Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Quảng Ninh sử dụng đồng thời hai loại vắc xin 5 trong 1 từ tháng 8/2019 trong tiêm chủng mở rộng

Cập nhật: 23/8/2019 | 7:31:15 AM

Tại tỉnh Quảng Ninh, trong tháng 8/2019 sẽ triển khai đồng thời 02 loại vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib (ComBE Five) và vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) trong tiêm chủng mở rộng. Đây là hai loại vắc xin phối hợp để phòng 5 bệnh truyền nhiễm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib và viêm gan B.

Hãy đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để bảo vệ sức khỏe cho trẻ

Vắc xin ComBe Five đã được triển khai tại tỉnh Quảng Ninh cũng như trong toàn quốc từ cuối năm 2018. Để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vắc xin phối hợp DPT- VGB - Hib trong Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã cho phép sử dụng  đồng thời vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) với ComBe Five trong tiêm chủng mở rộng. Vắc xin SII do Viện huyết thanh Ấn Độ sản xuất với thành phần, lịch tiêm chủng và hiệu quả phòng bệnh tương đương như các loại vắc xin DPT-VGB-Hib đã sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng (Quinvaxem và ComBE Five). Vắc xin SII đã được cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 9 năm 2018.
Theo kế hoạch trong tháng 8/2019, 05 huyện/thành phố: Hoành Bồ, Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Hạ Long sẽ triển khai đồng thời 2 loại vắc xin ComBE Five và vắc xin SII trong tiêm chủng mở rộng. Các huyện/thị xã/thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tiêm vắc xin ComBe Five. Dự kiến, từ tháng 9/2019 trở đi toàn tỉnh sẽ triển khai đồng loạt 2 loại vắc xin này.
Bác sĩ CKI Trần Thị Diệp - Phó khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh cho biết: “Vắc xin SII có thành phần ho gà toàn tế bào, phản ứng sau tiêm đối với vắc xin sẽ tương tự như vắc xin ComBe Five hay Quinvaxem; vì vậy, để đảm bảo an toàn tiêm chủng các cơ sở tiêm chủng cần tuân thủ công tác khám sàng lọc trước tiêm chủng, tư vấn bà mẹ theo dõi phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng, khi phát hiện dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.”
Cũng giống như vắc xin Quinvaxem và ComBE Five, không tiêm vắc xin SII cho trẻ nếu trẻ có tiền sử phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc vắc xin viêm gan B, vắc xin Hib như: Sốt cao trên 39°C kèm co giật; Dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở trong vòng 2 ngày sau tiêm vắc xin; Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin; Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 1 ngày sau tiêm vắc xin; Giảm trương lực cơ trong vòng 2 ngày sau tiêm vắc xin; Trường hợp có vấn đề liên quan đến thần kinh hoặc bị viêm não sau mũi tiêm trước đó. Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, bác sĩ CKI Trần Thị Diệp khuyến cáo các bậc cha mẹ khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần tuân thủ các nội dung: 
“Mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân của trẻ; Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoăc có bất thường gì khác; Yêu cầu các cán bộ y tế thông báo về các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng; Chủ động đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi tiêm; Đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng thời gian, địa điểm đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm chủng không quá đông và cán bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng an toàn. Sau khi tiêm chủng trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1-2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu sau: toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm.”
Sau khi tiêm chủng, trẻ có thể có những biểu hiện như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, các bà mẹ cần chú ý đến trẻ, cho trẻ bú nhiều hơn, theo dõi nhiệt độ, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Khi trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ không đỡ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí. Nếu cha mẹ không yên tâm về những phản ứng của con sau khi tiêm chủng có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách theo dõi và chăm sóc trẻ.
Lịch tiêm chủng 3 mũi vắc xin ComBe Five và vắc xin SII là trẻ 2,3 và 4 tháng tuổi. Nếu mũi nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm sớm vào thời gian sau đó mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu, khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng. Cha mẹ cần theo dõi lịch tiêm chủng và đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
 

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014