Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng, chống bệnh sởi: Cần hơn sự chủ động từ nhiều phía

Cập nhật: 22/4/2014 | 7:02:10 PM

Tình hình bệnh sởi trên toàn quốc diễn biến phức tạp với khoảng 3.500 trường hợp mắc, trong đó hơn 110 ca tử vong. Với Quảng Ninh, mặc dù là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có số người mắc sởi thấp nhất cả nước, song số lượng ca bệnh cũng đang tăng.

Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra tình trạng bệnh của bệnh nhân nghi mắc sởi điều trị tại Khoa.
Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra tình trạng bệnh của bệnh nhân nghi mắc sởi điều trị tại Khoa.

“Nóng” ở các bệnh viện

Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày này khá bận rộn do số bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi nhập viện ngày càng nhiều. Riêng ngày 18-4, nơi đây có 52 trường hợp sốt phát ban dạng sởi nằm điều trị, trong đó một vài trường hợp nghi sởi đang chờ kết quả xét nghiệm. Vẻ mặt đầy lo lắng, chị Đỗ Thị Thu, tổ 5, khu 5, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long cho biết: “Con tôi 24 tháng tuổi, sốt mấy ngày hôm nay. Cháu rất mệt, ban mọc khắp người, được chẩn đoán nghi sởi. Cháu chưa tiêm phòng bệnh này. Xem trên truyền hình thấy bệnh sởi nguy hiểm, tôi rất lo. Giá như trước đây, tôi cho cháu tiêm phòng bệnh sớm”.

Đó không chỉ là tâm lý của chị Thu mà của rất nhiều người có con bị sốt phát ban dạng sởi. Để đảm bảo không lây chéo giữa các bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã bố trí 2 tầng của Khoa Truyền nhiễm để điều trị bệnh nhân bị sốt phát ban dạng sởi; trong đó có phòng riêng dành cho bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh sởi và phòng cho bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi song chưa tiêm phòng sởi. Bác sĩ Lương Xuân Kiên, Phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Từ đầu năm tới nay, chúng tôi tiếp nhận 128 ca sốt phát ban dạng sởi, trong đó, 7 ca xét nghiệm dương tính với sởi”.

Còn tại Bệnh viện Bãi Cháy, đến ngày 18-4 có 18 bệnh nhân nghi sởi. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí từ tháng 2 đến nay cũng có 42 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó, 3 bệnh nhân xét nghiệm dương tính với sởi. Hiện Bệnh viện đang điều trị cho 1 trường hợp nghi sởi bị suy hô hấp nặng. Các bệnh viện còn lại hầu hết đều có bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi, bệnh nhân sởi nằm điều trị. Theo bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ ngày 16-2-2014, Quảng Ninh xuất hiện ca bệnh sởi đầu tiên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 54 ca mắc sởi, nằm ở 8/14 địa phương, trong đó tập trung nhiều nhất là TP Hạ Long.

Đẩy mạnh biện pháp phòng, chống sởi

Giám đốc Sở Y tế Vũ Xuân Diện khẳng định: “Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng, chống bệnh sởi chính là công tác tiêm phòng. Bởi vậy, trung tâm y tế các địa phương cần nhanh chóng chỉ đạo trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vét sởi, đảm bảo đến hết tháng 4-2014, 95% số trẻ từ 9-24 tháng tuổi được tiêm phòng sởi”.

Trên thực tế cho thấy, mặc dù đã triển khai tiêm vét sởi từ tháng 2 đến nay, song số trẻ trong độ tuổi 9-24 tháng tuổi trong diện tiêm vét đi tiêm phòng sởi vẫn chiếm tỷ lệ thấp, ở Cô Tô chỉ được 54,5%, Bình Liêu 59,6%, Vân Đồn 59,7%, Tiên Yên 41,8%, Ba Chẽ 65,7% và toàn tỉnh khoảng 75%. Bởi vậy, trong tháng 4 này, các trạm y tế sẽ kéo dài ngày tiêm vét sởi cho trẻ.

Ngành Y tế vẫn đang ráo riết các biện pháp phòng, chống dịch. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chuẩn bị đầy đủ vắc xin sởi để cung cấp cho các địa phương. Hiện Trung tâm còn dự trữ 4.000 tấn cloramin B đảm bảo cung cấp cho các đơn vị để xử lý nếu có ổ dịch. Bệnh viện, trung tâm y tế các tuyến phối hợp chặt chẽ trong việc nắm bắt tình hình bệnh nhân để khoanh vùng, giám sát ca bệnh tại cộng đồng và tại bệnh viện. Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã làm được xét nghiệm phát hiện vi rút sởi nên kết quả trả về các địa phương chỉ trong vòng 24 giờ, rất thuận tiện cho việc khoanh vùng, xử lý nếu có ổ dịch.

Đội phòng chống dịch, đội cấp cứu lưu động ở các đơn vị y tế tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đảm bảo hỗ trợ tốt cho nhau khi xuất hiện nhiều ca bệnh, ổ dịch. Bác sĩ Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Người đang mắc các bệnh về hô hấp nếu bị lây sởi sẽ rất nguy hiểm. Bởi vậy, ngành Y tế đang chỉ đạo các bệnh viện bố trí khu vực cách ly, trong đó có khu dành riêng cho bệnh nhân sởi; thực hiện phân luồng bệnh nhân ngay từ khu vực phòng khám để tránh lây chéo trong bệnh viện”. Tới đây, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương tổ chức tập huấn lại về công tác phòng chống dịch bệnh sởi và phác đồ điều trị bệnh nhân sởi cho cán bộ dự phòng các tuyến, nhân viên y tế tham gia công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân sởi.

Trong khi cả nước, số mắc sởi tập trung nhiều ở trẻ em dưới 5 tuổi thì ở tỉnh, 60% số mắc sởi có độ tuổi từ 15 trở lên; trẻ dưới 1 tuổi chiếm 17%. Các ca mắc sởi đều nằm rải rác trong cộng đồng. Bởi vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống bệnh sởi hiện nay hết sức cần thiết, trong đó cần có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các địa phương. Ngành Giáo dục cũng cần phối hợp tốt với Y tế trong việc giám sát học sinh mắc bệnh, hạn chế thấp nhất việc lây lan sởi trong trường học.

Theo nhận định của ngành Y tế: Nguy cơ bệnh sởi có thể bùng phát  trên diện rộng và sẽ xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng, nhất là tại các địa phương: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn. Nguy cơ bệnh nặng và biến chứng có thể xảy ra. Bởi vậy công tác phòng, chống bệnh sởi cần được tăng cường mạnh hơn; trong đó quan trọng vẫn là sự vào cuộc của mỗi người dân trong phòng, chống bệnh sởi.

(Nguồn: Thu Nguyệt - Báo Quảng Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014