Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Kiểm soát tốt tiền đái tháo đường để không phát triển thành bệnh

Cập nhật: 16/7/2019 | 4:18:33 PM

Thông qua Chương trình khám sàng lọc đái tháo đường mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh triển khai, đã phát hiện nhiều trường hợp tiền đái tháo đường (lượng đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng chưa đủ để xác định đã mắc bệnh đái tháo đường). Nếu không có biện pháp hữu hiệu, những trường hợp tiến triển thành bệnh đái tháo đường sẽ tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội trên địa bàn.

Đo lượng đường trong máu cho bệnh nhân tiểu đường đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Đo lượng đường trong máu cho bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019, qua thực hiện khám sàng lọc đái tháo đường ở lứa từ 49-69 tuổi tại 3 xã của huyện Hải Hà, trong số 500 người được khám thì có 58 người bị bệnh đái tháo đường. Đáng lo ngại là có tới 260 người phát hiện tiền đái tháo đường, chiếm  tỷ lệ 51,8%. Không chỉ qua đợt khám này mà hầu hết đợt khám sàng lọc triển khai ở các địa phương, người bị tiền đái tháo đường luôn chiếm tỷ lệ cao.

Bác sĩ Trịnh Khanh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Người bị tiền đái tháo đường có lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường, nhưng chưa cao tới mức chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, cụ thể, lượng đường trong máu khi đói của người bình thường là từ 70-100mg/dL, lượng đường trong máu khi đói của người bị tiền đái tháo đường là từ 100-125mg/dL, còn lượng đường trong máu khi đói của người bị đái tháo đường là trên 126mg/dL.

Cũng theo các sĩ Khanh, việc phát hiện tiền đái tháo đường rất quan trọng, bởi nếu người mắc tiền đái tháo đường không kiểm soát được lượng đường trong máu khiến glucose trong máu tiếp tục tăng thì có thể dẫn tới tiểu đường týp 2, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Mặc dù vậy, ở giai đoạn tiền đái tháo đường và giai đoạn đầu của đái tháo đường, người bệnh  hầu như không có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ nên rất khó nhận biết. Thực tế thì hầu hết mọi người chỉ phát hiện mình bị tiền đái tháo đường, đái tháo đường thông qua các đợt khám sức khoẻ hoặc phát hiện qua chương trình khám sàng lọc đái tháo đường, hoặc tình cờ khám, điều trị bệnh nào đó.

Phần lớn người dân chỉ phát hiện bị bệnh Đái thào đường, tiền đái tháo đường thông qua khám sức khoẻ định kỳ hay đi khám, điều trị một bệnh nào đó (trong ảnh: Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).
Phần lớn người dân chỉ phát hiện bị bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường thông qua khám sức khoẻ định kỳ hay đi khám, điều trị một bệnh nào đó. (Trong ảnh: Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Qua chương trình khám sàng lọc đái tháo đường mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang triển khai cũng như khám ở các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, số người bị đái tháo đường, tiền đái tháo đường thường rơi vào các trường hợp: Tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực, người trên 50 tuổi, gia đình có tiền sử bị tiểu đường týp 2, phụ nữ đã từng bị tiểu đường thai kỳ... Bác sĩ Trịnh Khanh cho biết: “Khi bị tiền đái tháo đường thì không điều trị bằng thuốc mà bác sĩ sẽ tư vấn giúp bệnh nhân thay đổi lối sống sinh hoạt, chế độ ăn uống, thực hiện giảm cân và tăng cường vận động, luyện tập thể dục đều đặn 3-4 ngày/tuần, mỗi ngày 30 phút để giúp ổn định được lượng glucose trong máu. Nếu thực hiện tốt thì khoảng 3-6 tháng, người tiền đái tháo đường có lượng đường trong máu trở lại mức bình thường”.

Tuy nhiên, với trường hợp tiền đái tháo đường, nếu không chăm chỉ thực hiện chế độ tập luyện, điều chỉnh ăn uống, sinh hoạt phù hợp thì nguy cơ chuyển thành đái đường typ 2 rất cao. Được biết, với chương trình khám sàng lọc đái tháo đường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tư vấn về đái tháo đường và tiền đái tháo đường cho bệnh nhân đến khám tại phòng khám cơ quan vào ngày 14, 15 hàng tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đang quản lý 328 bệnh nhân tiền đái tháo đường; qua tư vấn đã có 10 người có chỉ số đường huyết trong máu trở về bình thường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan, ăn uống không điều độ, kiêng khem. Đã có 6 người tiến triển thành đái tháo đường, 2 trường hợp bỏ cuộc không tham gia điều trị.

Bệnh nhân  đái tháo đường điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân đái tháo đường điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Khi đã bị đái tháo đường, lượng đường trong máu cao lâu ngày sẽ khiến cho quá trình oxy hóa diễn ra mạnh mẽ, từ đó gây tổn thương tới các mạch máu và tế bào và thường gây biến chứng, như: Tắc mạch vành tim, cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Đái tháo đường còn gây tổn thương thần kinh ngoại biên khiến bệnh nhân bị tê bì, yếu cơ (dấu hiệu này thường hay xảy ra ở bàn chân mà cụ thể là gây loét bàn chân); hoặc gây  tổn thương thần kinh thực vật dẫn đến các biểu hiện loạn nhịp tim, da khô, tiêu chảy, táo bón, đại tiện không kiểm soát được, khô âm đạo ở nữ giới hay rối loạn cương dương ở nam giới...

Khi đã chuyển biến thành tiểu đường týp 2 sẽ rất khó điều trị dứt điểm, người bệnh ngoài việc thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh còn cần đến sự hỗ trợ của thuốc; bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc kiểm soát đường huyết suốt đời. Bởi vậy, cách tốt nhất để phát hiện tiền đái tháo đường chính là khám sức khoẻ định kỳ, nhất là với những trường hợp yếu tố nguy cơ cao như đã nói ở trên. Việc phát hiện ngay ở giai đoạn tiền đái tháo đường sẽ giúp người mắc sớm điều chỉnh để lượng đường trong máu trở lại mức bình thường.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014