Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Đẩy mạnh phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em

Cập nhật: 19/10/2018 | 6:39:02 PM

Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra toàn quốc của Viện Dinh dưỡng,trong 30 năm qua, tỷ lệ biến đổi suy dinh dưỡng (SDD) giảm mạnh từ 51% xuống 14%, tuy nhiên tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 24,6%. So với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì SDD thấp còi trẻ em nước ta vẫn còn ở mức cao.

Thế nào là trẻ bị SDD thấp còi?
Trẻ thấp còi là trẻ có chiều cao theo tuổi thấp hơn so với trẻ bình thường cùng tuổi. Ở trẻ sơ sinh,cân nặng dưới 2.500g bao gồm cả trẻ đẻ non vì SDD bào thai, trẻ không những nhẹ cân mà chiều dài cũng thấp. Hiện nay, đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em thường dựa vào chuẩn tăng trưởng của WHO 2006. Điểm ngưỡng Zscore dưới trừ 2 độ lệch chuẩn (<-2SD) là suy dinh dưỡng. Nếu cân nặng theo tuổi <-2SD là SDD nhẹ cân (underweight) và chiều cao theo tuổi <-2SD là SDD thấp còi (stunting). 
Các yếu tố nguy cơ gây SDD thấp còi
SDD thấp còi phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài hoặc là hậu quả của một quá trình tích lũy bắt đầu xảy ra từ thời kỳ bào thai và kéo dài đến tuổi trưởng thành.Nguyên nhân dẫn đến SDD thấp còi gồm:
Chế độ nuôi dưỡng: dinh dưỡng có ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Nếu khẩu phần thiếu hụt protein năng lượng và các vi chất dinh dưỡng (kẽm, sắt, I ốt, vitamin A… ) không chỉ làm cho trẻ bị SDD nhẹ cân mà còn ảnh hưởng đến phát triển chiều cao của trẻ, nhất là ở những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý (ăn bổ sung sớm, thức ăn đơn điệu, không đủ 4 nhóm thực phẩm).
Bệnh tật: trong 2 năm đầu tiên nếu trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm phổi, giun sán…) tái đi tái lại nhiều lần thường ảnh hưởng đến phát triển chiều cao trong những năm sau vì nhiễm khuẩn làm cho trẻ biếng ăn, nôn trớ, khẩu phần đưa vào cơ thể bị thiếu hụt đồng thời giảm hấp thu các chất dinh dưỡng. 
Di truyền: trong gia đình nếu bố mẹ có chiều cao thấp thì con cái của họ cũng có nguy cơ thấp còi. Mặc dù yếu tố di truyền quy định tiềm năng cho sự phát triển của trẻ nhưng tác động của môi trường nhất là khi mức sống nâng cao, chế độ dinh dưỡng được cải thiện thì sự tăng trưởng chiều cao có thể tăng hơn ở những thế hệ sau.
Yếu tố kinh tế văn hóa xã hội: SDD thấp còi cũng thường xảy ra ở những trẻ sống trong các hộ gia đình nghèo, đông con.
Hậu quả của SDD thấp còi
Hậu quả của SDD thấp còi thường ảnh hưởng đến phát triển thể lực, trí lực, sức khỏe trước mắt và lâu dài. Trẻ thấp còi sẽ có chiều cao thấp ở tuổi trưởng thành, ảnh hưởng đến tầm vóc nòi giống dân tộc. Sự thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài làm giảm khả năng nhận thức, trí thông minh, kết quả học tập, năng suất lao động và thu nhập quốc dân. Trẻ bị SDD thấp còi thường hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn do suy giảm hệ miễn dịch và sau này cũng dễ có nguy cơ thừa cân, béo phì, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp…Ở bé gái khi lớn lên nếu chiều cao thấp dễ gây đẻ khó, nguy cơ đẻ trẻ nhẹ cân (dưới 2.500g), chiều dài thấp và vòng đời SDD thấp còi lại tái diễn.
Phòng chống SDD thấp còi
Chế độ dinh dưỡng hợp lý góp phần kiểm soát suy dinh dưỡng và thấp còi ở trẻ em(Ảnh sưu tầm)
Thời cơ vàng để phòng, chống SDD thấp còi có hiệu quả là thời kỳ bà mẹ mang thai và trẻ em trong 2 năm đầu đời.
Chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ có thai: dinh dưỡng của bà mẹ trong thời kỳ mang thai có ảnh hưởng nhiều đến phát triển bào thai. Chế độ ăn phải đảm bảo nhu cầu protein, năng lượng, vitamin và khoáng chất để phòng chống thiếu năng lượng trường diễn, thiếu máu, thiếu canxi… Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng nhu cầu năng lượng của phụ nữ mang thai cao hơn phụ nữ không có thai là 360kcal/ngày trong 3 tháng giữa và 475kcal/ngày trong 3 tháng cuối và nhu cầu protein cao hơn từ 10-18g/ngày. Thức ăn đa dạng và có đủ 4 nhóm thực phẩm (ngũ cốc khoai củ, đạm động vật, đậu đỗ, dầu mỡ, rau xanh hoa quả). Ngoài chế độ ăn nên uống thêm acid folic (60mg sắt nguyên tố + 400mcg acid folic) để phòng chống thiếu máu và dị tật ống thần kinh thai nhi. Cần khám thai định kỳ và theo dõi tăng cân từng quý để bổ sung dinh dưỡng kịp thời.
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 2 năm đầu đời: Đây là giai đoạn chuyển tiếp về nuôi dưỡng trẻ từ trong bụng mẹ đến môi trường bên ngoài tử cung, trẻ bắt đầu bú mẹ, ăn bổ sung rồi tiến tới các chế độ ăn cùng gia đình. Trong giai đoạn này trẻ tăng trưởng và phát triển nhanh nhưng hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nhất là tiêu chảy, viêm đường hô hấp cấp… sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đối với trẻ nhỏ, cho trẻ bú sớm ngay sau đẻ, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Từ 6 tháng tuổi trở lên cho ăn bổ sung, thức ăn bổ sung có đủ 4 nhóm thực phẩm cùng với bú mẹ kéo dài 18-24 tháng. Khi trẻ bị bệnh không được kiêng khem quá mức, tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn nhiều bữa trong ngày, thức ăn dễ tiêu hóa, đủ dưỡng chất.
Ngoài ra bổ sung vi chất dinh dưỡng vitamin A, D, kẽm và tiêm chủng cho trẻ sẽ rất quan trọng giúp phòng chống SDD thấp còi.
Để kiểm soát tốt nhất chiều cao, cân nặng của trẻ từ 0 đến 10 tuổi và có những biện pháp can thiệp kịp thời, các bậc phụ huynh cần thường xuyên theo dõichiều cao, cân nặng của trẻ theo bảng chuẩn sau (Ký hiệu: TB là đạt chuẩn trung bình; -2SD là suy dinh dưỡng thể thiếu cân hoặc thấp còi; + 2SD là thừa cân béo phì,theo cân nặng hoặc rất cao, theo chiều cao):
Bảng đo chiều cao cân năng của trẻ từ 0 đến 10 tuổi
Tại Quảng Ninh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã triển khai Phòng Khám -  Tư vấn dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em từ năm 2010. Bà mẹ mang thai và các bậc phụ huynh có thể đưa con em đến khám và tư vấn dinh dưỡng tại địa chỉ:
PHÒNG KHÁM – TƯ VẤN DINH DƯỠNG
TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT QUẢNG NINH
Số: 651, Lê Thánh Tông, phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long
Hotline: 02033.556.750

(Nguồn: Ngọc Phượng)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014