Phòng, chống dịch bệnh mùa thu đông

Cập nhật: 26/10/2020 | 11:13:41 AM

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, hệ miễn dịch của mọi người yếu hơn, là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi và phát triển. Bởi vậy, việc phòng chống là hết sức cần thiết.

Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.
Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, 9 tháng năm 2020 toàn tỉnh có 3.003 trường hợp mắc cúm mùa, tập trung chủ yếu ở TP Hạ Long, TP Uông Bí, huyện Hải Hà; 30 ca sốt phát ban nghi sởi, 76 ca mắc sốt xuất huyết, 428 ca mắc tay chân miệng... Theo các bác sĩ, trong mùa thu đông, bệnh dễ gặp trong thời điểm này thường là cảm cúm, sốt xuất huyết, sởi, sốt phát ban, viêm màng kết, bệnh thủy đậu...

Trước tình hình đó, Sở Y tế đã tích cực phối hợp với các sở, ngành và BCĐ các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phát hiện, phòng chống dịch bệnh. Các đơn vị y tế chuẩn bị vật tư y tế, trang thiết bị, bảo hộ, nhân lực sẵn sàng vào cuộc khi có dịch bệnh lớn xảy ra.  

Tiêm vắc xin cho trẻ tại Phòng tiêm safpo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hải Ninh (CTV)
Tiêm vắc xin cho trẻ tại Phòng tiêm safpo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hải Ninh (CTV)

CDC tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường giám sát dịch bệnh ở bệnh viện và trong cộng đồng. Các cán bộ trung tâm trong quá trình giám sát tại cơ sở trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn tuyến huyện, tuyến xã. Đặc biệt, ở những địa phương xuất hiện liên tiếp các ca bệnh gây dịch, CDC tỉnh cử cán bộ đến cùng khoanh vùng, xử lý, không để lây lan thành dịch lớn. Trong 9 tháng năm 2020 này, các đơn vị y tế đã chủ động phun phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao với tổng số trên 22.000m2; phun diệt côn trùng có nguy cơ gây bệnh theo hợp đồng tại một số đơn vị trên địa bàn; tích cực điều tra, giám sát vec tơ sốt xuất huyết, giám sát ổ bọ gậy nguồn gây sốt xuất huyết...

CDC tỉnh phối hợp với các phòng y tế, trung tâm y tế tuyến huyện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý môi trường y tế tại các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế cấp xã; hướng dẫn công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại nơi làm việc, ký túc xá người lao động... Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm được nhiều nơi phát động. Các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền người dân ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hệ thống giám sát của CDC tỉnh được thực hiện khá tốt, kịp thời phát hiện nhiều loại vi rút, vi khuẩn có thể gây bệnh thành dịch, từ đó có sự ngăn chặn, phun diệt kịp thời. Hệ thống, kỹ thuật xét nghiệm của CDC tỉnh phát hiện sớm bệnh nhân mắc loại sốt xuất huyết, phát hiện chủng vi rút EV71 gây bệnh tay chân miệng với nhiều biến chứng nguy hiểm, các chủng vi rút cúm, viêm não... Từ đó, giúp cho việc điều trị của các bệnh viện thuận lợi, dễ dàng hơn, đồng thời giúp cho công tác phòng dịch tốt hơn.

Mặc dù vậy, việc phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân. Người dân cần cho con, em tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: Cúm, sởi, rubella, ho gà…); giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, ngực, lưng, gan bàn chân; ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; ăn cân đối các nhóm dưỡng chất (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất); uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh; luyện tập thể dục đều đặn; khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Khi bản thân có các triệu chứng như hắt hơi, ho… nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin