Phòng, chống tác hại thuốc lá: Mối nguy hiểm với trẻ em

Cập nhật: 2/11/2018 | 7:40:33 AM

Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho chính người hút, mà còn gây hại cho những người xung quanh, trong đó có cả trẻ em.

Trẻ em có thể mắc nhiều bệnh do hút thuốc thụ động. Ảnh: Internet
Trẻ em có thể mắc nhiều bệnh do hút thuốc thụ động. Ảnh: Internet

Hút thuốc lá thụ động là hít khói từ sản phẩm thuốc lá đang cháy. Do đó, người không hút thuốc nếu hít phải khói thuốc lá cũng bị ảnh hưởng tương tự như với người hút thuốc lá trực tiếp. Theo các nghiên cứu khoa học, hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích, chất độc trong khói thuốc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khói thuốc có khoảng 4.000 chất hóa học, trong đó có 40 chất làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư. Đặc biệt, chất nicotine là chất có trong khói thuốc, dính trên da, quần áo hay mái tóc của cha mẹ, chất này được coi là “kẻ trung gian” trong việc hút thuốc thụ động ở trẻ em. Nicotine gây tăng nhịp đập của tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đinh Thị Lan Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết: Trẻ em có sức đề kháng kém hơn người lớn nên tác hại của thuốc lá đối với trẻ em càng nguy hiểm hơn. Tác hại của thuốc lá đối với trẻ em dễ nhận thấy nhất là các bệnh về hô hấp. Người cha hút thuốc, đặc biệt là người mẹ hút thuốc lá sẽ làm tăng tỷ lệ mắc và mức độ nặng của bệnh hen. Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn và nguy cơ lên cơn hen hằng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc. Trên toàn thế giới có khoảng từ 200.000 đến 1 triệu trẻ em bị hen đang phải chịu những tác động xấu do cha mẹ chúng hút thuốc. Tại bệnh viện, tuy chưa thống kê chính xác, nhưng số trẻ em mắc chứng hen cũng gia tăng.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá thường nhẹ cân khi sinh, dễ mắc các bệnh về nhiễm trùng tai, chảy dịch, tắc nghẽn tai trong, ho, viêm phế quản, viêm bạch hầu thanh quản, thanh quản, thở khò khè, viêm tiểu phế quản, phổi… Khói thuốc lá còn có thể gây tổn hại tới hệ thần kinh, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kỹ năng lập luận và kỹ năng nhận thức ở trẻ như suy giảm chức năng nhận thức của não, giảm trí nhớ và tăng nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt gấp 3 lần, chỉ số IQ của trẻ tiếp xúc với khói thuốc thấp hơn những đứa trẻ cùng tuổi không tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Trẻ sẽ có kết quả học tập yếu kém hơn, đặc biệt là khả năng đọc, làm toán. Điều này vô cùng nguy hại đối với sự phát triển tương lai của trẻ, cũng như tương lai của đất nước.

Phụ nữ và trẻ em dễ bị tác động bởi hút thuốc lá thụ động
Phụ nữ và trẻ em dễ bị tác động bởi khói thuốc lá thụ động.

Chất độc trong khói thuốc có thể bám vào tóc, quần áo của người hút và bám vào các bề mặt đồ đạc trong nhà. Trẻ em có thể tiếp xúc với những đồ vật này khi chơi, bò hay ôm ấp người hút thuốc lá. Trẻ em tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá không chỉ ở nhà, mà còn trong các trường học, nhà hàng, nơi công cộng.

Mỗi năm ở Việt Nam có 40.000 người tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thuốc lá. Trong số đó có những người chết oan vì hít phải khói thuốc của người khác.

Vì vậy cha mẹ hay người thân, trước khi hút thuốc hãy cân nhắc để giữ sức khỏe của bản thân mình, đồng thời để giảm các nguy cơ bệnh tật cho trẻ em. Bên cạnh đó, để phòng, chống tác hại của thuốc lá, trước hết các cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá ở những nơi công cộng, khu vực cấm hút thuốc lá; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân đối với tác hại của thuốc lá; khi hút thuốc lá phải tránh xa trẻ em, không để các em tiếp xúc, làm quen hoặc hít phải khói thuốc lá để giảm số lượng trẻ em bị nhiễm các bệnh do thuốc lá gây ra.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin