Sốt xuất huyết: Đừng để mắc mới thấy sợ!

Cập nhật: 13/6/2020 | 5:57:40 PM

Năm 2020, phường Hồng Hà thuộc thành phố Hạ Long là một trong 7 xã/phường trọng điểm trên địa bàn tỉnh được Sở Y tế Quảng Ninh phê duyệt thực hiện điều tra, giám sát véc tơ sốt xuất huyết định kỳ hàng tháng. Bởi năm 2019, nơi đây từng là ổ dịch sốt xuất huyết khiến 78 người mắc.

Ám ảnh vì mắc sốt xuất huyết
Trở lại ổ dịch sốt xuất huyết tại tổ 1 khu 4 phường Hồng Hà cùng Đoàn giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Y tế và Phòng Y tế thành phố vào ngày 11/6/2020. Chúng tôi gặp lại những bệnh nhân từng bị mắc sốt xuất huyết. Họ giờ đã khỏe. Nhưng nỗi sợ hãi vì căn bệnh sốt xuất huyết vẫn ám ảnh họ. “Cảm giác thật sự sợ hãi, cơ thể phát ban, mệt mỏi, ngồi không ngồi được, nằm không nằm được. Tôi và con gái tôi đều bị mắc. Hàng xóm cũng có 3 mẹ con mắc sốt xuất huyết, họ còn bị nặng hơn chúng tôi, xuất huyết ra nhiều máu lắm”  bà Nguyễn Thị Bạch Yến - người dân trong tổ chia sẻ.

Cán bộ y tế giám sát ổ bọ gậy tại nhà dân

Một trường hợp khác, bà T.T.D từng bị mắc sốt xuất huyết từ ổ bọ gậy nguồn ở chính vườn rau của gia đình. Nỗi sợ với căn bệnh này khiến bà không dám trồng rau trong một thời gian dài. Đến nay, hiểu rõ thông điệp “không có nước đọng - không có bọ gậy - không có sốt xuất huyết” vườn rau của bà đã khác hẳn trước, các dụng cụ xô chậu tưới rau đều được úp lại sau khi dùng.
Từ nỗi ám ảnh đến sự thay đổi lớn
Đi vòng quanh các ngõ xóm và vào thăm hơn 30 hộ dân trong tổ, chúng tôi thấy mừng vì người dân ở đây hiểu rất rõ về các nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết. Hầu hết các nhà chúng tôi vào thăm đều thoáng mát, sạch sẽ. Ths. Nguyễn Thị Bích Hường – Trưởng khoa Ký sinh trùng và Côn trùng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành viên đoàn giám sát cho biết: “Nhân dân đã có sự thay đổi nhận thức về phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Phế thải, rác thải đã giảm rất nhiều so vụ dịch năm 2019. Các dụng cụ chứa nước đã được lật úp hoặc đậy nắp. Tại các khu vườn đất trống các hộ trồng rau đã có ý thức không tích trữ nước tưới. Tỷ lệ muỗi trong nhà dân giảm rõ rệt so với vụ dịch năm 2019.”

Bà Vũ Thị Hồng Tiến - Tổ trưởng Tổ 1 khu 4 phường Hồng Hà chia sẻ về  phương pháp truyền thông phòng chống dịch Sốt xuất huyết qua phần mềm Zalo nhóm

Bà Vũ Thị Hồng Tiến – Nguyên là Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản thành phố Hạ Long, sau khi về hưu được người dân trong tổ bầu làm tổ trưởng dân phố từ tháng 1/2020. Phát huy năng lực quản lý và khả năng truyền thông của mình, bà Tiến chỉ đạo tổ dân cùng các tổ chức hội phụ nữ, thanh niên phối hợp với cán bộ y tế của phường vận động bà con trong tổ thường xuyên dọn vệ sinh, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, tổ chức các đoàn kiểm tra nhắc nhở những hộ chưa thực hiện tốt, động viên bà con làm tốt.
Đặc biệt, nhờ việc thành lập nhóm Zalo của tổ gồm ít nhất là một thành viên trong mỗi gia đình do Tổ trưởng quản lý nên việc cung cấp các thông tin, văn bản của phường, của thành phố được triển khai nhanh chóng đến các hộ dân. Đồng thời, các thông tin phản ánh của người dân cũng được Tổ trưởng nắm bắt kịp thời để giải quyết. Cũng nhờ giải pháp này mà công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết được triển khai thuận lợi hơn. 
Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết
Phường Hồng Hà là một trong những phường có tốc độ phát triển kinh tế nhanh với mật độ dân cư đông đúc, xen kẽ giữa các khu đô thị còn có các xóm chài và dân lao động tạm trú sinh sống.  Do đó, nếu mỗi hộ dân không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, để loài muỗi vằn có cơ hội sinh sản và phát triển thì khả năng bị nhiễm và lây truyền bệnh sốt xuất huyết rất cao. Hiểu rõ vấn đề này nên bà Tiến luôn trăn trở về việc trong tổ vẫn còn hộ dân chưa thực hiện tốt việc phòng bệnh sốt xuất huyết. Bà chia sẻ: “Sau đợt dịch năm ngoái, hầu hết người dân trong tổ đều thay đổi hẳn thói quen sinh hoạt, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không để nước đọng, rác thải cũng thu gom đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn 2 hộ dân chưa làm tốt đây là vấn đề “đau đầu” của tổ. Vì quan điểm sai lầm: “Bao nhiêu năm nhà tôi sống vẫn thế, hàng xóm bị mắc bệnh chứ nhà tôi có bị đâu” của hộ dân này mà chúng tôi đi tuyên truyền rất khó.” 

Các vật dụng chứa nước lâu ngày là nơi thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản phát triển

Đoàn công tác đã phối hợp cùng tổ dân khu phố đi kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay khu vực có dụng cụ chứa nước không đậy nắp, diệt các ổ bọ gậy nguồn của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời tuyên truyền cho nhân dân về biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết. 
Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 7/6/2020, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết. Ở miền Bắc nước ta từ ngày 1/6 đến 7/6/2020 đã ghi nhận 17 ca mắc sốt xuất huyết mới, cộng dồn số ca mắc từ đầu năm 2020 là 512 ca, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2019 (802 ca). 
Hiện nay đang là đầu mùa dịch và vào khoảng tháng 7 đến tháng 11 hàng năm sẽ là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng các ca bệnh mắc sốt xuất huyết nếu mỗi người dân không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. 

(Nguồn: Hải Ninh)

In bản tin