“Nghề bắt muỗi”- Chuyện chưa kể

Cập nhật: 17/6/2020 | 8:21:03 AM

Hoạt động điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh hay gọi vui là “Nghề bắt muỗi” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của khoa Ký sinh trùng - Côn trùng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh. Với đặc thù công việc, các cán bộ trong khoa thường xuyên phải đi thực địa, nhiều khi từ sáng sớm đến nửa đêm. Môi trường làm việc độc hại và có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Khống chế các bệnh lây truyền qua muỗi đốt
Tại tỉnh Quảng Ninh, trong những năm gần đây dịch bệnh sốt xuất huyết được khoanh vùng và xử lý kịp thời, không để bùng phát dịch. Bệnh Viêm não Nhật Bản trong 2 năm gần đây không có ca dương tính. Bệnh Sốt rét không có ca dương tính trong nhiều năm và Quảng Ninh là một trong những tỉnh đang được loại trừ bệnh sốt rét,... Đây là thành quả nỗ lực khống chế đẩy lùi các dịch bệnh do muỗi gây ra của những cán bộ làm công tác y tế dự phòng qua các thế hệ. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của những cán bộ “ bắt muỗi”, luôn tiên phong bám sát thực địa, điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh do ký sinh trùng, côn trùng.

Cán bộ khoa Ký sinh trùng - Côn trùng điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh tại các địa phương

Để đánh giá và dự báo được các yếu tố nguy cơ gây dịch như: Sốt xuất huyết, Zika, Viêm não Nhật Bản B, Sốt rét... hàng tháng, các cán bộ của khoa Ký sinh trùng - Côn trùng phối hợp cùng các cán bộ y tế cơ sở đi điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh tại các xã, phường trọng điểm và các xã phường có ca bệnh dương tính. Họ đi đến từng hộ gia đình để bắt muỗi, bọ gậy và cùng nhân dân lật úp các dụng cụ chứa nước, tuyên truyền cho nhân dân thu gom phế thải và các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh sản phát triển. Môi trường làm việc lại độc hại bởi những khu vực phế thải, rác thải, nước đọng lâu ngày,... là nơi xuất hiện các ổ bọ gậy nguy cơ lây nhiễm bệnh khi có dịch rất cao.
Ths Nguyễn Thị Bích Hường - Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: “Luôn xác định nhiệm vụ chuyên môn của khoa là một trong những khoa đầu sóng ngọn gió trong công tác phòng chống dịch bệnh ký sinh trùng - côn trùng. Tất cả cán bộ trong khoa chúng tôi nỗ lực hết lòng vì công việc, không ngại gian khổ, sẵn sàng khi có lệnh là lên đường. Bất kể thời gian, đáp ứng nhanh, kịp thời trong mọi điều kiện, góp phần khoanh vùng, khống chế đẩy lùi dịch bệnh đảm bảo sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.”

Chuyên gia phân biệt muỗi
Gắn bó với “nghề bắt muỗi” từ năm 1987, kỹ thuật viên Nguyễn Thành Nam, cán bộ khoa Ký sinh trùng - Côn trùng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chia sẻ: “Mỗi loài muỗi gây bệnh Sốt xuất huyết, Viêm não Nhật Bản hay Sốt rét,... lại có đặc điểm về hình dáng và tập tính khác nhau.Ví dụ như: bệnh Sốt xuất huyết là do muỗi Aedes cái truyền bệnh, muỗi Aedes có kích thước tương đối nhỏ, màu đen, đặc biệt có những đốm vẩy trắng phân bố ở khắp cơ thể, loài muỗi này thường gọi là muỗi vằn.  Ở Việt Nam phát hiện có 2 loài muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết là Ae. aegypti và Ae.albopictus. Nhưng muỗi Ae. Aegypti là véc tơ chính truyền bệnh Sốt xuất huyết dengue. Muỗi Aedes aegypti trú đậu chủ yếu ở nơi tối trong nhà, ngược lại Aedes albopictus ưa thích trú đậu chủ yếu ở các lùm cây, bụi cỏ ngoài nhà...”.  
Kỹ thuật viên Nam kể: với 33 năm kinh nghiệm trong nghề thì bây giờ chỉ cần nhìn hình dáng bơi của bọ gậy, vị trí và kiểu đậu của muỗi anh cũng có thể phân biệt chính xác được loài muỗi truyền bệnh. 

Cán bộ khoa Ký sinh trùng - Côn trùng thuộc CDC Quảng Ninh  thực hiện kỹ thuật  soi, định loại phát hiện nhanh các loài véc tơ truyền bệnh


Ths Nguyễn Thị Bích Hường - Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng cho biết thêm: “Khoa chúng tôi luôn tìm tòi, học hỏi các Viện Trung ương để xây dựng các quy trình, kế hoạch công tác, các biểu mẫu giám sát, các kỹ thuật soi, định loại phát hiện nhanh các loài véc tơ truyền bệnh,… phù hợp điều kiện thực tế về công tác giám sát và phòng chống ký sinh trùng, côn trùng tại tỉnh Quảng Ninh. Từ các kết quả điều tra, giám sát véc tơ chúng tôi đưa ra các biện pháp vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt côn trùng và tuyên truyền khuyến cáo cho nhân dân các biện pháp phòng chống véc tơ truyền bệnh để chủ động ngăn chặn dịch bệnh do muỗi truyền bệnh trong cộng đồng.”
Đầu tư cho “nghề bắt muỗi”
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các Viện Trung ương và đặc biệt sự quan tâm của Tỉnh, Sở Y tế và lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, khoa Ký sinh trùng và Côn trùng đã được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại như các loại máy phun hóa chất diệt côn trùng cỡ lớn lưu động, máy phun mù nóng và các bộ dụng cụ bắt muỗi và bọ gậy,... Đồng thời, hàng năm các cán bộ viên chức lao động trong khoa đều được tham gia các lớp tập huấn về hoạt động giám sát và phòng chống côn trùng tại các Viện Trung ương. Từ đó đã nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn của khoa.

Lồng nuôi muỗi tại khoa Ký sinh trùng- Côn trùng

Hàng năm, khoa đã triển khai các lớp tập huấn cho cán bộ y tế chuyên trách tuyến huyện, cập nhật và triển khai các kỹ thuật soi, định loại phát hiện nhanh các loài véc tơ truyền bệnh nhằm đưa ra dự báo đánh giá các yếu tố nguy cơ gây dịch Sốt xuất huyết/Zika, Viêm não Nhật Bản B, Sốt rét. Đồng thời, chỉ đạo và phối hợp cùng các đơn vị y tế tuyến huyện thực hiện ngay các biện pháp xử lý nhằm ngăn chặn và khống chế dịch bệnh. 
Hiện nay khoa học phát triển, tuy nhiên một số bệnh do muỗi truyền như bệnh Sốt xuất huyết, Zika,.. vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.  Vì vậy, các cán bộ theo “nghề bắt muỗi” vẫn là lực lượng tiên phong cùng với người dân diệt muỗi, diệt bọ gậy, không để các loài muỗi gây bệnh có điều kiện sinh sản phát triển truyền bệnh cho cộng đồng.
 

(Nguồn: Hải Ninh)

In bản tin