Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chăm sóc sức khỏe sinh sản trẻ em gái vị thành niên

Cập nhật: 12/10/2021 | 8:58:32 AM

Lứa tuổi vị thành niên là giai đoạn các em có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, đánh dấu bước phát triển các kỹ năng cần thiết để bước vào giai đoạn trưởng thành. Thực tế cho thấy khi bước vào tuổi vị thành niên, trẻ em gái phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa. Vì vậy, trẻ em gái vị thành niên cần được quan tâm, tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khoẻ mạnh.

Hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10/2021 và nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đảm bảo quyền của trẻ em gái, bình đẳng sức khỏe, chúng tôi có cuộc trao đổi với Bác sĩ Lê Thị Liên, Khoa Chăm sóc Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh.
Phóng viên: Thưa bác sĩ! Tại sao vị thành niên được coi là giai đoạn khác biệt và quan trọng trong cuộc sống của con người?
Bác sĩ Lê Thị Liên: Vị thành niên là những em đang ở giai đoạn chuyển tiếp từ ấu thơ sang trưởng thành trong độ tuổi từ 10-19 (theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới). Đây là giai đoạn phát triển đặc biệt và phức tạp nhất của cuộc đời mỗi con người. Trong giai đoạn này xảy ra đồng thời một loạt những thay đổi bao gồm: Sự phát triển mạnh mẽ về thể chất, sự biến đổi điều chỉnh tâm lý và các quan hệ xã hội, bước đầu hình thành nhân cách nên nảy sinh nhiều rối nhiễu về tâm lý nhất so với các lứa tuổi khác. 

Cán bộ CDC Quảng Ninh truyền thông sức khoẻ sinh sản đến học sinh tại trường PTTH Nam Sơn - Ba Chẽ

Phóng viên: Bé gái vị thành niên có những thay đổi như thế nào về thể chất, tâm lý, tình cảm, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lê Thị Liên: Để nhận biết con đang bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, điều đầu tiên cha mẹ cần chú ý đến là sự phát triển về thể chất. Trong giai đoạn dậy thì, dưới tác động của các hormone tăng trưởng và hormone sinh dục, cơ thể trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ cả về chiều cao và cân nặng. Các em gái cao rất nhanh và khi 18 tuổi các em có thể cao bằng một người phụ nữ trưởng thành. Ngoài thay đổi về chiều cao, vú bắt đầu phát triển, mọc lông ở bộ phận sinh dục và xuất hiện mụn trứng cá ở mặt. Giai đoạn dậy thì chính thức được đánh dấu bằng lần hành kinh đầu tiên, báo hiệu trứng đã bắt đầu rụng và có khả năng có thai.
Sự thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì rất quan trọng, không được bỏ qua: rất nhiều phụ huynh đã chủ quan với sự thay đổi tâm lý của trẻ ở độ tuổi dậy thì. Điều này là vô cùng nguy hiểm, bởi không nắm bắt tâm lý trẻ khi dậy thì kịp thời sẽ để lại những hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. 
Tính độc lập của trẻ: Từ một đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, ở tuổi dậy thì trẻ thể hiện tính tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Trẻ muốn được tham gia ý kiến và đưa ra các quyết định trong các vấn đề của mình. 
Quan tâm đến hình ảnh cơ thể: Đây là thay đổi rất căn bản, vì ở tuổi dậy thì trẻ tò mò với những thay đổi trên cơ thể mình, muốn tìm hiểu cấu tạo cơ thể, sự khác biệt giới tính và bắt đầu có nhu cầu làm đẹp theo từng giai đoạn tuổi khác nhau. 
 Quan hệ với bạn bè: Mở rộng quan hệ xã hội, chơi theo nhóm bạn và chịu ảnh hưởng của nhóm bạn cùng chơi. Thay đổi cần chú ý nhất trong quan hệ bạn bè đó là giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi trẻ bắt đầu chơi với những nhóm bạn khác giới, bắt đầu có quan hệ lãng mạn, hẹn hò và thử nghiệm tình dục.
Thay đổi về nhận thức: Đây là giai đoạn tích lũy nhanh và mạnh các kinh nghiệm, kỹ năng sống và khả năng tư duy, phân tích những tình huống ngày một phát triển. Ví dụ như khả năng nhận thức được cảm xúc của bản thân với những người khác, chỉ số thông minh và sáng tạo tăng nhanh trong giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi. Đặc biệt đề cao giá trị bản thân nên dễ dẫn đến hành vi, nguy cơ tự tử, trầm cảm, nghiện thuốc…
Phóng viên: Cha mẹ cần chú ý những gì trong quá trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản bé gái vị thành niên, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lê Thị Liên:Về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bé gái vị thành niên, các bà mẹ nên tập trung vào: Giáo dục và Chăm sóc.Ở độ tuổi này, các mẹ cần hướng dẫn để trẻ biết tự thân vận động, tự chăm sóc bản thân như vệ sinh cá nhân, vệ sinh bộ phận sinh dục, biết cách vệ sinh kinh nguyệt (thay băng vệ sinh thường xuyên trong thời gian hành kinh trong khoảng 3-4 giờ/ lần).Không nên ngâm mình trong nước bẩn dễ nhiễm khuẩn đường sinh sản, cũng không nên hoạt động quá sức  hoặc làm những việc nặng nhọc gây co bóp tử cung.Thời kỳ nhạy cảm này, nếu mẹ hướng dẫn tận tình, các con sẽ tránh được hoang mang, sợ hãi hay xấu hổ. Thay vào đó, trẻ sẽ đón nhận những biến chuyển cơ thể một cách tự nhiên và chủ động cùng mẹ tìm ra giải pháp tốt nhất giúp cơ thể phát triển đúng mực. Đến 14-15 tuổi mà không có kinh nguyệt thì cha mẹ phải đưa trẻ đi khám.
Không dừng lại ở việc hướng dẫn hay dạy bảo, với trẻ ở độ tuổi này cha mẹ cần chăm sóc theo lộ trình đặc biệt hơn: chăm chút về chế độ dinh dưỡng; phân bổ thời gian học hành vui chơi và hoạt động thể chất hợp lí; tìm hiểu các bộ môn nghệ thuật giúp phát triển đời sống tinh thần… Ngoài ra, tuổi vị thành niên là thời điểm nhạy cảm,cơ thể các bé gái có nhiều sự thay đổi về nội tiết tố, bộ phận sinh dục… nên dễ mắc phải các bệnh lý phụ khoa, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và khả năng sinh sản sau này, do đó phòng bệnh phụ khoa cũng là một trong những bước chăm sóc quan trọng bảo vệ sức khỏe trẻ vị thành niên mà cha mẹ cần lưu ý.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biếtgiai đoạn vị thành niên các em gái dễ mắc bệnh phụ khoanào?Cần làm gì để dự phòng bệnh?
Bác sĩ Lê Thị Liên:Cùng với sự trưởng thành của các em gái, nguy cơ trẻ mắc phải bệnh lý đường sinh dục cũng ngày càng cao đó là bệnh phụ khoa. Bệnh phụ khoa là bệnh liên quan đến vùng cơ quan sinh dục ở nữ giới, bao gồm các bệnh viêm nhiễm trùng, bệnh nội tiết và các khối u lành tính, ác tính. Vùng bị viêm thường là vùng âm đạo, cổ tử cung, nội mạc tử cung, vùng chậu, vòi trứng… Còn các khối u thường xuất hiện ở tử cung, buồng trứng.Một trong những mối nguy luôn rình rập bé gái cũng như phụ nữ nói chung là vi rút HPV (Human Papilloma Virus) - loại vi rút gây u nhú ở người, nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung.
Có thể dự phòng ung thư cổ tử cung bằng nhiều cách (tiêm phòng, tầm soát, quan hệ tình dục an toàn để hạn chế nguy cơ nhiễm HPV…), trong đó tiêm vắc xin HPV là biện pháp chủ động và đơn giản nhất dành cho các bạn nữ và bé gái từ 9 đến 26 tuổi.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
 

(Nguồn: Anh Thơ)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014