Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Việt Nam “nước rút” trong nghiên cứu, sản xuất vắcxin phòng COVID-19

Cập nhật: 3/7/2020 | 8:48:21 AM

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc chủ động vắcxin là một yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội nghiên cứu, sản xuất vắcxin phòng COVID-19.

Nghiên cứu định lượng protein trong vắcxin tại phòng thí nghiệm của Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nghiên cứu định lượng protein trong vắcxin tại phòng thí nghiệm của Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tại cuộc họp của Bộ Y tế bàn về các phương pháp xét nghiệm và sản xuất vắcxin phòng COVID-19 đang thực hiện tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc chủ động vắcxin là một yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội nghiên cứu, sản xuất vắcxin phòng COVID-19.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã tiến hành thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 trên chuột, gà trước khi thử nghiệm trên người.

Tại Việt Nam, dự án nghiên cứu phát triển vắcxin COVID-19 của các nhà khoa học Công ty một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang có "triển vọng rất tích cực."

Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 cho biết, hiện vắcxin đang trong giai đoạn thử nghiệm trên chuột. Khi so sánh với những con chuột được tiêm virus hoang dại đã bất hoạt, những con chuột được tiêm vắcxin dự tuyển cho đáp ứng kháng thể cao.

“Đây là kết quả đánh giá, phân tích của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển vắcxin phòng COVID-19 mà các nhà nghiên cứu của Viện đã nhận được vào các ngày 15/5 và 29/5.

Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao”, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt thông tin.

Ngoài ra, công nghệ mà Vabiotech sử dụng trong sản xuất vắcxin phòng chống dịch bệnh là công nghệ vector virus thay vì các công nghệ vắcxin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắcxin đại dịch.  

Ở giai đoạn tiếp theo, vắcxin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắcxin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.

Chia sẻ về quá trình nghiên cứu vắcxin, Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt cho hay, ngay từ đầu tháng 2/2020, hai cán bộ nghiên cứu của Vabiotech đã được cử sang làm việc và phối hợp với các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm của Đại học Bristol (Anh) nỗ lực triển khai thực hiện nhiều công đoạn nghiên cứu nhằm đẩy nhanh tiến độ của Dự án.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh vào thời điểm đó tại Anh nói riêng, châu Âu và thế giới nói chung, nhóm nghiên cứu đã làm việc gần như 24/7, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, để kịp hoàn thành kế hoạch đặt ra. Hai thành viên của nhóm nghiên cứu từ Vabiotech kịp quay về Việt Nam ngay sát thời điểm đóng cửa đường hàng không hồi cuối tháng 3. Mẫu cũng được chuyển về tới Việt Nam như dự định,” Chủ tịch Vabiotech cho biết.

Sau thời gian 14 ngày cách ly tập trung sau khi về nước, Ban Lãnh đạo Công ty và nhóm nghiên cứu quyết định biến phòng thí nghiệm của Vabiotech thành “phòng cách ly để nghiên cứu” bù đắp lại thời gian bị gián đoạn.

“Nỗ lực của nhóm nghiên cứu đã được bù đắp. Một tháng sau, dự tuyển vắcxin đã được hoàn thành để tiêm thử nghiệm trên chuột,” Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt không giấu được niềm tự hào.  

Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt cho biết, vắcxin phòng COVID-19 của Việt Nam dự kiến tiêm thử trên người sau 9-12 tháng, hoàn chỉnh vào tháng 10/2021.

Viet Nam “nuoc rut” trong nghien cuu, san xuat vacxin phong COVID-19 hinh anh 1:

Nhóm chuyên gia của Vabiotech đã cử 2 thành viên sang nước Anh từ tháng 2, phối hợp với Đại học Bristol gấp rút tạo chủng kháng nguyên trong gần hai tháng. Tới khi về Việt Nam, nhóm tiếp tục túc trực tại phòng thí nghiệm trong hơn một tháng để hoàn thành dự tuyển Vắc xin. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

"Có thể từ 9 đến 12 tháng nữa, Việt Nam sẽ có vắcxin đủ tiêu chuẩn để thử nghiệm trên người. Trong khi thông thường, phải mất từ 3-5 năm mới có một dự tuyển có vắcxin tốt, mất 5-10 năm để hoàn chỉnh có vắcxin.”

Đối với vắcxin phòng COVID-19, quá trình nghiên cứu sản xuất có thể được rút ngắn và các bước rút ngắn chủ yếu về mặt thủ tục hồ sơ hoặc các quy trình cấp phép. Các bước sản xuất, nghiên cứu vẫn được đảm bảo, không đi tắt hay bỏ qua bất cứ bước nào.

“Hiện Vabiotech cũng chờ đợi các kết quả nghiên cứu của thế giới về hiệu lực của những ứng viên vắcxin tiềm năng, các quốc gia giải quyết vấn đề đánh giá vắcxin trên người khi không còn nhiều mô hình bệnh nhân... để so sánh, rút kinh nghiệm và áp dụng cho vắcxin của Việt Nam,” Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ.

Theo Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt, dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắcxin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắcxin cho Việt Nam, nhất là các vắcxin đại dịch.

Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng Coronavirus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần “lắp ráp” phần gene của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vắcxin mới, sẵn sàng và chủ động vắcxin phòng chống, dịch bệnh cho người dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu vẫn căng thẳng và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, các nhà khoa học đều cho rằng, chỉ có vắcxin mới có thể cứu loài người khỏi thảm họa COVID-19.

Hiện tại, cuộc đua nghiên cứu, điều chế vắcxin COVID-19 không chỉ gấp rút ở Việt Nam, mà cả các nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật... Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có vắcxin nào được cấp phép hay được đánh giá là hoàn thiện, mà chỉ được xem là những ứng viên tiềm năng.

Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2; nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm, được WHO công nhận và được cấp chứng chỉ lưu hành trên thế giới; nghiên cứu, sản xuất thành công 5 loại sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus Corona (SARS-CoV-2) và hiện đang tiếp tục nghiên cứu vắcxin phòng bệnh, thuốc điều trị.

Đến nay đã 77 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, điều trị khỏi 336/355 trường hợp mắc COVID-19, chiếm 94,6%.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Y tế, Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai nếu trong trường hợp xảy ra các ca lây nhiễm tại cộng đồng do bỏ sót các trường hợp nhập cảnh mắc bệnh hoặc các bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng trong cộng đồng.

Vì vậy, việc tận dụng mọi cơ hội để nghiên cứu, sản xuất vắcxin phòng COVID-19 đang là thách thức lớn đối với các nhà khoa học trong nước.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy các phương án nghiên cứu, sản xuất vắcxin, đồng thời ban hành kế hoạch tổ chức lại lực lượng nghiên cứu kết hợp với doanh nghiệp để khai thác lợi thế nghiên cứu sản xuất vắcxin ở nước ta từ trước đến nay./.

(Nguồn: vietnamplus.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014