Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Công tác phòng chống Đái tháo đường tại Quảng Ninh Những lỗ lực và khó khăn còn phía trước

Cập nhật: 5/12/2015 | 1:41:18 PM

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nhanh nhất thế giới. Trong 10 năm (2002-2012) số lượng người Việt Nam được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ tăng 211%. Hiện ở Việt Nam có 3,3 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, con số này dự kiến tăng gấp đôi trên 6,3 triệu người vào năm 2035. Tỷ lệ chẩn đoán bệnh còn thấp, ước tính 63% những người bị bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán (2 triệu người), cao hơn mức trung bình của thế giới (45%). Trong số 10 bệnh nhân thì có 6 bệnh nhân bị các biến chứng và đa số bệnh nhân không đạt được mục tiêu điều trị do việc trị liệu dưới mức tối ưu.

Tình hình mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam đã và đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng ở hầu khắp mọi miền của cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn và khu công nghiệp. Các yếu tố như toàn cầu hóa, đô thị hóa đã tác động đến những thay đổi về lối sống theo chiều hướng không có lợi cho sức khỏe chủ yếu là dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể chất, thừa cân, béo phì… khiến cho tốc độ mắc bệnh đái tháo đường gia tăng nhanh chóng và đang trở thành một trong những thách thức đối với y tế. Có thể thấy bệnh đái tháo đường đã, đang và sẽ luôn là gánh nặng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội do tính phổ biến và hậu quả nặng nề dẫn đến tàn phế hoặc tử vong do được phát hiện và điều trị muộn.   

Điều tra đái tháo đường tại cộng đồng

Bắt đầu từ năm 2009, Bộ Y tế đã triển khai Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Tại Quảng Ninh chương trình đã được triển khai liên tục trong những năm qua với nhiều hoạt động điển hình như: Tập huấn nâng cao năng lực cho  trên 1.000 lượt cán bộ, truyền thông cho cộng đồng, điều tra dịch tễ học, khám sàng lọc với trên 24.000 người dân… Các hoạt động đã nâng cao được nhận thức của người dân, ý thức được việc khám kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện theo tư vấn của cán bộ chuyên môn để phòng tránh mắc bệnh và biến chứng của bệnh.

Là cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh ĐTĐ tại Quảng Ninh, Trung tâm Y tế dự phòng từ đầu năm 2015 đến nay đã triển khai đồng loạt các hoạt động đảm bảo tiến độ chương trình theo đúng kế hoạch. Với 4 phòng tư vấn tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Phường Hòa Lạc -Móng Cái, phường Cửa Ông - Cẩm Phả, Phường Phương Nam -Uông Bí, trong 8 tháng đầu năm 2015 đã thực hiện tư vấn cho gần 915 lượt người bệnh và tiếp tục củng cố, nâng cao kiến thức cho 138 cán bộ y tế tuyến cơ sở tại Bình Liêu, Cô Tô, Ba Chẽ, Hoành Bồ.  

Hiện nay, cán bộ chuyên môn trên toàn Thế giới cũng chỉ mới giúp người bệnh kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình, không thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Bởi vậy việc phát hiện, điều trị sớm và đúng cách giúp giảm các biến chứng mạn tính nguy hiểm do bệnh ĐTĐ gây ra là rất quan trọng. Công tác khám sàng lọc tại Quảng Ninh cho thấy số lượng bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ và tiền ĐTĐ hàng năm đã ngày một gia tăng, đặc biệt là đối tượng tiền đái tháo đường; hơn nữa ĐTĐ hiện có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi.

Theo đánh giá của các chuyên gia Y tế Thế giới thì nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng số người mắc bệnh ĐTĐ là do chế độ ăn uống, sinh hoạt và luyện tập không hợp lý. Đáng báo động là có đến 60% số người bị bệnh nhưng không biết mình đang mắc bệnh dẫn đến tình trạng rối loạn đường huyết nặng và biến chứng. Nhiều bệnh nhân không tuân thủ nguyên tắc điều trị, chủ quan, nản chí...; chưa thực hiện chế độ ăn uống, luyện tập, sử dụng thốc  hợp lý theo tư vấn nên dễ dẫn đến bệnh tình trở nên trầm trọng. Hiện nay tỷ lệ nhập viện do biến chứng do ĐTĐ cũng đang ngày càng gia tăng.

Thực tế tại Quảng Ninh công tác phòng chống bệnh ĐTĐ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn: Nguồn của CTMT phân bổ rất hạn chế.Các hoạt động chỉ mới triển khai với quy mô nhỏ. Các bệnh viện, trung tâm y tế chỉ khám, phát hiện, quản lý bệnh với những người tự đến điều trị; Đội ngũ cán bộ tuyến xã chưa được đào tạo thường xuyên, trang thiết bị thiết yếu chưa đảm bảo cho công tác sàng lọc, tư vấn ...Bởi vậy công tác quản lý, tư vấn cho đối tượng ĐTĐ, tiền ĐTĐ tại các tuyến cơ sở chưa mở rộng được phạm vi thực hiện trong toàn Tỉnh.

Để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống bệnh ĐTĐ, ngoài sự chủ động và quyết liệt của Ngành Y tế trong công tác chỉ đạo, điều hành mạng lưới y tế dự phòng tại tuyến cơ sở còn rất cần tích cực truyền thông giáo dục để thay đổi hành vi của cộng đồng đó là: thực hiện lối sống sinh hoạt lành mạnh, khoa học, khám kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời ngay từ giai đoạn tiền đái tháo đường để ngăn chặn sự tiến triển nặng của bệnh.

Đối với những người bị bệnh tiểu đường nên giảm béo, ăn nhiều chất xơ hạn chế chất béo, chất đường và chất bột; không hút thuốc lá; Luyện tập thể dục thể thao điều độ 30 phút mỗi ngày. Lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe từng đối tượng như: Đi bộ, đạp xe, bơi lội , thâm chí đi bộ lên cầu thang thay việc đi bằng thang máy...; Thực hiện đúng theo hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa sau mỗi lần khám định kỳ.

(Nguồn: BS Hoàng Thị Lê - Phó Khoa SKCĐ&DD)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014