Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Cập nhật: 27/5/2020 | 7:10:16 PM

Ngộ độc thực phẩm gây hại cho sức khỏe, thậm chí trong trường hợp ngộ độc nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu người bệnh không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Vào thời điểm mùa hè, ngộ độc thực phẩm thường có xu hướng gia tăng, vậy là thế nào để chủ động phòng tránh nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Thiện – Phó Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết về tình hình ngộ độc thực phẩm từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh? 
Ông Vũ Quang Thiện: Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm.
Vụ thứ nhất vào ngày 2/4/2020, tại gia đình gồm 5 người ở tổ 22 khu Bí Giàng phường Yên Thanh thành phố Uông Bí. Theo kết quả chẩn đoán cả 5 người bị ngộ độc con so biển. Sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí các bệnh nhân đã ổn định và đều đã được xuất viện.
Vụ ngộ độc thứ hai, với 25 người mắc do ăn món kem trứng được chế biến tại Tiệm kem trứng 19XX (số 66 khu 2, phường Trần Phú, thành phố Móng Cái) trong các ngày 13-14/5/2020.  Các bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân do vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphyloccocus aureus/Bacillius serius). 25 bệnh nhân đã được Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái cấp cứu kịp thời, đến 20/5 các bệnh nhân được xuất viện. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống gây ngộ độc chưa có giấy đăng ký kinh doanh, chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện và đã tạm thời đóng cửa ngừng hoạt động. 
Như vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. So với cùng kì năm 2019, ngộ độc thực phẩm năm nay có sự gia tăng không đáng kể về số vụ (tăng 01 vụ/23 người mắc).
Phóng viên: Vào mùa hè thường có xu hướng gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm, thưa ông?
Ông Vũ Quang Thiện: Mùa hè thời tiết nóng ẩm – đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn và động thực vật chứa độc tố tự nhiên. Vào mùa hè thì nhiều nơi còn thiếu nước để sinh hoạt và tình trạng ô nhiễm môi trường cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Các yếu tố khách quan trên kết hợp với các yếu tố chủ quan như: Sở thích ăn các thực phẩm tươi sống hoặc không qua gia nhiệt kỹ; nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ, trang thiết bị bảo quản thực phẩm không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh;… là nguy cơ dẫn đến gia tăng ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm. 

Công tác đảm bảo an toàn VSTP được các cơ quan tăng cường kiểm tra giám sát trong thời gian qua(Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Phóng viên: Mùa hè cũng là thời điểm gia tăng về số lượng khách thăm quan, du lịch. Do đó, các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống phát triển mạnh. Thực trạng này ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thưa ông?  
Ông Vũ Quang Thiện: Các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, đồ ăn nhanh, quầy hàng ăn uống nếu không đảm bảo thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm thì rất dễ dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.
Trong thời điểm hiện nay, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố tiếp tục hoạt động trở lại, nguy cơ mất an toàn thực phẩm càng tăng cao, do: Thực phẩm được tích trữ lâu ngày, quá hạn sử dụng; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ và con người chưa ổn định, quy trình chế biến thực phẩm, phục vụ khách ăn uống theo quy định về an toàn thực phẩm chưa thực hiện đầy đủ…
Phóng viên: Vậy để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, ông có khuyến cáo gì cho người dân?
Ông Vũ Quang Thiện: Để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, người dân cần lưu ý:
Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị hư hỏng, ôi thiu, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến. Không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như: Nấm độc, côn trùng lạ, cá nóc, so biển, ốc lạ, quả lạ…
 Người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản trong bảo đảm an toàn thực phẩm như : Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Thực hiện ăn chín, uống chín.
 Không ăn uống tại các cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm hoặc chỉ chọn những địa điểm ăn uống cố định, có đủ điều kiện về trang thiết bị dụng cụ và đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, phục vụ. Không nên vì rẻ mà lựa chọn ăn những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ hạn sử dụng vì sẽ dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng và sức khoẻ bản thân.
 Bên cạnh đó,  người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
 

(Nguồn: Hải Ninh)

In bản tin