Đảm bảo an toàn tiêm chủng trong triển khai tiêm vắc xin ComBe Five tại Quảng Ninh

Cập nhật: 12/1/2019 | 9:17:36 AM

Chiều ngày 11/1/2019, tại TP.Hạ Long, Sở Y tế Quảng Ninh tổ chức họp trực tuyến về công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng và tập huấn về vắc xin ComBe Five. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở chủ trì buổi họp.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến
Hiện nay, vắc xin Quinvaxem đã ngừng sản xuất trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, vắc xin ComBE Five do Ấn Độ sản xuất được thay thế cho vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng. Từ tháng 10 và tháng 11/2018, Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai vắc xin ComBE Five tại 7 tỉnh (Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu). Đến ngày 9/1/2019 đã có 28 tỉnh triển khai tiêm vắc xin ComBE Five, với 131.171 trẻ được tiêm. Sau tiêm chủng ghi nhận các phản ứng thông thường xuất hiện như: phản ứng tại chỗ tiêm đau, quầng đỏ 5-15%, sốt với tỷ lệ 34-39%. Dự kiến vắc xin ComBe Five sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc trong tháng 1/2019. 
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng khi triển khai vắc xin mới, tại hội nghị các đại biểu được cán bộ khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh và cán bộ Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh hướng dẫn cách sử dụng vắc xin ComBE Five; công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng; cách phòng, chẩn đoán và xử trí các phản ứng trong tiêm chủng; cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau khi tiêm vắc xin ComBE Five.
Phát biểu tại buổi họp, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo: Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh là đầu mối triển khai mọi hoạt động chuyên môn về tiêm chủng vắc xin ComBE Five. Trung tâm cần đẩy mạnh truyền thông về vắc xin này. Đồng thời giám sát, cập nhật thường xuyên quá trình triển khai tiêm vắc xin.
Đối với các Trung tâm Y tế, Phòng Y tế và các Bệnh viện cần thực hiện đầy đủ kế hoạch của Sở Y tế; xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin ComBE Five phù hợp với địa phương, đơn vị; tăng cường giám sát, sàng lọc trước tiêm, theo dõi phản ứng sau tiêm; tăng cường rà soát lại các điểm tiêm chủng, thực hiện nghiêm quy trình tiêm chủng an toàn; cập nhật, báo cáo kết quả kịp thời về Trung tâm kiểm soát bệnh tật và Sở Y tế.
Ngoài ra, các Phòng Y tế cần báo cáo với lãnh đạo huyện kế hoạch tiêm chủng của ngành Y tế; chủ động tham mưu cho UBND huyện trong công tác tiêm chủng; phối hợp với các Trung tâm Y tế và các ban, ngành đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông về tiêm chủng; bố trí cán bộ hỗ trợ chuyên môn cho các Trạm Y tế xã/phường; thành lập đội cấp cứu lưu động xử lý các sự cố bất thường xảy ra,…
Đồng chí Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiếm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh trao đổi thảo luận với các điểm cầu về phương án triển khai tiêm chủng vắc xin ComBE Five tại Quảng Ninh
Cũng tại buổi họp, đồng chí Ninh Văn Chủ - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nhấn mạnh, các đơn vị cần chú ý trong tháng 1/2019 chỉ tiêm trẻ mũi 2 và mũi 3, không tiêm trẻ mũi 1 do thời điểm này đang lạnh không đảm bảo sức khỏe cho trẻ; chỉ tổ chức tiêm vào buổi sáng, không tiêm buổi chiều để các bậc phụ huynh có thời gian theo dõi con em mình; cần giữ ấm cho trẻ trong thời tiết giá lạnh; thực hiện nghiêm việc khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm; nhắc nhở các bậc phụ huynh theo dõi trẻ liên tục sau tiêm, tuyệt đối không để trẻ một mình; cần đặc biệt lưu ý với những trường hợp trẻ  bị lạnh da, lạnh tay chân bởi rất nguy hiểm. Các Bệnh viện, Trung tâm Y tế, Phòng Y tế cần đảm bảo quá trình bảo quản, vận chuyển vắc xin, phải lắc đều vắc xin trước khi sử dụng, không để vắc xin bị đóng băng. Đồng thời lập danh sách các cán bộ tham gia xử trí sốc phản vệ tại đơn vị, thông báo cho người dân biết lịch tiêm chủng và chuẩn bị sẵn sàng cho triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trên địa bàn tỉnh. 
Khuyến cáo về tiêm chủng vắc xin ComBE Five
Sau khi tiêm nếu trẻ có các dấu hiệu dưới đây cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời:
- Tinh thần: Quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lừ đừ,…
- Khó thở: rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch,…
- Sốt cao > 39oC, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ
- Da nổi vân tím, chi lạnh
- Nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú
- Co giật, phát ban, hoặc khi trẻ có biểu hiện bất thường khác khiến cha mẹ lo lắng.

(Nguồn: Ngọc Phượng - Thái Hoàn)

In bản tin