Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Bệnh loãng xương và biện pháp phòng ngừa gãy xương

Cập nhật: 21/10/2020 | 7:49:23 AM

Bệnh loãng xương có thể gây ra rất nhiều biến chứng như: Xẹp đốt sống, biến dạng cột sống, gãy xương… làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Hiện nay, người mắc bệnh loãng xương đang có xu hướng trẻ hóa. Vậy làm cách nào để giảm tình trạng loãng xương và phòng ngừa các biến chứng của bệnh? Nhân ngày Phòng, chống loãng xương thế giới 20/10 năm nay, bác sĩ CKI Đoàn Thị Hạnh – Trưởng phòng Khám đa khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh chia sẻ với bạn đọc về vấn đề này.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết, bệnh loãng xương là gì? Độ tuổi nào thường mắc bệnh này?
Bs.CKI  Đoàn Thị Hạnh: Loãng xương là bệnh của xương, đặc trưng bởi sự tổn hại đến độ chắc của xương, dẫn đến giòn và tăng nguy cơ gẫy xương. Độ chắc của xương quyết định bởi 2 yếu tố: mật độ xương và chất lượng xương.
Có 1/3 số phụ nữ và 1/8 số nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ loãng xương. Tuổi càng cao, mật độ xương càng giảm, nguy cơ loãng xương càng lớn.

Đo loãng xương tại phòng khám Đa khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Phóng viên: Nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh loãng xương là gì? Và tại sao người mắc bệnh loãng xương có xu hướng trẻ hóa, thưa bác sĩ?
Bs.CKI  Đoàn Thị Hạnh: Nguyên nhân loãng xương được chia làm 2 loại là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.
Loãng xương thứ phát là loãng xương được tìm thấy nguyên nhân do một số bệnh hoặc một số thuốc gây nên: cường vỏ thượng thận, dùng nội tiết tố vỏ thượng thận kéo dài, cường cận giáp, cường giáp trạng, bệnh suy sinh dục rối loạn hấp thu, thiếu calci, bất động dài ngày, một số bệnh ác tính…
Loãng xương nguyên phát là loãng xương không tìm thấy căn nguyên nào khác ngoài tuổi tác hoặc tình trạng mãn kinh ở phụ nữ.
Các yếu tố nguy cơ gây loãng xương và làm cho tình trạng loãng xương ngày càng gia tăng và trẻ hóa:
Tuổi càng cao mật độ xương càng giảm. Ngày nay, tuổi thọ người dân ngày càng cao, sự gia tăng tuổi thọ và sự già hóa của dân số làm cho tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng và như vậy số người bị loãng xương sẽ ngày càng tăng lên.
Sự suy giảm nội tiết ở phụ nữ: Phụ nữ mãn kinh, mãn kinh sớm trước 45 tuổi hoặc cắt buồng trứng trước 45 tuổi…
Yếu tố dinh dưỡng: Sự thiếu hụt trầm trọng canxi do không cung cấp đủ nhu cầu canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày hoặc do hấp thu canxi kém vì không có đủ lượng vitamin D hoặc cơ thể mất quá nhiều canxi qua đường nước tiểu do thói quen ăn uống chưa lành mạnh. Việc sử dụng quá nhiều nước ngọt có ga, lạm dụng cà phê, thuốc lá, thói quen ăn quá mặn, sử dụng quá nhiều rượu bia… có thể làm ảnh hưởng xấu đến hấp thu, thải trừ canxi cũng như chuyển hóa của xương và làm gia tăng nguy cơ loãng xương.
Tình trạng vận động: Sự vận động của các cơ kích thích sự tạo xương và tăng khối lượng xương. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, thói quen sinh hoạt, lối sống của người Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới nguy cơ loãng xương. Tỷ lệ người làm các công việc tĩnh tại, phải ngồi một chỗ, ít vận động, ít ra ngoài trời chẳng hạn như công việc văn phòng ngày càng nhiều, cũng như thói quen lười vận động, tập luyện của nhiều người dân nói chung cũng góp phần làm cho tốc độ mất xương gia tăng.
Việc lạm dụng, sử dụng kéo dài một số thuốc, như corticoid để điều trị giảm đau xương khớp và một số bệnh khác dẫn đến hậu quả loãng xương.
Phóng viên: Khi mắc bệnh loãng xương thì cơ thể thường có những dấu hiệu như thế nào, thưa bác sĩ?
Bs.CKI  Đoàn Thị Hạnh: Thông thường loãng xương không có bất cứ một biểu hiện triệu chứng nào. Các triệu chứng đầu tiên có thể là biểu hiện biến chứng của loãng xương như đau cột sống do xẹp đốt sống, cột sống bị biến dạng, giảm chiều cao, gãy xương do loãng xương: gãy đầu trên xương đùi, đầu dưới xương cảng tay, xương chậu, xương sườn, xương cùng…
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết, bệnh loãng xương nguy hiểm như thế nào đến sức khỏe người mắc? Và làm thế nào để giảm tác động của bệnh này đến sức khỏe?
Bs.CKI  Đoàn Thị Hạnh: Như trên đã trao đổi, loãng xương có thể gây ra rất nhiều biến chứng: xẹp đốt sống, biến dạng cột sống, gãy xương…làm giảm chất lượng sống của người bệnh.
Các phương pháp sau có thể giúp ngăn chặn hoặc làm chậm tiến độ mất xương và phòng ngừa gãy xương:
Ăn khẩu phần giàu canxi hoặc bổ sung canxi mỗi ngày: Trung bình 1000 – 1200 mg canxi mỗi ngày. Nguồn canxi trong thực phẩm bao gồm sữa, các sản phẩm từ sữa hoặc các loại thực phẩm giàu canxi như nước trái cây hoặc đậu, cá, các loại rau lá xanh. Bổ sung Vitamin D cho người ít hoặc không tiếp xúc với ánh nắng hàng ngày.
Thường xuyên khám loãng xương để kiểm tra mật độ xương.
Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe.
Theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc được kê đơn.
Thường xuyên tập các bài tập chịu tải trọng và các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp theo đề nghị của bác sĩ.
Duy trì trọng lượng tiêu chuẩn, không thừa cân cũng không thiếu cân.
Không hút thuốc.
Tránh uống quá nhiều rượu: uống nhiều hơn hai ly rượu mỗi ngày có thể làm giảm khả năng hình thành xương.
Tránh để bị ngã.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
 

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014