Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Nhật ký đại dịch: Những cánh chim không mỏi!

Cập nhật: 18/8/2020 | 11:14:03 AM

Cuối tháng 12 năm 2019, tin tức về những ca bệnh nhiễm virus lạ được gọi tên là virus Corona đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc nghe như xa xôi lắm và chẳng có chút liên quan gì tới Việt Nam. Nhưng chỉ sau đó gần 2 tháng, Covid-19 đã nhanh chóng phát tán một cách khó lường và trở thành nỗi kinh hoàng, sợ hãi của toàn thế giới với tốc độ lây lan chóng mặt.

Khi không khí Tết bắt đầu rộn ràng khắp ngõ xóm cũng là lúc những thông tin cực xấu về tình hình dịch bệnh bắt đầu lan tới Việt Nam. Chưa bao giờ, mọi người đón một cái Tết trong cái thấp thỏm, lo âu đến vậy. Với những người khác, nỗi lo ở đây là việc dịch bệnh liệu có đến Việt Nam? Việt Nạm liệu có kiểm soát được tình hình dịch bệnh lây lan hay không? Việt Nam sẽ làm gì để vượt qua đại dịch khủng khiếp này?. Nhưng với cán bộ của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Quảng Ninh, đặc biệt là những cán bộ trẻ tuổi đời mới 22-30, có người mới ra trường, tuổi nghề chỉ được tính bằng ngày, bằng tháng thì hiểu rõ hơn ai hết là họ sắp phải đối mặt với những chuỗi ngày đầy khó khăn và gian khổ để “chống dịch” và “dập dịch”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Covid-19 đã trở thành nhân tố chính trong cuộc sống và công việc. Rất nhanh chóng, mọi việc được triển khai từ Trung ương cho tới địa phương, các tỉnh thành, huyện thị tới nông thôn. Khoanh vùng và xử lý ổ dịch là công việc được Việt Nam triển khai ngay lập tức nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh. Trong giai đoạn mới này, những cán bộ ngành y đều phải học các thuật ngữ y tế mới, thích nghi với những phương thức làm việc mới, học những kỹ năng số mới, thậm chí phải nhanh chóng nghĩ ra cách làm việc mới để làm thế nào khống chế được dịch bệnh một cách hiệu quả.
Tết, sau phút giao thừa với cơn mưa bất thường là những chuỗi ngày bất thường không kém. Thông tin về dịch bệnh khi đó vẫn còn đang rất mập mờ và xa xôi. Quảng Ninh là điểm đến được khách du lịch ưa thích và lựa chọn là điểm dừng chân đón tết Việt. Công tác tuyên truyền và truyền thông về nguy cơ dịch bệnh, sự khó lường trong đường đi và lây lan của của virus, cách phòng chống Covid-19… cho người dân cũng như khách du lịch là rất quan trọng. Không ai khác, chính những cán bộ CDC Quảng Ninh mang trong mình trọng trách lớn đã dành cả cái tết cổ truyền của mình để đón tết Covid như vậy. Từ mùng 3 tết, họ đã có mặt ở các điểm du lịch, sân bay và các điểm chốt phòng chống dịch trong địa bàn tỉnh để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về cách phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho du khách. Đây thật sự là một việc làm quan trọng ngay lúc đó để cảnh báo đến người dân, du khách về mức độ nguy hiểm của loại virut mới này.

Ngay từ mùng 3 tết âm lịch năm 2020 các cán bộ CDC Quảng Ninh đã có mặt tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19

Mùng 7 tết, tình hình dịch bệnh bắt đầu diễn biến căng thẳng hơn, khi Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhận định, Móng Cái là thành phố có nguy cơ cao bùng phát dịch tại miền Bắc do có cửa khẩu Quốc tế tiếp giáp với Trung Quốc. Ngay tức thì CDC Quảng Ninh đã điều động 2 đội phản ứng nhanh trong đó phần lớn là các bác sỹ, kỹ thuật viên trẻ lên đường ra Móng Cái để hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại đây. Chốt chặn quan trọng ngăn ngừa dịch bệnh tràn vào Quảng Ninh lúc bấy giờ.

Mùng 7 tết các cán bộ CDC Quảng Ninh – hầu hết là các cán bộ trẻ đã xung phong lên đường ra thành phố Móng Cái hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại thành phố cửa khẩu quan trọng này.

“Tết Covid-19” – Một danh từ hoàn toàn mới trong từ điển khi nó kéo dài từ mùa xuân tới mùa hạ. Trong khi mọi người “nghỉ tết” theo chỉ thị của Thủ tướng thì ngành y lại đang căng mình hơn bao giờ hết để chiến đấu với dịch bệnh. Ở tuyến đầu chống dịch, trong khi các y, bác sỹ đầu ngành nhiều tháng không được về nhà, chỉ được gặp gỡ người thân qua màn hình điện thoại, bàn tay nhăn nheo vì đeo găng tay y tế cả ngày, sống mũi hằn lên một đường đỏ ửng vì đeo khẩu trang ngày đêm bám sát người bệnh. Thì ở tuyến sau, những cán bộ CDC Quảng Ninh, những bác sỹ, kỹ thuật viên… cũng đang gồng mình, căng sức để phối hợp công việc một cách hiệu quả, nhanh chóng và chính xác nhất. 
Trong một những công việc mà họ chưa từng đối mặt như: Xác định nhanh chóng những trường hợp tiếp xúc F1, F2…với những ca dương tính có yếu tố quyết định trong việc khoanh vùng và xử lý ổ dịch, điều tra, giám sát, lập danh sách, lên phương án tiếp đón những trường hợp nhập cảnh, tổ chức cách ly… nhiều người hồ nghi rằng: Những cán bộ, kỹ thuật viên ấy còn trẻ quá thế thì làm được gì khi chưa hề có kinh nghiệm trong phòng chống dịch, trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân? Họ làm được gì trước một đại dịch toàn cầu như thế trong khi mới ra trường chỉ với một mớ lý thuyết?
Gạt bỏ những nghi vấn ấy, họ lao vào công việc với lòng nhiệt huyết tràn trề. Bỏ lại mùa xuân với những lễ hội, cờ hoa, họ đón chào mùa xuân Covid với cách rất riêng của “sức trẻ” khi hoàn thành báo cáo, giám sát, xử lý, phân tích số liệu, dự báo tình hình dịch hay thậm chỉ là chỉ đạo trong công tác giám sát, chỉ định lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc đối tượng, khoanh vùng xử lý dịch… một cách nhanh chóng. 

CDC Quảng Ninh là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên trên cả nước đủ năng lực và điều kiện để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày từ đầu tháng 3/2020

Cùng với đó, các kỹ thuật viên xét nghiệm cũng nhanh chóng tìm tòi học hỏi các kỹ thuật mới do Viện vệ sinh dịch tễ TW hướng dẫn để làm chủ kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc viruts SARS-CoV-2 một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Kết quả mà họ đạt được, đó là CDC Quảng Ninh là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên trên cả nước được cộng nhận đủ năng lực và điều kiện để xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. 
Những thành công bước đầu đó đã khiến họ càng có động lực hơn nữa để cống hiến và chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh mà không một chút do dự, sợ hãi nào. Không khí đón một cái “tết Covid” dài cũng vì thế mà “rộn ràng” và “hào khí” hơn.
Với địa bàn rộng lớn, tiếp giáp với đường biên giới Trung Quốc và có 3 cửa khẩu thông thương với Trung Quốc cộng với nguồn lực mỏng nên việc khoanh vùng, lập danh sách, đón các chuyến bay, phân luồng, cách ly hàng nghìn người nhập cảnh vào Việt Nam, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin về tình hình dịch bệnh thông qua truyền hình, phát thanh, báo chí, trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, ứng dụng cài trên điện thoại…gặp không ít khó khăn. Nhưng bằng sự linh hoạt, nhanh nhạy của tuổi trẻ, họ vẫn hoàn thành công việc một cách dễ dàng đầy thuyết phục.
Sau cái tết Covid đáng nhớ ấy, Việt Nam tạm thời chiến thắng đại dịch lần thứ nhất. Quảng Ninh đã không có ca nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Những ca bệnh được phát hiện đều được khoanh vùng khống chế ngay lập tức. Thành công bước đầu đó  là một dấu ấn lớn đối với ngành y tế Quảng Ninh.
Cuối tháng 7 vừa qua, cả nước lại “trải qua làn sóng dịch Covid mới” khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở Đà Nẵng. “Những người trẻ”  đã có kinh nghiệm hơn, cứng rắn và nhanh nhậy hơn trong mọi công việc được giao. Họ đối mặt với đợt sóng mới này một cách bình tĩnh hơn, chủ động hơn và tự tin hơn rất nhiều. 
Vẫn những công việc ấy, vẫn những con người ấy nhưng áp lực bây giờ lớn hơn rất nhiều. Dịch bệnh bùng phát và biến đổi khó lường đòi hỏi những “chiến sỹ” phải chiến đấu hết mình không ngừng nghỉ. 

Những cán bộ CDC Quảng Ninh vẫn lặng lẽ làm việc như những cánh chim không mỏi trong thời gian qua để góp phần khống chế không để dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh

Trong những phút giải lao hiếm hoi, một bác sỹ trẻ vừa cởi bỏ bộ đồ phòng hộ vướng víu, nóng nực vừa kể lại câu chuyện về sự lo lắng của mẹ cậu ấy rằng: Bà không hiểu rõ về những điều thế giới đang đối mặt với đại dịch này, nhưng bà biết rằng nếu ai đó không may nhiễm phải “con virus lạ đó thì không có thuốc chữa”. Bà lo lắng cho cậu con trai độc nhất, tuổi trẻ còn dài, thanh xuân còn đang phơi phới phía trước, ngộ nhỡ “dương tính với Covid thì phải làm sao”? Cậu bác sỹ trẻ ấy chỉ cười với mẹ và rằng, không có “con virus” nào đánh bại được chúng con vì chúng con có nhiệt huyết, có lòng tin, có sức chiến đấu… nếu chẳng may nhiễm bệnh thì chỉ đơn thuần chúng con bị loại khỏi cuộc chiến vài hôm mà thôi. Rồi chúng con sẽ tiếp tục quay lại chiến đấu, không những chỉ ở cuộc chiến này mà cả những cuộc chiến cam go khác trong cuộc đời.
Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài chưa biết hồi kết nhưng những cán bộ CDC Quảng Ninh vẫn tự tin hướng về phía trước đối mặt với khó khăn như những cánh chim không mỏi hướng tới bầu trời bình yên. Đúng như lời một bài hát mà bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã cất lên: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng, nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương, nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm. Là người, tôi sẽ chết cho quê hương!”. 
 

 

 

 

(Nguồn: Alo)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014