Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng, chống dịch bệnh mùa nắng nóng

Cập nhật: 22/6/2021 | 9:21:33 AM

Bên cạnh phòng, chống dịch Covid-19, Quảng Ninh cũng phải đối mặt với một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa nắng nóng.

 

Không khí tổng vệ sinh môi trường tại xã Lê Lợi. Hong phuong CTV

Người dân xã Lê Lợi (TP Hạ Long) dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Hồng Phương (CTV)

Theo các bác sĩ, bệnh dễ gặp trong thời điểm nắng nóng mùa hè là: Sốt xuất huyết; tay chân miệng, cúm, rubella, đau mắt đỏ, thuỷ đậu, viêm não do vi rút, bệnh dại, bệnh liên quan đến đường tiêu hoá... Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh: 5 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 274 ca bệnh thủy đậu, 29 ca quai bị, 1.110 trường hợp mắc cúm mùa, 23 ca bệnh tay chân miệng, 16 ca mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Trước tình hình đó, CDC tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường giám sát dịch bệnh ở bệnh viện và trong cộng đồng. Cán bộ CDC tỉnh trong quá trình giám sát tại cơ sở luôn đôn đốc, hướng dẫn tuyến huyện, tuyến xã trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, ở những địa phương xuất hiện liên tiếp các ca bệnh gây dịch, như bệnh thủy đậu ở Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên; sốt xuất huyết ở Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên, Móng Cái..., CDC tỉnh đã cử cán bộ đến cùng khoanh vùng, xử lý, không để lây lan thành dịch lớn.

Sở Y tế tích cực phối hợp với các sở, ngành và BCĐ các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phát hiện, phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo các đơn vị y tế tích cực giám sát, phát hiện ca bệnh và khoanh vùng xử lý ổ dịch, nhằm ngăn chặn dịch lây lan; thực hiện diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết.

Nhân viên Trạm Y tế phường Hồng Hải tiêm phòng cho học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (Hạ Long) trong chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Bạch hầu - Uốn ván giảm liều năm 2020

Nhân viên Trạm Y tế phường Hồng Hải (TP Hạ Long) tiêm phòng cho học sinh trong chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin bạch hầu - uốn ván giảm liều năm 2020.

CDC tỉnh phối hợp với các phòng y tế, trung tâm y tế cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý môi trường y tế tại các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế cấp xã; hướng dẫn công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại nơi làm việc, ký túc xá người lao động...

Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng vào cuộc tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm được nhiều nơi phát động. Các ban, ngành, đoàn thể còn tuyên truyền người dân ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ đầu năm đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường.

Người dân chấp hành tốt hơn việc đưa con em đi tiêm phòng đúng độ tuổi, tiêm phòng một số loại bệnh có nguy cơ lây truyền cao... 5 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 7.446 trẻ em dưới 1 tuổi tiêm phòng đủ 8 loại vắc xin, 1.599 trường hợp tiêm phòng bệnh dại...

Điều đáng mừng là hệ thống giám sát của CDC tỉnh và một số đơn vị y tế được thực hiện khá tốt, kịp thời phát hiện nhiều loại vi rút, vi khuẩn có thể gây bệnh thành dịch, từ đó có sự ngăn chặn, phun diệt nhanh chóng. Đặc biệt hoạt động phun, khử trùng phòng, chống dịch Covid- 19, phun diệt côn trùng làm lây lan các dịch bệnh được đẩy mạnh. Cụ thể, CDC tỉnh trực tiếp thực hiện và phối hợp Bộ CHQS tỉnh, Quân khu 3 phun khử trùng 338.000m2 bằng Cloramin B phòng chống dịch Covid-19 khu dân cư, sân bay Vân Đồn, huyện Đông Triều, các khu cách ly tập trung, một số địa điểm trên địa bàn TP Hạ Long phục vụ các sự kiện chính trị của tỉnh...

Theo CDC tỉnh, để phát huy tốt nhất công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm thường gặp trong mùa hè, điều quan trọng vẫn là ý thức của mỗi người dân. Các gia đình cần đưa con em đi tiêm đầy đủ các loại vắc xin, nhất là trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng bắt buộc. Người dân cần đảm bảo vệ sinh về môi trường, nước sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống hằng ngày; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Cần phòng tránh muỗi đốt bằng cách dọn dẹp đồ đạc, úp các chum, vại, đồ vật chứa nước để muỗi không có nơi đẻ trứng; bồn hoa, cây cảnh chứa nước cần thường xuyên thay nước hoặc nuôi cá cảnh để tiêu diệt bọ gậy; hằng năm phun muỗi định kỳ trong nhà; đi ngủ cần mắc màn...

Khi thấy người thân trong gia đình có các dấu hiệu bất thường, như sốt cao, co giật, nôn vọt, cứng gáy... cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị kịp thời.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014