Bệnh viện Bãi Cháy phẫu thuật cứu sống thành công bệnh nhân có vết thương tim nguy kịch

Cập nhật: 19/7/2019 | 6:01:35 PM

Bệnh viện Bãi Cháy vừa phẫu thuật cứu sống nam bệnh nhân 39 tuổi có vết thương tim vùng tâm thất trái, vết thương thấu phổi trong tình trạng nguy kịch. Đây là trường hợp tối cấp cứu ngoại khoa, nếu không chẩn đoán và xử trí kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong ngay tức thì.

Vào 14h39’ ngày 16/7/2019, anh N.H.T (Sinh năm 1980, trú tại Quảng Ninh) được đưa đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, đồng tử giãn 4mm, kèm theo có vết thương lớn vùng ngực trái. 

Phẫu thuật xử trí vết thương tim

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu, hồi sức tim, phổi, lấy lại được nhịp tim cho bệnh nhân. Khám vùng ngực trái có vết thương nghi do vật sắc nhọn đâm vào kích thước khoảng 4cm ở vùng tam giác tim. Kíp cấp cứu tiến hành hội chẩn ngay với các bác sĩ chuyên khoa thống nhất chẩn đoán: Vết thương tim do bị đâm. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển thẳng vào phòng mổ.
Ca phẫu thuật xử trí vết thương tim do kíp bác sĩ CKII Lê Ngọc Dũng, BSNT Hoàng Minh Tuân, Bác sĩ CKI. Hoàng Văn Quyết – Khoa Ngoại Thần kinh  - Lồng ngực tiến hành có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực & Chống độc. Ca phẫu thuật  kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ.  Hơn 20 giờ sau mổ, bệnh nhân hồi tỉnh, qua cơn nguy kịch và được chăm sóc hậu phẫu tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe phục hồi tốt, có thể giao tiếp, ăn uống bình thường và xuất viện trong khoảng 3 - 4 ngày tới.
“Trường hợp vết thương tim  do vật sắc nhọn đâm vào của bệnh nhân N.H.T là một trong những tối cấp cứu ngoại khoa. Kích thước vết thương tim khoảng 4cm, rách thành trước thất trái, chảy máu rất nhiều, lượng máu trong khoang màng phổi khoảng hơn 2000ml, vết thương thấu thùy dưới phổi trái khoảng 3cm, gãy hai đoạn xương sườn số 5. Quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền lượng máu lớn lên tới hơn 12 đơn vị máu (khoảng hơn 3 lít máu). Đây là những tổn thương rất nghiêm trọng có thể khiến ngừng tim nhanh chóng, không thể phục hồi. Do đó, ca phẫu thuật vết thương tim rất phức tạp, độ khó cao, đòi hỏi phải có phẫu thuật viên chuyên khoa, giàu kinh nghiệm, có khả năng phải khâu vết thương một cách khẩn trương, đúng kĩ thuật trên quả tim đang đập. Ê kíp bác sĩ phẫu thuật, gây mê, hồi sức phải phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo tim không ngừng đập và bệnh nhân không bị chết não”.- Bác sĩ nội trú Hoàng Minh Tuân – Bệnh viện Bãi Cháy đánh giá.

Bệnh nhân vết thương tim hồi phục tốt sau phẫu thuật

Bác sĩ CKI Hoàng Văn Quyết – Bệnh viện Bãi Cháy cho biết thêm: “Bệnh nhân bị chấn thương và vết thương tim có nguy cơ tử vong cao nên phải được chẩn đoán chính xác, phẫu thuật cấp cứu một cách nhanh nhất là phương pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân kết hợp với việc truyền máu kịp thời. Rất nhiều bệnh nhân được cứu sống nhưng chết não do thiếu máu kéo dài. Trường hợp bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng sau phẫu thuật như bệnh nhân N.H.T rất hiếm. Vì vậy, bệnh nhân có vết thương tim phải được cấp cứu ở bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ cùng đội ngũ phẫu thuật viên chuyên khoa tim mạch – lồng ngực trình độ cao, giàu kinh nghiệm”.
Ca phẫu thuật vết thương tim cho bệnh nhân N.H.T thành công đã khẳng định năng lực cấp cứu tại chỗ kịp thời, hiệu quả của các bác sĩ tại Quảng Ninh. Qua đó nâng cao tỷ lệ cứu sống bệnh nhân từ các ca bệnh nặng, phức tạp, tiếp thêm niềm tin cho người bệnh vào chất lượng dịch vụ y tế của tỉnh.

(Nguồn: Mạc Thảo – Hoàng Văn Quyết – Đình Hải)

In bản tin