng bệnh đúng cách trong mùa đông-xuân (như giữ ấm cho trẻ khi đi lại, cách ly với trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm…) dẫn đến mất cơ hội tiêm vắc-xin phòng bệnh song cha mẹ lại không cho trẻ tiêm bù lại ngay và dẫn đến trẻ bị trì hoãn tiêm qua nhiều tháng. Đây chính là khoảng trống thời gian trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Qua giám sát dịch bệnh thời gian vừa qua cho thấy, phần lớn các trường hợp mắc các bệnh sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm khác do không được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh. Đặc biệt thời gian gần đây có nhiều trẻ mắc bệnh sớm như bệnh ho gà ở trẻ 2-4 tháng tuổi, bệnh sởi khi trẻ trong khoảng thời gian 9-12 tháng tuổi (trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc xin sởi-rubella nhưng lại không được tiêm vắc-xin sởi khi trẻ đến 9 tháng tuổi). Việc cha mẹ không đưa con đi tiêm sớm mà chờ đợi tiêm vắc-xin dịch vụ là rất nguy hiểm. Chỉ cần chờ đợi 1-2 tháng là trẻ có thể mắc bệnh. Đặc điểm dịch tễ của một số bệnh hiện khác với trước kia, TS.Phu cảnh báo.

Các điểm tiêm dịch vụ phải tuyên truyền về tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định.    Ảnh: Vân Hà


Các điểm tiêm phòng phải tuyên truyền việc tiêm chủng mở rộng
Theo TS. Phu nhận định, tình hình cung ứng nhiều vắc-xin dịch vụ như 6 trong 1; hay 5 trong 1, thủy đậu, vắc-xin dại... năm nay rất khó khăn. Cụ thể, báo cáo bước đầu trong năm nay chỉ có khoảng 30.000 liều vắc-xin 6 trong 1. Nguyên nhân không phải chỉ do các đơn vị không lập kế hoạch, dự trù được số lượng mà còn do nhà sản xuất không cung cấp đủ. Bộ Y tế đang yêu cầu các Cty báo cáo kế hoạch 2015 lộ trình cung cấp đến 2016 như thế nào, để từ đó có hướng chỉ đạo với công tác tiêm dịch vụ. Các Sở Y tế căn cứ vào số lượng vắc-xin cung ứng, tự rút gọn lại điểm tiêm. Nếu cung cấp tràn lan cho nhiều điểm rất nguy hiểm, trẻ tiêm được mũi 1 nhưng mũi 2, 3 lại không có. Đồng thời yêu cầu tất cả các Sở Y tế kiểm tra lại việc tiêm dịch vụ, các điểm tiêm phải tuyên truyền để các bà mẹ đưa con đi tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, TS. Phu nhấn mạnh.
Để phòng các bệnh truyền nhiễm trong mùa đông-xuân, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các bà mẹ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như tăng cường vệ sinh cá nhân cho trẻ, tăng cường dinh dưỡng, giữ ấm cho trẻ đúng cách để trẻ không bị ốm, tránh bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng đúng lịch. Đặc biệt thực hiện tiêm chủng cho trẻ đầy đủ phòng bệnh theo lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đối với bệnh sởi-rubella, Bộ Y tế đang chỉ đạo các tỉnh triển khai quyết liệt kế hoạch tiêm vắc-xin phòng 2 bệnh này đạt tỉ lệ 95% ở quy mô xã phường. Đặc biệt là Hà Nội, TP HCM, Bình Dương... là những nơi có biến động dân cư lớn thì phải rà soát rất chặt chẽ. Trẻ nào chưa tiêm thì vận động đi tiêm, không tiêm thì phải lập danh sách báo cáo lên UBND để tuyên truyền người dân. Dự kiến tháng 4 sẽ kết thúc chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella, tuy nhiên nếu chưa tiêm xong các tỉnh có thể tiếp tục tiêm vét.
Trẻ cần được tiêm vắc-xin lúc 2 tháng tuổi để phòng bệnh ho gà; để phòng bệnh sởi trẻ cần được tiêm vắc-xin phòng sởi mũi 1 lúc 9 tháng tuổi. Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh, đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được tổ chức tiêm đầy đủ trong tháng, đảm bảo số lượng theo nhu cầu và an toàn, TS. Phu cho biết.

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014