Phòng các bệnh thường gặp mùa đông xuân

Cập nhật: 22/1/2019 | 9:25:24 AM

Tiết trời lạnh, khí hậu lúc khô hanh, lúc lại ẩm ướt, kèm theo các cơn mưa phùn là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh sinh sôi, phát triển. Để giúp bạn đọc có cách bảo vệ sức khỏe, nhất là khi tết cận kề, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh có cuộc trao đổi với bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, về những bệnh có nguy cơ bùng phát trong thời điểm hiện nay.

Mùa đông xuân, các bệnh cúm dễ bùng phát (trong ảnh; Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh)
Mùa đông xuân, các bệnh cúm dễ bùng phát. Trong ảnh: Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Xin bác sĩ cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có những bệnh gì dễ bùng phát thành dịch mà người dân cần đề phòng?

+ Các loại cúm xuất hiện vào tất cả các mùa trong năm, nhưng nhiều nhất vẫn là mùa đông xuân. Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện các ca cúm rải rác, trong đó có chủng cúm A(H1N1), cúm A(H3N2), cúm B... Đặc biệt, dịp tết, việc buôn bán gia cầm tăng mạnh cũng khiến nguy cơ cúm gia cầm có thể lây nhiễm sang người như cúm A(H5), A(H6), A(H8). Hiện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 trên đàn gà 3.000 con tại thôn 3, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, vào ngày 7/1. Đây là lô gà do hộ gia đình mới nhập về chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Lực lượng chức năng huyện Hải Hà tiêu huỷ số  gà mắc cúm gia cầm H5N6 của hộ dân ở  thôn 3, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà.
Lực lượng chức năng huyện Hải Hà tiêu huỷ số gà mắc cúm gia cầm H5N6 của hộ dân ở thôn 3, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà. Ảnh: Việt Hoa

Ngoài cúm, dịch sởi, ho gà cũng đang bùng phát ở các tỉnh, thành phố trong nước. Quảng Ninh mặc dù chỉ xuất hiện lẻ tẻ vài ca, nhưng dịp tết, người dân giao lưu nhiều nên nguy cơ lây nhiễm khá cao, nhất là đối với trẻ em chưa tiêm phòng bệnh. Ngoài ra ở tỉnh còn xuất hiện ca bệnh sốt xuất huyết... Đây là những bệnh dễ bùng phát thành dịch nếu chúng ta không phòng ngừa tốt.

- Còn những bệnh gì cần đề phòng trong mùa đông - xuân, thưa bác sĩ?

+ Ngoài những bệnh dễ bùng phát thành dịch như đã nói trên, vào mùa đông xuân, thời tiết thất thường, lúc nóng, lúc lạnh, mưa... nên người dân cũng nên cẩn trọng hơn với bệnh về xương khớp. Trời lạnh cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh ngoài da, đặc biệt là các bệnh: Mề đay, chàm, nứt gót chân...

Cùng với đó, trong dịp tết, có thể xảy ra tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm không đảm bảo chất lượng vào tiêu thụ; trong khi người dân thường tích trữ lương thực nhiều trong dịp tết với việc bảo quản không đúng cách cũng rất dễ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm và bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Đặc biệt, cần quan tâm đến vấn đề ngộ độc rượu trong dịp tết.

- Làm thế nào để phòng bệnh hiệu quả nhất, thưa bác sĩ?

+ Cách phòng tốt nhất đối với các bệnh truyền nhiễm và các bệnh dễ mắc trong mùa đông xuân, nhất là dịp tết chính là cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ. Với trẻ em cần hạn chế đến những nơi quá đông người. Đeo khẩu trang khi đi đường, tránh những nơi không khí ô nhiễm.

Cần tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung đủ lượng nước cần thiết (từ 1,5 đến 2,5 lít nước/ngày), kết hợp uống thêm các loại nước hoa quả. Giữ gìn vệ sinh ăn uống, vệ sinh nhà cửa. Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ. Hạn chế uống rượu, bia trong dịp tết, với những người mắc bệnh mạn tính cần kiêng hoàn toàn.

Đặc biệt, cần phải giữ ấm cơ thể, tránh lạnh, tránh ẩm, tránh gió lùa... nhất là đối với người già và trẻ em. Duy trì độ ẩm trong phòng. Không sờ vào mắt, mũi, miệng khi tay chưa sạch (giúp hạn chế tối đa sự xâm nhập của các loại vi rút có hại).

Nếu thấy có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần đến các cơ sở y tế khám, chữa kịp thời bởi các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn luôn đảm bảo túc trực cấp cứu 24/24 giờ, kể cả ngày tết.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin