Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Những người mang niềm tin, sự sống cho người bệnh

Cập nhật: 27/2/2020 | 8:16:07 AM

Khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng, mỗi cán bộ, nhân viên ngành Y tế Quảng Ninh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề. Họ là những “chiến sĩ” luôn "chiến đấu" hết mình để mang lại niềm tin, sự sống cho bệnh nhân.

Thầm lặng nơi tuyến đầu

Chúng tôi gặp bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khi chị và đồng nghiệp vừa hoàn thành chuyến giám sát dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở. 

Không chỉ dịch Covid-19, những bác sĩ tuyến đầu phòng chống dịch như bác sĩ Diệp rất dễ gặp rủi ro từ dịch bệnh như cúm H1N1, H5N1, H7N9, sốt xuất huyết, sởi... Bác sĩ Diệp cho biết: “Công việc của khoa rất nguy hiểm vì khi dịch bùng phát, anh em phải sẵn sàng lao vào vùng dịch để giám sát, khống chế, khoanh vùng, lấy mẫu và xử lý dập dịch kịp thời. Khi không có dịch vẫn phải thường xuyên giám sát bệnh truyền nhiễm, kiểm tra các ổ dịch cũ, vào các vùng có nguy cơ cao để giám sát bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm. Cán bộ dự phòng cũng là người đầu tiên tiếp xúc với các bệnh nhân mang mầm bệnh trong cộng đồng. Vất vả, nguy hiểm nhưng anh em vẫn rất tận tụy, trách nhiệm".

Bác sĩ Trần Thị Diệp đang đi giám sát bệnh tại cộng đồng.
Bác sĩ Trần Thị Diệp giám sát tiêm chủng tại TX Quảng Yên.

Hiểm nguy, rủi ro thì nhiều song những bác sĩ dự phòng như chị là những chiến sĩ tuyến đầu thầm lặng, ít ai biết đến. Công việc cán bộ dịch tễ vất vả, và càng vất vả hơn khi lại là cán bộ nữ. Tuy nhiên, chính những khó khăn ấy lại là động lực để họ sát cánh cùng nhau bám trụ với nghề, chấp nhận đương đầu với thử thách khắc nghiệt. Chị đã cùng với các đồng nghiệp của mình nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, đưa ra những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay. Điển hình như đề tài Ứng dụng phần mềm giám sát cảnh báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm và sự kiện y tế công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2018-2020; tham gia nghiên cứu thử nghiệm vắc xin ROTAVIN-M1 giai đoạn 3 ngẫu nhiên mũ kép không hoàn toàn trên trẻ khỏe mạnh tại Việt Nam... Đặc biệt, với hoạt động tiêm chủng do chị phụ trách đã được triển khai rất hiệu quả và đều hoàn thành chỉ tiêu chuyên môn giao.

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, bác sĩ Diệp còn tích cực trong công tác đoàn thể với vai trò Phó Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Với những nỗ lực trong công tác chị đã nhận được nhiều phần thưởng của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. "Nếu lựa chọn lại, tôi vẫn chọn làm bác sĩ dự phòng. Tôi rất tự hào về Trung tâm của chúng tôi - một ngôi nhà đoàn kết phát triển và lan tỏa. Bởi thế, con gái tôi vẫn thường nói "mẹ có một công việc rất happy” - Bác sĩ Diệp chia sẻ.

Nỗ lực hết mình vì sức khỏe người dân

Với bác sĩ Bạch Vân Đông, Trưởng Khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy, việc nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo là niềm vui và trách nhiệm lớn của người thầy thuốc.

Cách đây 9 năm, chị N.T.M.H. được các bác sĩ chẩn đoán suy thận mạn, tiên lượng phải lọc máu chu kỳ. Lúc đó, chị H. lựa chọn phương pháp điều trị bằng thuốc nam nhưng bệnh tình ngày càng nặng hơn. 

Bác sĩ
Bác sĩ Bạch Vân Đông khám cho người bệnh chạy thận nhân tạo tại Khoa.

Tái khám tại Bệnh viện Bãi Cháy, chị H. được chuyển đến điều trị tại Khoa Thận - Lọc máu. Trực tiếp bác sĩ Đông hướng dẫn tỉ mỉ phương pháp điều trị chạy thận nhân tạo, cũng như động viên để chị H. yên tâm điều trị. “Từ chỗ vô cùng chán nản, nhưng được bác sĩ Đông cùng các y, bác sĩ ở đây động viên, chăm sóc cả về sức khỏe lẫn tinh thần, từ đó tôi thực sự tin tưởng và xác định điều trị lâu dài tại bệnh viện” - chị H. chia sẻ.

“Không chỉ học hỏi nâng cao về chuyên môn, chúng tôi phải luôn nắm bắt tâm lý của người bệnh, tìm hiểu hoàn cảnh của họ để động viên, thuyết phục, chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.” - bác sĩ Đông tâm sự.

Đó chỉ là một trong những khó khăn của bác sĩ Đông cùng các đồng nghiệp. Hồi mới tách đơn nguyên thận - lọc máu thành khoa riêng, khó khăn đủ đường, từ thiếu nhân sự đến trang thiết bị máy móc. Một năm, anh cùng các y, bác sĩ thường xuyên phải làm việc xuyên ca. Với vai trò Trưởng Khoa, bác sĩ Đông luôn động viên đồng nghiệp, tạo sự đoàn kết để cùng vượt qua khó khăn.

Bác sĩ Đông đã nghiên cứu áp dụng nhiều đề tài, như: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân viêm đường tiết niệu; đánh giá hiểu biết và khả năng tự chăm sóc cầu nối thông động tĩnh mạch của bệnh nhân lọc máu chu kỳ…; và sắp tới là triển khai kỹ thuật lọc máu HDF online, giúp hỗ trợ loại bỏ các độc tố đối với bệnh nhân lọc máu chu kỳ lâu năm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Mỗi năm Khoa Thận - Lọc máu đã điều trị từ 1.000-1.200 lượt bệnh nhân; lọc máu cho 85-90 bệnh nhân chu kỳ 3 lần/tuần với tổng số 12.500 ca/năm...

Bác sĩ kiêm chuyên gia tâm lý

Là một trong những bác sĩ được điều động từ tuyến tỉnh về làm việc tại Bệnh viện Cách ly đặc biệt TP Móng Cái (bệnh viện số 1), bác sĩ Dương Văn Linh, Trưởng khoa Khám bệnh - Cấp cứu lưu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, luôn mang quyết tâm, trách nhiệm, y đức của người thầy thuốc cùng đồng nghiệp nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.

Công tác phòng, chống, kiểm soát, sẵn sàng các biện pháp ứng phó với dịch bệnh hiện là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, ưu tiên số một không chỉ của TP Móng Cái mà còn của toàn tỉnh. Bệnh viện Cách ly đặc biệt TP Móng Cái được thành lập có chức năng thu dung, khám bệnh, điều trị và theo dõi bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh Covid-19 (nếu có).

Bác sĩ Dương Văn Linh khám, chẩn đoán bệnh cho bệnh nhi
Bác sĩ Dương Văn Linh khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Sản Nhi.

Hơn 2 tuần làm việc liên tục tại Bệnh viện số 1, bác sĩ Linh cùng với 50 bác sĩ, điều dưỡng thường trực 24/24h để đón tiếp, khám bệnh, chăm sóc cho 26 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19. Hàng ngày, bác sĩ Linh phải đối mặt với áp lực từ số lượng bệnh nhân đông ở đủ mọi lứa tuổi, nhiều đối tượng dịch tễ. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện nghiêm ngặt các quy định của bệnh viện cách ly, quy trình kiểm soát bệnh tật... Theo đó, tất cả các bệnh nhân đang được theo dõi nghiêm ngặt, cách ly mỗi người/phòng, an ninh bảo vệ nghiêm ngặt. 

Tại đây, bác sĩ không chỉ khám, điều trị cho bệnh nhân mà còn là chuyên gia tâm lý, nhất là với những trường hợp quá hoang mang, lo lắng. Bác sĩ Linh chia sẻ: "Người dân khi nghe nói về dịch bệnh mới thường lo lắng. Bởi thế khi người dân đến khám, chăm sóc và điều trị, tùy theo từng trường hợp chúng tôi sẽ đưa ra những lời khuyên khác nhau. Mỗi bác sĩ lúc này còn là chuyên gia tâm lý động viên, khích lệ tinh thần bệnh nhân, đồng thời là tuyên truyền viên về phòng chống dịch bệnh".

Cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Các y, bác sĩ vẫn ngày ngày ở tuyến đầu chống dịch, trực tiếp chiến đấu với virus corona. Tất cả họ đều đang nỗ lực sớm dập tắt được sự lây lan và mang lại cuộc sống bình thường cho người dân. “Với kiến thức, chuyên môn và kỹ năng đã được trang bị, chúng tôi tự tin đảm bảo hiệu quả tối đa trong hoạt động tiếp nhận, khám, điều trị, hạn chế nguy cơ dịch xâm nhập, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19” - bác sĩ Dương Văn Linh khẳng định.

 

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014