Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Nhắc nhớ tiêm chủng phòng bệnh từ đại dịch Covid-19

Cập nhật: 22/5/2020 | 7:37:42 PM

Từ đại dịch Covid – 19 có lẽ không ít người sẽ giật mình vì đã không cho trẻ đi tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh được Bộ Y tế khuyến cáo. Đại dịch này đã một lần nữa khẳng định tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch là một biện pháp phòng chống bệnh hữu hiệu nhất, đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho bản thân mỗi cá nhân, từ đó nâng cao miễn dịch phòng bệnh bao phủ trong cộng đồng. Bác sĩ CKI Trần Thị Diệp – Phó trưởng khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh chia sẻ rõ hơn về vấn đề này.

Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch là một biện pháp phòng chống bệnh hữu hiệu nhất

Phóng viên: Thưa bác sĩ, từ đại dịch Covid-19 một lần nữa đã khẳng định tầm quan trọng của vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, trước đại dịch thì không ít gia đình có tâm lý quan ngại khi cho con đi tiêm vắc xin. Vậy bác sĩ có khuyến cáo gì về thực trạng này?
Bs Trần Thị Diệp: Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, phụ huynh vẫn nên đưa con đi tiêm vắc xin đúng lịch. Việc trì hoãn lịch tiêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đã được loại trừ hoặc khiến các bệnh truyền nhiễm, bội nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, viêm họng, viêm phổi...trở nên nặng hơn và khó điều trị hơn.
Việc tiêm vắc xin đúng thời điểm và đúng lịch là rất quan trọng, cần thiết để kịp thời phòng được bệnh đã tiêm và để không nhầm lẫn với bệnh khác, không gây lo lắng cho gia đình và cộng đồng. 
Trong vòng 5 năm đầu đời trẻ mới xây dựng được hệ miễn dịch hoàn thiện vì vậy tiêm chủng đầy đủ là một cách tăng cường sức đề kháng hiệu quả với trẻ. Cha mẹ cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng tuân thủ đúng những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Bộ Y tế như đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra các phụ huynh luôn cập nhật thông tin đúng đủ về chủng Covid -19 này để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi vi rút Corona.
Những khu vực không có dịch phụ huynh vẫn có thể cho bé đi tiêm phòng theo lịch tiêm chủng phù hợp với lứa tuổi nhưng tránh những nơi tụ tập đông người, nên đặt lịch hẹn trước để không phải chờ đợi lâu và đến cơ sở y tế tin cậy có cơ sở vật chất đảm bảo.
Phóng viên: Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và tiêm chủng dịch vụ hiện nay đã cung cấp các loại vắc xin phòng những bệnh gì, thưa bác sĩ?
Bs Trần Thị Diệp: Hiện nay có trên 22 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh bao gồm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc xin dịch vụ.
Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay đang được tiêm chủng với 9 loại vắc xin, phòng được 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bảo gồm: Viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B, sởi, Viêm não Nhật bản, Rubella.
Hiện nay, ngoài tiêm chủng mở rộng triển khai tại các Trạm Y tế, phụ huynh có thể đưa con em đến các điểm tiêm chủng dịch vụ tiêm các vắc xin ngoài chương trình phòng các bệnh như: Bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, các bệnh do phế cầu, quai bị, thuỷ đậu, ung thư cổ tử cung, não mô cầu, cúm, thương hàn, tả, sốt vàng, viêm gan A, đặc biệt là bệnh dại…

Trẻ đến tiêm phòng tại Trạm y tế xã Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên vào ngày tiêm chủng định kỳ được sắp xếp bố trí đủ khoảng cách để phòng chống dịch Covid-19

Phóng viên: Sau thời gian tạm ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19 thì hiện tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục hoạt động trở lại. Vậy các điểm tiêm chủng đang triển khai hoạt động như thế nào để vừa phòng dịch Covid-19 và vừa đảm bảo công tác tiêm chủng đạt kết quả tốt, thưa bác sĩ?
Bs Trần Thị Diệp: Sau thời gian giãn cách xã hội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các điểm tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế cũng như các phòng tiêm dịch vụ trên toàn tỉnh trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, công tác triển khai các hoạt động tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch phải được các điểm tiêm chủng trên toàn tỉnh tuân thủ nghiêm về quy định phòng chống dịch covid – 19.
Với mục đích hạn chế mức thấp nhất gián đoạn hoạt động tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ và không để xảy ra dịch đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng,  đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm SARS cov2 tại các điểm tiêm chủng. Cụ thể:
Triển khai các hoạt động truyền thông sâu rộng đến người dân, nội dung truyền thông phù hợp từng vùng miền để làm sao tất cả người dân từ vùng núi đến xã đảo hay đồng bằng đều hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đồng thời nắm được các biện pháp phòng hộ cá nhân khi đưa trẻ đi tiêm chủng.
Đối với Trạm Y tế, các cơ sở tiêm chủng, thực hiện nghiêm phòng hộ cá nhân. Mỗi cán bộ y tế là tuyên truyền viên tư vấn về công tác tiêm chủng, hướng dẫn các phụ huynh thực hiện các biện pháp phòng bệnh khi đưa trẻ đến tiêm.
Các điểm tiêm chủng khi tổ chức buổi tiêm chủng phải: Lập kế hoạch tiêm chủng, gọi tiêm theo giờ đảm bảo không quá 20 trẻ trong cùng một thời điểm. Sàng lọc đối tượng trước buổi tiêm chủng: Đối với trẻ đang ốm, sốt, có biểu hiện viêm đường hô hấp trên thì chủ động tư vấn cho phụ huynh không đưa trẻ đi tiêm chủng. Người đưa trẻ đi tiêm chủng phải không có dấu hiệu ho, sốt, nghi ngờ nhiễm covid.
Bố trí điểm tiêm chủng: Có sơ đồ hướng dẫn các phòng tiêm; chuẩn bị nhiệt kế đo nhiệt độ, dung dịch sát khuẩn tay nhanh hoặc xà phòng rửa tay; bố trí các phòng đảm bảo một chiều, thông thoáng, đặc biệt bố trí thêm phòng chờ theo dõi sau tiêm, đánh dấu khoảng cách tối thiểu ngồi giữa các bà mẹ tại khu vực ngồi chờ trước tiêm và phòng chờ sau tiêm, hạn chế nói chuyện.
 Ngoài ra Trạm Y tế thực hiện rà soát toàn bộ các trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi các vắc xin trong chương trình, lập danh sách thông báo cho các gia đình đưa con đi tiêm chủng, nhằm đảm bảo trẻ  dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Kéo dài ngày tiêm chủng đối với các xã/ phường có số trẻ tiêm đông.
Đối với các phụ huynh, cần tuân thủ các hướng dẫn phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2 khi đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng; cung cấp các thông tin của trẻ cho cán bộ y tế; theo dõi trẻ tại điểm tiêm 30 phút và về nhà theo dõi tiếp trẻ trong 24- 48 giờ tiếp theo, thông báo cho cán bộ điểm tiêm chủng nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm.
Phóng viên:  Bệnh dịch thường có xu hướng gia tăng theo mùa, vậy bây giờ đang là mùa hè thì những bệnh truyền nhiễm nào có khả năng gia tăng, thưa bác sĩ?
Bs Trần Thị Diệp: Các bệnh mùa hè thường gặp như: Bệnh viêm não (viêm não Nhật Bản, não mô cầu), dại, cúm, tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, tiêu chảy... Tuy nhiên,  hiện nay các dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, không còn đúng như lý thuyết. Một số bệnh xuất hiện quanh năm, ví dụ: Bệnh sởi trước đây thường xuất hiện vào mùa xuân tuy nhiên hiện nay bệnh sởi xuất hiện quanh năm.
Phóng viên:  Như thông tin bác sĩ vừa chia sẻ thì vào mùa hè này rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có xu hướng gia tăng nếu mỗi chúng ta không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, vậy bác sĩ có khuyến cáo gì để người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng?
Bs Trần Thị Diệp: Để chủ động phòng bệnh mùa hè người dân cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao thể trạng. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi. Vệ sinh môi trường xung quanh, thu gom, lật úp các phế thải giảm nguồn sinh sản của véc tơ truyền bệnh. Khi xuất hiện các biểu hiện nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, một biện pháp phòng chống bệnh hữu hiệu nhất đó là tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và các vắc xin ngoài chương trình để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho bản thân mỗi cá nhân, từ đó nâng cao miễn dịch phòng bệnh bao phủ trong cộng đồng. Trẻ chưa được tiêm đủ mũi cần khẩn trương đi tiêm để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ sớm nhất
Phóng viên:  Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
 

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014