Tăng cường xử lý chất thải rắn y tế

Cập nhật: 20/12/2018 | 8:11:52 AM

Tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp quản lý, xử lý chất thải y tế theo đúng quy chuẩn. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe cho người bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đoàn giám sát kiểm tra việc thu gom, phân loại chất thải y tế của nhân viên vệ sinh tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra việc thu gom, phân loại chất thải y tế của nhân viên vệ sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Dung

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 bệnh viện tuyến Trung ương, 7 bệnh viện tuyến tỉnh và 6 đơn vị chức năng khác; 2 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 14 trung tâm y tế tuyến huyện, 186 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 254 cơ sở hành nghề tư nhân được cấp phép và 1 bệnh viện đa khoa tư nhân. Theo thống kê, tổng lượng chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế khoảng 3.350kg/ngày, trong đó chất thải thông thường chiếm khoảng 2.650kg, khoảng 700kg còn lại là chất thải y tế nguy hại (phát sinh chủ yếu tại các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh).

Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, thời gian qua tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và mở rộng quy mô điều trị trong hệ thống y tế từ tỉnh đến xã, phường. Ngành Y tế cũng quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, chỉ đạo thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải y tế theo quy định. Các bệnh viện, trung tâm y tế đã triển khai đầu tư thực hiện tốt việc thu gom, xử lý chất thải rắn y tế; kiện toàn hệ thống tổ chức thực hiện công tác quản lý cũng như hoàn thiện và thực hiện đầy đủ các quy trình kiểm soát nội bộ về quản lý chất thải y tế của đơn vị.

Theo ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT, trước đây chất thải y tế lây nhiễm trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xử lý bằng phương pháp đốt, theo đó 19/23 cơ sở y tế đã được đầu tư hệ thống lò đốt. Tuy nhiên, các hệ thống lò đốt rác thải y tế có nhiều bất cập do hệ thống đã cũ phải sửa chữa nhiều lần, chi phí tốn kém, sau khi sửa chữa thiết bị hoạt động không ổn định. Vì vậy, đến nay 12/19 cơ sở y tế đã dừng sử dụng lò đốt rác thải và thay bằng biện pháp hợp đồng với đơn vị được cấp giấy phép hành nghề xử lý chất thải y tế nguy hại để vận chuyển và xử lý; 7 lò đốt rác còn hoạt động đến nay đã cũ, chi phí vận hành, sửa chữa tốn kém, tuy nhiên việc thuê các đơn vị xử lý rác thải y tế khác lại có chi phí rất cao.

Xử lý chất thải y tế tại Bệnh Viện Bai Cháy
Xử lý chất thải y tế tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Để giải quyết những bất cập này, Sở TN&MT đang phối hợp với Sở Y tế hoàn thiện kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 để trình UBND tỉnh ban hành. Theo đó, sẽ xử lý rác thải y tế theo 2 hướng là xử lý tại chỗ và xử lý theo khu vực.

Xử lý tại chỗ gồm các cơ sở y tế thuộc các khu vực nằm cách biệt so với khu vực khác của tỉnh, gặp nhiều khó khăn trong công tác vận chuyển, khó có thể đảm bảo được yêu cầu về thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm nếu phải vận chuyển về xử lý tập trung theo khu vực, mô hình được đề xuất áp dụng cho Trung tâm Y tế huyện Cô Tô và các cơ sở y tế thuộc 11 xã đảo của tỉnh.

Đối với mô hình xử lý theo khu vực áp dụng tại các cơ sở y tế không thuộc đối tượng các cơ sở y tế được đề xuất xử lý tại chỗ đối với chất thải y tế lây nhiễm, thực hiện bằng công nghệ không đốt và công nghệ đốt chưng cất khí khô tiên tiến của Nhật Bản. Bao gồm, cụm xử lý chất thải Khe Giang; cụm xử lý chất thải Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (đã hoàn thành); cụm xử lý chất thải Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên; cụm xử lý chất thải Trung tâm Y tế huyện Hải Hà (đã hoàn thành).

Đặc biệt, mới đây Dự án xây dựng hệ thống xử lý và quản lý chất thải y tế hợp lý tại Quảng Ninh do Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ được khởi động sẽ hỗ trợ các cơ sở y tế từ thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải đảm bảo các yếu tố an toàn môi trường. Dự án sử dụng công nghệ đốt chưng cất khí khô, với công suất xử lý 4 tấn rác/ngày. Sự vượt trội của công nghệ này là rác được đưa vào lò mà không cần xử lý trước, vì thế không tạo ra nước rỉ rác, khí ô nhiễm trong nhà máy, không tạo điều kiện cho ruồi nhặng phát sinh. Mặt khác, quá trình đốt sử dụng chính nguồn nhiệt do việc đốt rác thải tạo ra nên có thể tiết kiệm được khoảng 50% lượng dầu cần thiết, từ đó giảm bớt chi phí vận hành.

Với giải pháp xây dựng mô hình xử lý chất thải y tế theo khu vực cũng như được đầu tư bằng công nghệ tiên tiến sẽ giúp giải quyết những khó khăn, bất cập, giúp công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong ngành Y tế được hoàn thiện, đạt hiệu quả cao hơn.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin