Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Để tránh bùng phát các dịch bệnh

Cập nhật: 30/9/2021 | 9:07:25 AM

Không chỉ có nguy cơ dịch bệnh Covid-19 xâm nhập, hiện trên địa bàn Quảng Ninh vẫn tồn tại một số bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không phòng chống tốt. Trong khi đó, diễn biến phức tạp của thời tiết vào thời điểm giao mùa hiện nay lại là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi và phát triển.

Mục tiêu hàng đầu của tỉnh hiện nay vẫn là giữ vững địa bàn an toàn trước đại dịch Covid-19. 3 ổ dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh vào đầu năm 2021, gồm: Ổ dịch có nguồn lây liên quan tại sân bay Vân Đồn (21 ca), ổ dịch có nguồn lây liên quan đến Hải Dương (40 ca), ổ dịch có nguồn lây liên quan đến Bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội (1 ca) đã được khoanh vùng, xử lý và dập tắt kịp thời. Tính đến hết 15/9, toàn tỉnh thực hiện giám sát 134.083 trường hợp liên quan đến Covid-19. Hiện nay, Quảng Ninh vẫn đang là một trong số ít địa phương của cả nước an toàn trước dịch bệnh này.

Bác sĩ  Nguyễn Thị Tươi – Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết . Ảnh: Mạc Thảo (Bệnh viện Bãi Cháy)

Bác sĩ Nguyễn Thị Tươi (Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy) thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết . Ảnh: Mạc Thảo (Bệnh viện Bãi Cháy)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, do đang là mùa mưa nên muỗi sinh sôi nảy nở nhiều, đây cũng là thời điểm dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Tính đến hết ngày 15/9, toàn tỉnh ghi nhận 137 trường hợp bị bệnh sốt xuất huyết, trong đó, tháng 8 có tới 26 ca bệnh và tháng 9 xuất hiện 89 ca. Bởi vậy, ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị phối hợp tốt với các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phát hiện, phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác.

Các đơn vị y tế luôn chủ động giám sát phát hiện ca bệnh và khoanh vùng xử lý ổ dịch sốt xuất huyết, nhằm ngăn chặn dịch lây lan; thực hiện giám sát véc tơ để phát hiện vùng có nguy cơ bùng phát dịch. Riêng CDC tỉnh từ đầu năm đến nay đã thực hiện 16 lượt điều tra, giám sát véc tơ sốt xuất huyết định kỳ tại 7 xã, phường điểm và 7 xã, phường có nguy cơ cao. Kết quả cho thấy 14/16 lượt giám sát có chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes trong 100 nhà điều tra) vượt ngưỡng gây dịch và 1/16 điểm có chỉ số mật độ muỗi vượt ngưỡng gây dịch. Trên cơ sở này, CDC tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị dự phòng phối hợp thực hiện giám sát véc tơ định kỳ, chủ động công tác phòng, chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả trước mùa dịch.

Bên cạnh bệnh sốt xuất huyết, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện các trường hợp mắc bệnh khác có thể gây thành dịch. Cụ thể, thống kê của CDC tỉnh cho thấy, 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh có 1.110 trường hợp cúm mùa, 25 trường hợp bị bệnh chân tay miệng, 3 ca ho gà, 15 trường hợp sốt phát ban, 274 ca thủy đậu, 29 trường hợp bị quai bị, 4 ca viêm não virus, 1 ca mắc liên cầu lợn, 2 trường hợp mắc bệnh dại.

Nhân viên y tế TX Quảng Yên hướng dẫn người dân trên địa bàn thị xã lật úp vật dụng chứa nước, không để muỗi gây bệnh SXH sinh trưởng. Ảnh: Ánh Tuyết (TTTT-VH Quảng Yên).

Nhân viên y tế TX Quảng Yên hướng dẫn người dân trên địa bàn lật úp vật dụng chứa nước, không để muỗi gây bệnh sôt xuất huyết sinh trưởng. Ảnh: Ánh Tuyết (Trung tâm TT-VH Quảng Yên)

Trước tình hình đó, các cơ sở y tế cũng tích cực điều tra, giám sát định kỳ những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm. CDC tỉnh đã phối hợp cùng trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường giám sát dịch bệnh ở bệnh viện và trong cộng đồng; phối hợp cùng các phòng y tế huyện, thị xã, thành phố, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý môi trường y tế tại các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn; hướng dẫn công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại nơi làm việc, ký túc xá người lao động...

Ở những địa phương xuất hiện liên tiếp các ca bệnh gây dịch, CDC tỉnh còn cử cán bộ đến cùng khoanh vùng, xử lý, không để lây lan thành dịch lớn. Từ đầu năm đến nay, CDC tỉnh đã thực hiện 4 lượt điều tra, giám sát định kỳ đối với dịch bệnh viêm não Nhật Bản. Qua đó phát hiện 2 loài muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản với chỉ số véc tơ cao.

Về phía chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể, cũng đã vào cuộc trong công tác phòng chống dịch bệnh. Phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm được nhiều nơi phát động. Các ban, ngành, đoàn thể còn tuyên truyền người dân ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Việc phòng các dịch bệnh hiệu quả nhất hiện nay vẫn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân. Theo đó, người dân cần cho trẻ em tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như cúm, sởi, rubella, ho gà, viêm não Nhật Bản...); ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; luyện tập thể dục đều đặn. Khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để phòng nhiễm bệnh. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường tại gia đình và xung quanh khu vực sinh sống để phòng dịch bệnh.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014