Bảo hiểm Y tế - Hỗ trợ đắc lực cho người dân trong giai đoạn phòng, chống Covid-19

Cập nhật: 16/7/2021 | 3:52:18 PM

Thời gian qua, Bảo hiểm Y tế (BHYT) là “chiếc phao” cứu cánh giúp cho mỗi gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi có người thân không may bị mắc bệnh được hỗ trợ chi trả chi phí theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống thì người dân càng cảm nhận được sâu sắc hơn về nguy cơ sức khỏe của bản thân mình và hiểu rõ hơn về lợi ích, ý nghĩa mà chính sách an sinh xã hội này mang lại.

Người dân đăng ký khám bệnh BHYT tại Bệnh viện đa khoa tỉnh (Nguồn ảnh Internet)

Chính sách BHYT là một trong những chính sách lớn về an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Ngày 7/9/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về việc đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh: “BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội”.
Quỹ BHYT được hình thành từ sự đóng góp của người tham gia để sử dụng cho khám chữa bệnh. Quỹ BHYT càng lớn, quyền lợi của người tham gia càng được bảo đảm tốt hơn; đồng thời giảm gánh nặng từ ngân sách Nhà nước cho khám, chữa bệnh, từ đó tập trung thêm nguồn lực của Nhà nước, của cộng đồng cho các lĩnh vực y tế cộng đồng, cũng như phòng chống dịch Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, một số hướng dẫn về khám chữa bệnh BHYT đã được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT như: Quy định mở rộng thời gian kê đơn thuốc ngoại trú với bệnh mãn tính, tăng từ 30 ngày lên 90 ngày đối với một lần kê đơn thuốc; trong điều kiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở khám chữa bệnh mà bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bị phong toả, bệnh nhân sẽ được đến cơ sở y tế khác khám chữa bệnh mà vẫn được Quỹ BHYT chi trả như đúng tuyến; hoặc với những trường hợp bệnh nhân không thể lên tuyến Trung ương mà tình trạng bệnh đã được xác định, theo dõi và bệnh viện tuyến Trung ương đã nắm được, trong trường hợp bệnh viện tỉnh không có thuốc phù hợp với chỉ định thì bệnh viện tuyến Trung ương có thể chuyển về cấp cho bệnh nhân,…
BHYT có nhiều lợi ích cho người dân nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Người có thẻ BHYT khi đến khám và điều trị nội trú có biểu hiện nghi ngờ được cơ sở khám, chữa bệnh BHYT chỉ định xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán Covid-19 sẽ được Quỹ BHYT chi trả theo quy định; Hoặc trong số những người mắc Covid-19, những người có kèm bệnh lý nền mãn tính như tiểu đường, suy thận,…nếu tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT chi trả chi phí sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn. Đối với các trường hợp mắc Covid-19, Quỹ BHYT cũng đảm nhận việc thanh toán phần chi phí khám, chữa bệnh khác theo quy định, trừ chi phí khám, chữa bệnh do Covid-19 đã được ngân sách Nhà nước chi trả.

Khám chữa bệnh BHYT cho người dân tại TTYT Tiên Yên


Bên cạnh đó, dưới tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến tình trạng mất việc làm diễn ra khá trầm trọng. Trong trường hợp người lao động không lập tức tham gia BHYT, đồng nghĩa với một tỷ lệ không nhỏ trong số họ sẽ tạm thời không nằm trong vòng bảo vệ của quỹ BHYT. Trong khi đó, BHYT có vai trò là thiết chế tài chính bảo vệ người tham gia tránh những nguy cơ phải chi trả chi phí y tế quá cao nếu chẳng may mắc bệnh. Luật BHYT hiện hành cũng quy định quyền lợi của người tham gia BHYT rất rộng, bao phủ hầu hết các dịch vụ y tế mà ngành Y tế Việt Nam có thể cung cấp, kể cả các dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn. Việt Nam cũng là số ít các nước mà quỹ BHYT chi trả cả cho việc điều trị các bệnh hiếm. Về phạm vi khám chữa bệnh, bên cạnh các dịch vụ điều trị, quỹ BHYT đã chi trả cả cho các dịch vụ phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cũng được điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh, sự phát triển khoa học kỹ thuật và hiệu quả sử dụng quỹ BHYT. Mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh trái tuyến cũng được điều chỉnh tăng lên,…
Có thể nói những chính sách mới trong thực hiện BHYT thời gian qua, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp rất phù hợp với thực tiễn, kịp thời, vừa góp phần phòng, chống dịch vừa bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Xác định được tầm quan trọng của BHYT, thời gian qua, tại Quảng Ninh, các cấp, các ngành đã không ngừng nỗ lực phối hợp trong việc vận động, tuyên truyền người dân hiểu được ý nghĩa và tham gia BHYT. Đồng thời, ngành Y tế tỉnh cũng không ngừng nâng cao công tác khám chữa bệnh, cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ, đội ngũ nhân lực của cả hệ thống y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh khi đến khám và điều trị. Tính đến hết năm 2020, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 1.239.100 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,8% dân số cao hơn trung bình cả nước là 90,85%; qua đó góp phần “xóa nhòa” khoảng cách y tế giữa các vùng miền trong tỉnh, giúp cho người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt hơn nhất là trong đại dịch Covid-19.
 

(Nguồn: Ngọc Phượng)

In bản tin