Chăm sóc và bảo vệ đôi mắt

Cập nhật: 9/10/2018 | 9:40:59 PM

Những năm qua, các bệnh lý về mắt trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Một trong những lý do là nhận thức của người dân về căn bệnh này chưa đúng nên không có biện pháp dự phòng, điều trị sớm khiến bệnh tiến triển nặng, dẫn đến mù lòa. Chính vì vậy, ngành Y tế Quảng Ninh đã luôn nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, đầu tư trang thiết bị máy móc, đào tạo nhân lực để phục vụ tốt hơn cho nhân dân trong công tác khám, chữa bệnh nói chung, bệnh về mắt nói riêng.

Phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ông Chíu Sáng Sày (69 tuổi), xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, vừa được khám sàng lọc phát hiện bị đục thủy tinh thể mắt trái. Sau đó ông đã được các bác sĩ Khoa Da liễu - Phòng chống mù lòa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn, thực hiện phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco. Ông Sày chia sẻ, trước đây mắt của tôi nhìn khoảng 2-3m là thấy mờ rồi, từ khi mổ đến giờ tôi nhìn xa, rõ hơn trước nhiều. Bây giờ việc sinh hoạt của tôi thuận lợi, tôi rất mừng. Tương tự, bà Nguyễn Thị Mận (73 tuổi), xã Hải Xuân, TP Móng Cái, bị đục thủy tinh thể mắt phải. Thông qua chương trình phối hợp giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế TP Móng Cái và Tổ chức Phòng, chống mù loà châu Á (APBA), bà Mận đã được phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco. Sau khi phẫu thuật, bà Mận đã thấy mắt mình sáng lên, thuận tiện hơn trong cuộc sống.

Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm, Khoa Da liễu - Phòng chống mù lòa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Tổ chức APBA thực hiện khám, sàng lọc, phẫu thuật thay thủy tinh thể miễn phí cho người dân trên địa bàn tỉnh từ 5-6 đợt. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã phối hợp khám, sàng lọc cho hơn 5.000 lượt người, thực hiện mổ gần 600 ca.

Ngành y tế Quảng Ninh phối hợp với Tổ chức Phòng chống mù loà Châu Á (APBA)
Bác sĩ của Tổ chức Phòng, chống mù loà châu Á (APBA) khám mắt cho người dân TP Móng Cái.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đoàn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Trước thực trạng tỷ lệ người dân mắc các bệnh về mắt trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn cao, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về tầm quan trọng của việc bảo vệ và chăm sóc mắt trong cộng đồng. Đồng thời phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức các đợt khám, sàng lọc tại cộng đồng các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, mộng, quặm, glôcôm, khúc xạ học đường…, nhất là người lớn tuổi. Qua đó giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ mắt để họ chủ động khám, điều trị sớm nhất nhằm tránh biến chứng xảy ra, giảm tỷ lệ mù lòa.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Bãi Cháy đã làm chủ kỹ thuật phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco hơn 10 năm nay. Đồng thời các bệnh viện cũng triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, góp phần giảm quá tải cho tuyến trên. Đặc biệt là các bệnh viện đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy đo khúc xạ tự động, đo khúc xạ giác mạc tự động, siêu âm A, siêu âm B, đo nhãn áp tự động, máy sinh hiển vi phẫu thuật… Bên cạnh đó, cán bộ, y, bác sĩ chuyên ngành mắt luôn được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ.

Người dân cần sớm khám, điều trị các bệnh lý về mắt
Người dân cần sớm khám, điều trị các bệnh lý về mắt tránh những biến chứng nguy hiểm.

Cùng với đó, các bệnh viện tuyến tỉnh đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mới về chuyên khoa mắt cho các trung tâm y tế tuyến huyện. Đặc biệt một số đơn vị đã quan tâm phát triển các kỹ thuật chuyên môn cao như tuyến tỉnh, đơn cử như Trung tâm Y tế Quảng Yên đã thực hiện thành công kỹ thuật Phaco trong điều trị bệnh đục thủy tinh thể từ đầu năm 2018. Đây là một trong hai trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh thực hiện được kỹ thuật này, qua đó tạo cơ hội cho người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, giảm tỷ lệ chuyển tuyến.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Đình Hải, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: Mỗi năm, Bệnh viện Bãi Cháy đã thực hiện 6  đến 8 đợt chuyển giao kỹ thuật mổ mắt tại nhiều đơn vị y tế cấp cơ sở như Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái, Bình Liêu…, đào tạo chuyên môn sâu cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến dưới, hỗ trợ chẩn đoán, hướng dẫn từ xa thành công nhiều ca mổ cho các đơn vị y tế thuộc ngành. Nhờ đó, người dân không phải đi lên tuyến trên mà vẫn nhận được phương pháp chữa trị tốt nhất. Thời gian tới, Bệnh viện Bãi Cháy sẽ tiếp tục hỗ trợ về lý thuyết, thực hành, tổ chức các đợt khám lưu động và điều trị bệnh lý các chuyên khoa tại cơ sở, đáp ứng nhu cầu học tập các kỹ thuật mới, chuyên sâu của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh, giúp nhân dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh hiện đại.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 5 giây thế giới lại có thêm 1 người bị khiếm thị và cứ 5 người khiếm thị thì có 4 người lẽ ra đã có thể chữa trị được. Chính vì vậy, Ngày Thị giác thế giới đã ra đời.

Ngày Thị giác Thế giới tổ chức lần đầu vào năm 1998 với mục đích nâng cao nhận thức toàn cầu về tình trạng mù lòa, suy giảm thị lực và phục hồi chức năng thị giác, được tổ chức hằng năm vào ngày thứ Năm của tuần thứ hai trong tháng 10.

Từ năm 2000, Ngày Thị giác thế giới trở thành “Chương trình Thị giác 2020: Quyền được nhìn thấy”. Mục tiêu của chương trình này là giảm thiểu và loại bỏ các bệnh mù lòa có thể tránh khỏi trên toàn thế giới cho đến năm 2020.


(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin