Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Hiểu đúng về bệnh vảy nến để điều trị hiệu quả hơn

Cập nhật: 29/10/2020 | 4:34:50 PM

Vảy nến là bệnh mạn tính, tiến triển từng đợt và dai dẳng suốt đời. Nhưng thực trạng hiện nay, nhiều người vẫn tự ý mua thuốc về chữa bệnh vảy nến qua các thông tin quảng cáo thuốc trị vảy nến đặc hiệu trên mạng, do đó nhiều trường hợp đã bị biến chứng nguy hiểm. Nhân Ngày vảy nến thế giới (29/10), bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn – Khoa Da liễu và Phòng chống mù lòa thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh sẽ chia sẻ với bạn đọc những kiến thức cơ bản về bệnh vảy nến để hiểu đúng và điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết bệnh vảy nến là gì và nguyên nhân gây bệnh?
Bs. Nguyễn Thanh Sơn: Vảy nến là bệnh mạn tính, tiến triển từng đợt và dai dẳng suốt đời. Bệnh có hình thái lâm sàng đa dạng, ngoài thương tổn da, có thương tổn niêm mạc, móng và xương khớp. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Trung ương tỷ lệ người mắc bệnh vảy nến là 2,2% dân số
 Căn nguyên của bệnh vảy nến chưa rõ ràng. Hiện nay các nghiên cứu đang hướng dần đến các yếu tố gây bệnh do di truyền, cơ chế miễn dịch và các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh.
Yếu tố di truyền: Theo các nghiên cứu cho rằng, vảy nến là bệnh da di truyền, gen gây nên bệnh vảy nến nằm trên nhiễm sắc  thể số 6  có liên quan HLA - B13, B17, BW 57, CW6... 
Cơ chế miễn dịch: Có sự thay đổi miễn dịch ở bệnh vảy nến. Các tế bào miễn dịch được hoạt hóa tiết các hoạt chất sinh học có tác dụng thúc đẩy tăng sinh, làm rối loạn quá trình biệt hóa tế bào sừng. 
Yếu tố thuận lợi:  Tuổi khởi phát bệnh hay gặp khoảng 20 đến 40 tuổi. Người có tiền sử mắc bệnh mạn tính, chấn thương, nhiễm khuẩn. Những stress gây suy sụp về thể chất và tinh thần. Sử dụng các loại thuốc, đặc biệt là thuốc Corticoid, các đông, nam dược không rõ nguồn gốc, thành phần. Rối loạn nội tiết, chuyển hóa, nghiện rượu.

Đặc điểm của vảy da khô, gồm nhiều lớp, xếp chồng lên nhau, độ dày không đều, dễ bong, màu trắng đục

Phóng viên: Bệnh vảy nến thường có dấu hiệu như thế nào, thưa bác sĩ?
Bs. Nguyễn Thanh Sơn: Người mắc bệnh vảy nến thường xuất hiện các biểu hiện sau: 
Thương tổn da là các dát đỏ, với đặc điểm: Giới hạn rõ với da lành, trên phủ vẩy trắng dễ bong. Màu đỏ hoặc hồng, ấn kính mất màu. Hình tròn hoặc bầu dục, hoặc nhiều vòng cung tạo nên các thể lâm sàng khác nhau: thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng. Không đau, hiếm khi thấy ngứa. 
 Vị trí thường gặp là các chỗ tỳ đè, vùng hay bị cọ sát như: khuỷu tay, đầu gối, mặt duỗi các chi, chỗ bị sang chấn; thương tổn có khuynh hướng đối xứng. 
Đặc điểm của vảy da: Khô, gồm nhiều lớp, xếp chồng lên nhau, độ dày không đều, dễ bong. Màu trắng đục như xà cừ hay màu xỉn. Phủ kín toàn bộ dát đỏ hoặc phủ một phần, thường để lại vùng ngoại vi. 
Thương tổn móng: Chiếm 30 đến 50% tổng số bệnh nhân vảy nến. Thường kèm với thương tổn da. Thương tổn móng thường gặp là: Mặt móng có những chấm lõm hoặc vằn ngang, mất trong, có những đốm trắng. Tách móng ở bờ tự do, quá sừng dưới móng cùng với dày móng và mủn. Có thể biến mất toàn bộ móng. Trường hợp vảy nến thể mủ thấy các mụn dưới móng hoặc xung quanh móng.  
Thương tổn khớp: Chiếm 10 đến 20% tổng số bệnh vảy nến. Biểu hiện: Đau các khớp. Hạn chế và viêm một khớp. Viêm đa khớp vảy nến. X-Quang thấy hiện tượng mất vôi đầu xương, hủy hoại sụn, xương, dính khớp. 
Thương tổn niêm mạc: Thường gặp niêm mạc qui đầu, là những vết màu hồng, không thâm nhiễm, ít hoặc không có vẩy.  Tổn thường có thể gặp ở lưỡi giống như viêm lưỡi hình bản đồ hoặc viêm lưỡi phì đại tróc vảy. 
Phóng viên: Bệnh vảy nến có thể gây biến chứng như thế nào đến sức khỏe người mắc, thưa bác sĩ?
Bs. Nguyễn Thanh Sơn: Bệnh vảy nến nếu không được điều trị đúng thì có thể gây ra các biến chứng như: chàm hóa, tổn thương bị sâu hơn, bội nhiễm, dày da, ung thư da, đỏ da toàn thân, vảy nến thể khớp có thể làm biến dạng khớp, cứng khớp, nhất là cột sống.
Tiến triển của bệnh vảy nến thất thường, dai dẳng nên bệnh nhân không được lơ là, tự động bỏ thuốc khi thấy thương tổn đã giảm, phải tuân thủ chế độ điều trị theo từng giai đoạn bệnh để tránh được các biến chứng và bệnh sẽ ổn định lâu dài.

Bác sỹ khám, tư vấn cho bệnh nhân mắc bệnh ngoài da tại Phòng khám đa khoa thuộc CDC Quảng Ninh

Phóng viên: Bệnh vảy nến có lây không? Và làm thế nào để phòng ngừa mắc bệnh vảy nến, thưa bác sĩ?
Bs. Nguyễn Thanh Sơn:  Một điều khẳng định chắc chắn là bệnh vảy nến không phải là bệnh lây lan như nhiều người nhầm tưởng.
Để phòng ngừa bệnh vảy nến thì cần hạn chế các yếu tố nguy cơ:
Những người mắc các bệnh mãn tính, chấn thương, nhiễm khuẩn thì ngay từ đầu phải được điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ. 
Nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, tránh các tổn thương tâm lý gây suy sụp về thể chất và tinh thần.
Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc Corticoid, các đông, nam dược không rõ nguồn gốc, thành phần. 
Về cơ chế nội tiết, chuyển hóa thì cần có chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh đảm bảo sức khỏe tốt nhất, tránh tình trạng nghiện rượu, bia.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014