Phòng ngừa tự sát

Cập nhật: 8/10/2019 | 10:02:12 AM

Từ năm 1992, ngày 10 tháng 10 được Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới (WFMH) lựa chọn là ngày Sức khoẻ Tâm thần Thế giới. Hàng năm nhân hưởng ứng ngày 10/10, để nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần, nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động về lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Chủ đề của ngày 10 tháng 10 năm 2019 là “Phòng ngừa tự sát - Suicide prevention”

Tự sát là gì?
Tự sát (suicide) có nghĩa là tự giết mình hay tự tử, tự vẫn, đó là hành động của một người cố ý gây ra cái chết cho chính mình. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng từ 800 nghìn đến 1 triệu người chết do tự sát, trung bình cứ 40 giây lại có một người chết tự sát. Tỷ lệ toan tự sát còn cao hơn gấp tới 20-25 lần so với số người chết vì tự sát. Trong đó 78% các ca tự sát xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Cũng theo WHO, ở Việt Nam có khoảng mỗi năm có khoảng 36.000 - 40.000 người tự sát, với 5.000 người chết do tự tử vì bệnh trầm cảm.
Hiện nay, tự sát là nguyên nhân đứng thứ 13 gây ra tử vong trên toàn thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thanh thiếu niên và người trưởng thành dưới 35 tuổi. Tỷ lệ tự sát ở nam giới cao hơn so với nữ giới, trong khi đó toan tự sát thường ở nữ giới nhiều hơn. 
Vấn đề tự sát trước nay được xem như một vấn đề xã hội, ít được mọi người chú ý, nhưng mức độ nghiêm trọng của nó cũng không kém phần dịch bệnh cướp đi sinh mạng con người. Tự sát không còn là vấn đề riêng tư của mỗi cá nhân, mỗi gia đình nữa mà đã trở thành vấn đề toàn cầu cùng với sự chung tay của nhiều chính phủ.
Tuy nhiên, tự sát là vấn đề hoàn toàn có thể ngăn ngừa và chặn đứng được nếu các biện pháp phòng ngừa tự sát tích cực, phát hiện sớm các dấu hiệu của tự sát, điều trị và theo dõi các bệnh tâm thần, bệnh nan y nhằm ngăn chặn các nguy cơ của hành vi tự sát ở người bệnh.

Bác sĩ bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh tư vấn cho bệnh nhân trầm cảm

Nguyên nhân dẫn tới tự sát?
Tự sát thường có mối liên quan chặt chẽ với trạng thái tâm lý tuyệt vọng trong các tình huống căng thẳng quá sức, stress kéo dài trong cuộc sống (khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ; đổ vỡ trong tình cảm, tình yêu; mâu thuẫn với gia đình, bạn bè; mắc bệnh cơ thể nặng, nan y; bị oan ức) hoặc do một số rối loạn tâm thần gây ra bao gồm trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, nghiện rượu và lạm dụng ma túy (đặc biệt là ma túy tổng hợp). 
Những cảm giác chung dẫn đến cái chết ở những người trầm cảm là sự đau đớn thất vọng, ý nghĩ tội lỗi, cảm thấy cuộc sống không còn giá trị, không có lối thoát. Một số trường hợp có biểu hiện các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng bị chi phối, hoang tưởng bị tội hoặc ảo thanh xui khiến, ra lệnh dẫn tới hành động tự sát của người bệnh. Sự tách biệt xã hội, bạo lực gia đình, tiền sử gia đình có người tự sát, bệnh lý cơ thể, thời kỳ thai sản và tình trạng lạm dụng, nghiện rượu, nghiện ma túy cũng làm tăng nguy cơ tự sát. 
Có nhiều phương thức tự sát như treo cổ, nhẩy cầu, dùng dao, súng đạn, thuốc ngủ và sử dụng các hóa chất nông sản như thuốc trừ sâu, thuốc diệt rầy, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột là phổ biến ở Việt Nam.
Để giúp đỡ người này từ bỏ ý định tự sát, các chuyên gia y tế khuyến cáo:
Tìm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ gia đình, bạn bè của họ; liên lạc với các chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội, để cùng với nhân viên y tế có các biện pháp trị liệu phù hợp.  Hãy nói một cách chân thành cho họ hiểu bạn rất quan tâm tới họ và họ không cô đơn. Lắng nghe họ và khuyến khích họ nói ra, trút bỏ những nỗi đau, sự giận dữ, điềm tĩnh, chấp thuận những lời họ nói mà không phán xét, không tranh luận đúng sai về những gì họ đang nói. Tạo niềm tin, hy vọng cho họ để họ nhận ra rằng căng thẳng, trầm cảm chỉ là tạm thời, xung quanh họ còn nhiều sự giúp đỡ, còn nhiều người thân, nhiều việc quan trọng với họ và cuộc sống của họ rất có ý nghĩa. Hãy chủ động và tự tin vào khả năng giúp đỡ, cứu chữa của bạn sẽ ngăn chặn được tự sát, chủ động gọi điện hoặc tới thăm người có ý định tự sát để giúp đỡ họ. Khuyến khích họ thay đổi lối sống lành mạnh, lạc quan, như lôi kéo họ vào các hoạt động thể dục thể thao, ăn, ngủ điều độ, không sử dụng các chất kích thích. Cung cấp cho họ những thông tin, địa chỉ cần thiết để khi gặp khó khăn bế tắc họ có thể liên lạc tìm kiếm sự giúp đỡ. Di chuyển họ tránh xa những đồ vật có thể giúp tự sát như dao, kéo, nhà cao tầng, thuốc ngủ... Tiếp tục theo dõi, giúp đỡ họ kể cả khi họ nói không còn ý tưởng tự sát nữa. Họ rất cần sự gần gũi, giúp đỡ của mọi người xung quanh để cần bằng cuộc sống. Tự sát là một cấp cứu thuộc chuyên khoa Tâm thần, cần phải nhập viện điều trị nội trú dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế, việc phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời các ý tưởng và hành vi tự sát có tầm quan trọng đặc biệt để giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân này. Cần khai thác tiền sử tâm lý và rối loạn tâm thần, các biểu hiện tâm lý và tâm thần hiện rõ và tiềm ẩn, ý tưởng tự sát, kế hoạch tự sát, hành vi tự sát; đặc biệt chú ý phát hiện các hoang tưởng bị tội và ảo thanh mệnh lệnh thúc đẩy hành vi tự sát. Tùy theo nguyên nhân dẫn tới ý tưởng và hành vi tự sát mà có các phương pháp điều trị cho phù hợp như thuốc, trị liệu tâm lý, sốc điện não, kích thích từ xuyên sọ,... Đối với các nguyên nhân tâm lý, việc trị liệu tâm lý (liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp hành vi biện chứng) có thể được áp dụng; trị liệu tâm lý giúp cho có tác dụng nâng đỡ tâm lý, đồng thời cung cấp những kỹ năng để bệnh nhân ứng phó với những stress có thể xảy ra và ngăn ngừa nguy cơ tái phát. Phải duy trì việc điều trị lâu dài đều đặn bằng thuốc và tâm lý trị liệu đối với các rối loạn tâm thần; đồng thời thực hiện việc phục hồi chức năng tâm lý xã hội, nghề nghiệp, giúp người bệnh tái hòa nhập gia đình và cộng đồng. Đồng thời phải điều trị tích cực các bệnh cơ thể đồng thời nếu có (khối u, tiểu đường, tim mạch,...). Người bệnh phải tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và không tự ý dừng thuốc, tránh sử dụng rượu bia và chất kích thích, đặc biệt là ma túy; khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, tập luyện. Nếu phát hiện trường hợp đã có hành vi tự sát, phải xử trí can thiệp khẩn cấp tùy theo từng tình huống cụ thể như nhanh chóng đưa người bệnh ra khỏi khu vực nguy hiểm như cắt dây treo cổ, đưa bệnh nhân lên trên cạn, dập lửa, cắt nguồn điện,…; tiến hành cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản, cầm máu, gây nôn; xử trí các thương tích (nếu có); trường hợp quá khả năng thì nhanh chóng vận chuyển người bệnh đến các bệnh viện đa khoa để cấp cứu kịp thời. Sau khi qua cơn nguy kịch thì điều trị theo nguyên nhân.
Tự sát là một cái chết có thể được ngăn chặn, điều quan trọng đối với mỗi chúng ta là không ngừng quan tâm, chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm thần của bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng để phòng ngừa các bệnh rối nhiễu tâm trí và bệnh tâm thần.
 

(Nguồn: Vũ Minh Hạnh - BV BVSKTTQN)

In bản tin