Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Kiểm soát số đo huyết áp để phòng bệnh hiệu quả

Cập nhật: 17/5/2019 | 9:46:08 AM

Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5 và “Tuần lễ toàn dân đi đo huyết áp” từ ngày 12-18/5 năm nay truyền đi thông điệp “Hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình”. Đây là thông điệp nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về bệnh tăng huyết áp ở tất cả mọi đối tượng trong cộng đồng.

Mỗi người hãy nhớ số đo huyết áp của mình.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp, mỗi năm có khoảng 9,4 triệu người bị tăng huyết áp đã tử vong. Tại Việt Nam có khoảng 9,7 triệu người không biết mình bị tăng huyết áp hoặc bị tăng huyết áp nhưng điều trị không thường xuyên dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
Tại tỉnh Quảng Ninh, Dự án phòng, chống tăng huyết áp được triển khai tại 14/14 huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi toàn tỉnh. Theo số liệu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổng hợp từ báo cáo của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh năm 2018, tổng số bệnh nhân tăng huyết áp là 49.735 người, trong đó số bệnh nhân phát hiện mắc mới tăng huyết áp trong năm 2018 là 6.384 người, số bệnh nhân được quản lý theo dõi, điều trị tăng huyết áp tại các cơ sở y tế là 33.564 người và số bệnh nhân tử vong do biến chứng tăng huyết áp là 3.614 người.
Tăng huyết áp là một bệnh lý tiến triển âm thầm nhưng gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, hiệu quả công việc, làm mất khả năng lao động, thậm chí còn là gánh nặng và làm tổn thất rất lớn về kinh tế cho gia đình, cho xã hội.  Bác sĩ Lường Thị Xuân – Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tăng huyết áp làm ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trên cơ thể như : Ảnh hưởng trên não, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của tai biến mạch máu não, có thể gây vỡ một nhánh mạch máu dẫn đến chảy máu trong não. Ảnh hưởng trên thận, tăng huyết áp có thể làm dầy các thành mạch và gây hẹp lòng mạch máu, các chất thải của cơ thể sẽ bị ứ đọng lại trong máu và theo thời gian sẽ gây hại cho thận.  Ảnh hưởng trên mắt, tăng huyết áp có thể gây vỡ các mạch máu và chảy máu trong mắt, có thể gây mờ mắt hoặc mù mắt vĩnh viễn.  Ảnh hưởng trên tim, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra nhồi máu cơ tim, đây cũng là yếu tố nguy cơ số một gây ra suy tim sung huyết.  Ảnh hưởng trên động mạch,tăng huyết áp thúc đẩy và gây ra xơ vữa động mạch dẫn đến tai biến mạch não.”    
Tăng huyết áp được coi là kẻ giết người thầm lặng vì chỉ một số ít bệnh nhân có những triệu chứng như: nhức đầu, chóng mặt, ù tai, cảm giác như có “ruồi bay” trước mặt, mặt đỏ bừng,… Còn lại rất nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp mà không hề có các triệu chứng, các dấu hiệu cảnh báo trước. Chỉ đến khi tình cờ khám bệnh hoặc đã bị một triệu chứng nặng nào đó thì mới biết là mình đã bị tăng huyết áp.
Chính vì vậy, biện pháp duy nhất để biết mình có bị tăng huyết áp hay không là phải đo huyết áp để biết được chính xác con số huyết áp của mình. Theo hiệp hội Tim mạch Việt Nam, khi huyết áp tâm thu hay còn gọi là huyết áp tối đa ≥ 140mmHg và huyết tâm trương hay còn gọi là huyết áp tối thiểu ≥ 90mmHg là đã bị tăng huyết áp. Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch, là hết sức cần thiết và quan trọng. 
Đối với bệnh nhân tăng huyết áp cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc, Bác sĩ Lường Thị Xuân khuyến cáo: “Người mắc bệnh tăng huyết áp cần phải đến các cơ sở y tế để được khám, quản lý, điều trị định kỳ, nhằm phát hiện sớm các biến chứng và tác dụng phụ. Việc điều trị cần phối hợp thầy thuốc - thuốc  và  bệnh nhân. Người bệnh phải uống thuốc đúng, đủ và đều. Thông tin thường kỳ với bác sĩ diễn biến của bệnh để kịp thời có phương án hỗ trợ đạt hiệu quả cho người bệnh.”
Tình trạng người dân mắc bệnh tăng huyết áp có xu hướng phổ biến và ngày càng gia tăng trên Thế giới cũng như ở Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp, không chỉ người cao tuổi mà kể cả trẻ em và người trẻ tuổi. Để chủ động phòng, chống bệnh tăng huyết áp, Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng:
Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng của mình.
Tăng cường ăn rau và trái cây.
Giảm ăn muối xuống dưới 5g/ngày.
Tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Không hút thuốc, hạn chế rượu bia
Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt đối với người trên 40 tuổi. Mỗi người hãy nhớ số đo huyết áp của mình.
 Người mắc tăng huyết áp nên tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.
 

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014