Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Triển khai vắc xin mới trong tiêm chủng

Cập nhật: 5/7/2018 | 8:06:10 PM

Trong năm 2018, sẽ có một số vắc xin mới được đưa vào tiêm chủng mở rộng. Để việc triển khai đưa vắc xin mới vào tiêm chủng được hiểu quả thì người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng cần hiểu rõ về các loại vắc xin mới này. Để cung cấp các thông tin cần thiết đến người dân, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ CKI Trần Thị Diệp – Phó khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh.

Phóng viên: Thưa bác sĩ,  trong năm 2018 sẽ có một số vắc xin mới được đưa vào tiêm chủng mở rộng, xin bác sĩ cho biết đó là những loại vắc xin phòng chống bệnh nào?
Bác sĩ CKI Trần Thị Diệp: Năm 2018 sẽ có 3 loại vắc xin mới được đưa vào tiêm chủng mở rộng:
 Vắc xin ComBe FIVE là loại vắc xin 5 trong 1 được lựa chọn để thay thế vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng do Ấn Độ sản xuất và đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5/2017. Vắc xin này có thành phần tương tự như Quinvaxem, giúp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.Theo thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương dự kiến đưa vào sử dụng tháng 8/2018.
 Vắc xin IPV (Bại liệt tiêm) của Sanofi sản xuất tại Pháp: Tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt đã đạt được, thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với tiếp tục cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi uống 3 liều vắc xin bại liệt bOPV (vắc xin bại liệt 2 tuýp), từ tháng 8/2018 trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin IPV lúc 5 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên.
Vắc xin MR VAC (Sởi - Rubella) của POLYVAC do Việt Nam sản xuất thay thế cho vắc xin MR của Ấn độ, đã triển khai từ tháng 4/2018.
Phóng viên: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tiếp nhận và đưa vắc xin mới vào sử dụng tại Quảng Ninh như thế nào thưa bác sĩ?
Bác sĩ CKI Trần Thị Diệp: Thực hiện chỉ đạo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo thời điểm triển khai từng loại vắc xin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai 1 số nội dung sau:
 Gửi công văn thông báo đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về thời gian dự kiến triển khai vắc xin mới. 
 Lập kế hoạch, chuẩn bị nội dung triển khai tập huấn vắc xin mới cho cán bộ Y tế huyện, xã/phường dự kiến trong tháng 7/2018.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng chuẩn bị kho, hệ thống dây chuyền lạnh để tiếp nhận và bảo quản vắc xin khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chuyển vắc xin thực hiện cấp phát cho tuyến huyện.
Lập kế hoạch giám sát, kiểm tra việc tổ chức triển khai tiêm vắc xin mới tại các huyện, thị xã, TP và xã/ phường.
Phóng viên: Hiện nay, công tác tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ được tỉnh Quảng Ninh triển khai như thế nào và đạt được kết quả ra sao, thưa bác sĩ?
Bác sĩ CKI Trần Thị Diệp: Đối với công tác tiêm chủng mở rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các hoạt động theo hướng dẫn của Chương trình Tiêm chủng mở rộng và thực hiện theo các văn bản pháp quy của Chính phủ và Bộ Y tế; giao các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho các huyện thực hiện; có sự chỉ đạo đồng bộ hoạt động tiêm chủng từ tuyến tỉnh đến huyện xã, phường; chỉ đạo xuyên suốt việc áp dụng hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia trên toàn tỉnh nhằm giúp quản lý tốt đối tượng, giảm gánh nặng công việc và thời gian cho cán bộ y tế, giúp cho cán bộ y tế tiếp cận với công nghệ thông tin nhanh nhất. Việc triển khai tiện ích tin nhắn nhắc lịch tiêm chủng hiện nay đã giúp cho người dân tiếp cận tối đa dịch vụ, nắm bắt kịp thời lịch tiêm chủng của trẻ, từ đó có ý thức tốt trong việc đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. Công tác truyền thông luôn được gắn liền với tất cả các hoạt động tiêm chủng, người dân được cung cấp thông tin một cách nhanh nhất, ý thức phòng bệnh nâng cao.
Đối với tiêm chủng dịch vụ, Trung tâm cũng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tiêm chủng dịch vụ theo đúng văn bản pháp quy nhà nước, thực hiện an toàn tiêm chủng, cung ứng đủ vắc xin phục vụ nhu cầu nhân dân; quản lý đối tượng tiêm chủng dịch vụ trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, tạo sự thuận tiện theo dõi lịch sử tiêm chủng của cá nhân, đồng thời thực hiện phản hồi tình hình vắc xin với các huyện nắm bắt và thông báo kịp thời cho người dân.
Đối với tiêm chủng mở rộng hay tiêm chủng dịch vụ, các thông tin về hoạt động tiêm chủng đều được thông báo và đăng tải trên cổng thông tin của Sở Y tế, của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhờ đó giúp người dân cập nhật một cách nhanh nhất.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Y tế, Ban giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, công tác tiêm chủng trong toàn tỉnh đạt kết quả đáng kể, kết quả tiêm chủng mở rộng đều đạt chỉ tiêu, đặc biệt tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B 24 giờ đầu sau sinh, tiêm chủng đầy đủ tăng cao, tiêm chủng dịch vụ được người dân quan tâm sử dụng dịch vụ ngày một nhiều hơn, nhờ đó các bệnh dịch có vắc xin phòng bệnh ngày một giảm.
Phóng viên: Khi triển khai đưa vắc xin mới vào sử dụng và vắc xin mới thay thế vắc xin cũ để tiêm phòng bệnh, thì người dân không tránh khỏi băn khoăn. Để công tác tiêm chủng tiếp tục được triển khai hiệu quả, đạt tỷ lệ cao thì các cơ sở tiêm chủng vắc xin phải chú ý những gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ CKI Trần Thị Diệp: Khi triển khai vắc xin mới thì người dân không tránh khỏi băn khoăn vắc xin mới có an toàn không? Có tốt không? Phản ứng nhiều hay ít... Để giải đáp tất cả những vấn đề này thì nhiệm vụ của cán bộ y tế cần thông báo, giải thích tác dụng của vắc xin mới và lợi ích việc đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều để phòng bệnh. Hướng dẫn các bà mẹ lưu trẻ tại Trạm Y tế 30 phút sau tiêm chủng và về nhà theo dõi 24 giờ tiếp theo.  
Đồng thời, để công tác tiêm chủng tiếp tục được triển khai hiệu quả, đạt tỷ lệ cao và từng bước bổ sung các vắc xin mới vào tiêm chủng mở rộng thì các cơ sở tiêm chủng vắc xin phải: Thực hiện nghiêm các quy định pháp quy trong hoạt động tiêm chủng; đảm bảo công tác an toàn trong tiêm chủng; chú trọng công tác tư vấn giới thiệu vắc xin mới; công tác truyền thông đối với người dân.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, hiện nay rất nhiều phụ huynh truyền nhau “kinh nghiệm” sử dụng khoai tây, cao lạnh để đắp vào vết tiêm nhằm hạ sốt và chống sưng sau khi trẻ được tiêm phòng, vậy xin bác sĩ cho biết hành động này của các bậc phụ huynh có đúng hay không và các bậc phụ huynh cần lưu ý những gì sau khi trẻ được tiêm phòng?
Bác sĩ CKI Trần Thị Diệp: Trước khi tiêm chủng cho trẻ, theo quy định thì bác sĩ hoặc cán bộ y tế tại điểm tiêm chủng phải thông báo cho phụ huynh về loại vắc xin tiêm chủng lần này của trẻ, những lợi ích của vắc xin cũng như những phản ứng thông thường, phản ứng quá mẫn của vắc xin sau khi tiêm. Đồng thời, yêu cầu phụ huynh cho trẻ ở lại cơ sở tiêm chủng 30 phút để theo dõi sau tiêm và về nhà tiếp tục theo dõi  trẻ trong 24 giờ tiếp theo. Trong trường hợp sau tiêm trẻ sốt trên 38 độ C thì có thể dùng thuốc hạ sốt của trẻ em; đối với trường hợp vết tiêm có biểu hiện sưng thì có thể dùng nước ấm để chườm mát dần. Khuyến cáo không dùng khoai tây, cao lạnh để  đắp vào vết tiêm vì có thể làm giảm tác dụng của vắc xin, thậm chí gây nhiễm trùng vết tiêm. Các bậc phụ huynh cần lưu tâm thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế và tìm hiểu những kiến thức đúng, khoa học về tiêm chủng để theo dõi con mình sau tiêm chủng  một cách chủ động và tốt hơn.
 Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014