Bệnh dại và cách phòng tránh

Cập nhật: 9/5/2019 | 10:26:47 AM

Bệnh dại là bệnh nguy hiểm, người mắc bệnh khi đã lên cơn dại thì 100% tử vong. Vào mùa hè, nguy cơ bùng phát bệnh dại gia tăng. Để hiểu rõ hơn về bệnh dại và cách phòng chống bệnh dại, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Trần Thị Diệp (ảnh), Phó trưởng Khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, xung quanh vấn đề này.

- Bác sĩ có thể cho biết bệnh dại và những biểu hiện của bệnh dại ở người là như thế nào?

+ Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua chất tiết của động vật mắc bệnh.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều sẽ tử vong.

Bệnh dại có biểu hiện chính ở 2 thời kỳ, là ủ bệnh và toàn phát. Trong thời kỳ ủ bệnh, bệnh dại thường kéo dài từ 10 ngày đến trên 1 năm. Trung bình từ 20 ngày đến 60 ngày. Tuỳ vào số vết cắn, vị trí cắn gần thần kinh trung ương và gần mạng lưới thần kinh (đầu, mặt, cổ, bàn tay, bộ phận sinh dục) thì thời kỳ ủ bệnh sẽ ngắn hơn.

Thời kỳ toàn phát có 2 thể bệnh dại là thể hung dữ và thể liệt. Bệnh dại thể hung dữ chiếm 70-80% các trường hợp dại, với biểu hiện rối loạn ý thức, điên cuồng, sợ nước, sợ gió, khát không dám uống, chỉ nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng nước chảy cũng gây tăng co thắt họng và rất đau. Tình trạng co thắt này tăng lên mỗi khi có kích thích dù rất nhỏ, có tình trạng kích thích sinh dục (xuất tinh tự nhiên). Tất cả các triệu chứng trên xuất hiện thành từng cơn, ngày càng dầy hơn, mạnh hơn. Bệnh nhân có thể có lúc tỉnh táo giữa các cơn. Các triệu chứng nặng dần lên và tử vong trung bình sau 3 đến 5 ngày do ngừng hô hấp và ngừng tim.

Còn bệnh dại thể liệt thường khởi phát đầu tiên tại chi bị cắn rồi lan dẫn sang tất cả các chi, hầu họng, cơ mặt, cơ hô hấp và tử vong sau 4 đến 12 ngày. Bệnh dại khi đã lên cơn, tỉ lệ tử vong gần như 100%. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

- Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, vậy cách xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn như thế nào, thưa bác sĩ?

+ Ngay khi bị động vật cắn cần tiến hành xử trí vết thương ngay, xử trí đúng cách đã giúp phòng bệnh đến 50%. Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn, vết cào trong 15 phút với nước và xà phòng hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 700 hoặc cồn iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.

Không băng kín hoặc khâu kín vết thương, đối với các vết thương rách rộng thực hiện khâu ngắt quãng hoặc khâu chỉ chờ. Sau đó, người bị động vật cắn, cào cần phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại. Người bệnh tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa dại. Tiêm phòng uốn ván, chống nhiễm trùng bằng kháng sinh trong trường hợp cần thiết.

Bệnh dại
Chó là nguồn lây lan vi rút bệnh dại, một bệnh nguy hiểm và chưa có thuốc đặc trị, do đó tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh.

- Bác sĩ có thể cho biết các biện pháp phòng, chống bệnh dại?

+ Người dân nên thực hiện 5 không: Không nuôi chó, mèo không tiêm phòng dại; không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó thả rông; không nuôi chó mèo, mèo gây ô nhiễm môi trường; không để chó, mèo cắn người.

Những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại thực hiện tiêm phòng trước phơi nhiễm và những người phơi nhiễm với động vật bị dại hoặc nghi dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin và kháng huyết thanh. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó, tiêm phòng vắc xin và kháng huyết thanh là biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin