Những điều cần biết về Đái tháo đường

Cập nhật: 14/11/2019 | 8:32:03 AM

Đái tháo đường (ĐTĐ) được coi là một trong những bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường. Điều đáng chú ý là 65% số người mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán và trong số những người đã phát hiện bệnh thì chỉ có gần 29% được điều trị tại các cơ sở y tế. Đái tháo đường gây ra những biến chứng như bệnh: mù lòa, suy tim, suy thận, hoại tử chi…thậm chí là đột quỵ. Để có thêm thông tin về Đái tháo đường, cũng như các biện pháp phòng tránh, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hậu, Khoa Kiểm soát Bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh về vấn đề này.

PV: Xin chào bác sĩ. Xin bác sĩ cho biết bệnh Đái tháo đường là gì?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hậu: Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là một rối loạn chuyển hoá  không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về Insulin và hoạt động của Insulin hoặc cả hai. Tăng gulucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbonhydrat, protide, lipide, gây tổn thương nhiều ở cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt và thần kinh.
Đái tháo đường bao gồm có 4 loại: Đái tháo đường týp 1; Đái tháo đường týp 2; Đái tháo đường thai kỳ; Các týp đái tháo đường đặc biệt với các nguyên nhân được xác định rõ ràng (Các bệnh tụy ngoại tiết, các bệnh do nội tiết, do thuốc, do hóa chất, do nhiễm trùng, các dạng đái tháo đường qua trung gian miễn dịch hiếm gặp, các hội chứng di truyền hiếm gặp đôi khi kết hợp với đái tháo đường).

Thực đơn lành mạnh dành cho người bị tiểu đường

PV: Đái tháo đường được coi là căn bệnh diễn biến âm thầm, dấu hiệu nào cảnh báo bệnh ĐTĐ, làm thế nào để phát hiện bệnh sớm, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hậu: Bệnh đái tháo đường thường diễn biến từ từ, âm thầm, không có các triệu chứng rõ ràng.Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhận biết qua những biểu hiện như sau: Người cảm thấy mệt mỏi thường xuyên, hay bị tỉnh giấc giữa đêm; Tiểu nhiều, khát nước nhiều; Nhanh đói, giảm cân không kiểm soát, không rõ lý do; Vết thương lâu lành. Đặc biệt nếu không may bị nhiễm tùng, xước, thâm tím, nếu thấy vết thương khó lành hơn mức độ bình thường rất có thể đó là dấu hiêu bệnh tiểu đường; Mắc các bệnh về da, da có cảm giác ngứa, da bị khô hoặc tuần hoàn kém; Mờ mắt; Nhiễm nấm do tiểu đường khiến cơ thể rất nhậy cảm với các viêm nhiễm, phổ biến là nấm candida và các loại nấm khác; Dễ bị cảm cúm và cảm lạnh do hệ thống miễn dịch bị suy yếu; Ngứa ran hoặc đau bàn tay, bàn chân,
Để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm soát đường huyết tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, cần kiểm tra các chỉ số như mỡ máu, chức năng gan, thận...để phòng tránh và điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng của bệnh.
PV: Xin bác sĩ cho biết các phương pháp điều trị bệnh Đái tháo đường hiện nay?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hậu: Điều trị đái tháo đường cần phối hợp nhiều phương pháp như: dinh dưỡng, tập luyện và sử dụng thuốc. Muốn đường huyết được kiểm soát tốt, chúng ta cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, vận động thể lực thường xuyên và dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Nguyên tắc chung: Điều trị ĐTĐ là 1 “cam kết suốt đời”. Tiêm Insulin là liệu pháp bắt buộc với người đái tháo đường týp 1, do tuyến tụy không sản sinh đủ lượng Insulin cần thiết. Ở người đái tháo đường týp 2, bác sĩ có thể cân nhắc và yêu cầu người bệnh tiêm Insulin. Cả 2 týp đều phải kết hợp theo dõi glucose máu, giữ thói quen sống lành mạnh về dinh dưỡng và hoạt động thể chất để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
Điều trị bằng chế độ dinh dưỡng: Nguyên tắc cơ bản về chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường là hạn chế gluxit (chất bột đường) để tránh tăng đường huyết sau khi ăn và hạn chế vừa phải chất béo nhất là các axit béo bão hoà để tránh rối loạn chuyển hoá, duy trì cân nặng hợp lý và đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khoẻ để hoạt động. Chế độ ăn của người bệnh phải xây dựng sao cho cung cấp cho cơ thể người bệnh một lượng đường tương đối ổn định và quan trọng nhất là phải điều độ và hợp lý về giờ giấc và số lượng thức ăn trong các bữa chính và phụ.
Điều trị bằng chế độ vận động: Các hoạt động thể chất không chỉ giúp duy trì cân nặng thích hợp mà còn giúp vận chuyển lượng đường tới các tế bào để chuyển hóa thành năng lượng, tăng độ nhạy của cơ thể người bệnh với insulin. Bằng cách vận động, cơ thể sẽ cần ít lượng insulin hơn để vận chuyển đường. Dù phương pháp điều trị tiểu đường ở mỗi người là khác nhau nhưng việc tập thể dục, chơi thể thao khoảng 30 phút mỗi ngày có thể giúp kiểm soát tình trạng tiểu đường. Hãy trao đổi với bác sĩ để lập ra một chương trình luyện tập phù hợp với độ tuổi và thể trạng của bạn. 
Điều trị bằng thuốc: ĐTĐ týp 1 điều trị bằng Insulin đường tiêm là bắt buộc; ĐTĐ týp 2: Tùy bệnh cảnh của từng người bệnh mà quyết định phương pháp điều trị. 
Thuốc lựa chọn ban đầu của chế độ đơn trị liệu nên dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI), nếu BMI < 23 nên chọn thuốc nhóm sulfonylurea, nếu BMI từ 23 trở lên, nên chọn nhóm metformin.
Sau một thời gian mắc bệnh, nếu không ổn định tốt glucose máu, giảm sút khả năng sản xuất Insulin, cần phải bổ sung Insulin đường tiêm để kiểm soát glucose máu một cách đầy đủ.
Song song với 3 phương pháp điều trị trên, người bệnh cần thường xuyên theo dõi glucose máu để đảm bảo glucose máu duy trì trong giới hạn mục tiêu. Theo khuyến cáo của ADA (2012): Tự theo dõi glucose máu nên được thực hiện ít nhất 3 lần/ngày ở những bệnh nhân điều trị nhiều mũi Insulin trong ngày hoặc điều trị bằng bơm Insulin dưới da. Đối với những bệnh nhân điều trị bằng Insulin ít mũi tiêm, điều trị bằng thuốc uống, hoặc chế độ ăn đơn thuần tự theo dõi glucose máu rất hữu ích trong việc hướng dẫn điều trị.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm bệnh Đái tháo đường

PV: Để phòng tránh bệnh Đái tháo, bác sĩ có khuyến cáo gì cho cộng đồng?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hậu: ĐTĐ týp 1 đến nay chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả và tiêm Insulin là liệu pháp bắt buộc. Đối với ĐTĐ týp 2 có thể dự phòng bằng thói quen, lối sống lành mạnh. Đây là một điều vô cùng cần thiết không chỉ đối với người có nguy cơ cao mắc ĐTĐ mà cả với những người có sức khỏe bình thường.
Người bệnh cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý: Uống đủ 2-3 lít nước lọc mỗi ngày, hạn chế tối đa các loại đồ uống có đường; ăn nhiều rau củ, trái cây tươi; cân đối tinh bột - protein - lipid trong bữa ăn; ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, không ăn quá no cũng không để quá đói, hạn chế đồ ăn nhanh; bổ sung một số thực phẩm giúp kiểm soát đường huyết tốt như mướp đắng, súp lơ xanh, quế, nghệ, trà xanh,…; Giữ cơ thể cân đối; Tăng cường vận động thể lực: dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động thể chất; Không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia.
Khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm bệnh ĐTĐ. Đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ như: Từng được xác định rối loạn đường huyết và lipid máu; thừa cân, béo phì; ít vận động thể chất; mắc bệnh lý tim mạch; có người thân trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường týp 2; phụ nữ từng mặc đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con cân nặng trên 4kg,…
PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ thông tin hữu ích!

(Nguồn: Ngọc Phượng)

In bản tin