7/8/2012 | 1:36:20 PM

Acid uric trong máu, khi nào cần điều trị?

Chỉ số xét nghiệm máu được nam giới quan tâm nhiều hiện nay là acid uric. Khi thấy kết quả acid uric trong máu cao, không ít bệnh nhân đã lo lắng. Còn bác sĩ cũng có người vội vã kê thuốc mà không quan tâm đến các dấu hiệu lâm sàng.
Xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh - Ảnh: N.C.T.

Ngày 17-7, bà N.T.K.L. cho biết con trai bà là N.T.K. (23 tuổi, TP.HCM) đi khám sức khỏe tổng quát tại một cơ sở y tế ở TP để làm hồ sơ xin việc làm. Kết quả xét nghiệm máu của con bà ghi nhận chỉ số acid uric trong máu là 6,23mg/dl. Bác sĩ nói acid uric như vậy là cao và kê toa cho con bà uống thuốc một tháng, điều chỉnh chế độ ăn uống rồi quay lại tái khám xem acid uric có hạ xuống không.

Dị ứng nặng!

Uống thuốc đến ngày thứ 23, anh K. thấy hơi bị ngứa ngoài da, nổi hạt nhỏ li ti. Vì không được bác sĩ tư vấn trước nên anh K. không biết đó là những triệu chứng ban đầu của dị ứng thuốc. Do đó anh vẫn tiếp tục uống thuốc và bị dị ứng nặng hơn, có biểu hiện nóng sốt, mẩn đó nổi nhiều hơn, dày hơn, lan lên hết cả mặt và nhiều chỗ trong cơ thể. Gia đình vội đưa anh K. đến Bệnh viện Da liễu TP khám và bác sĩ cho toa thuốc về nhà điều trị. Dù uống thuốc của bệnh viện nhưng tình trạng dị ứng thuốc của anh K. vẫn không bớt. Anh K. vẫn sốt cao 39,5OC nhưng uống thuốc hạ sốt một lúc rồi sốt trở lại, người đỏ toàn thân, mặt mày sưng húp.

Ngày 7-7, anh K. được người nhà tức tốc đưa vào Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM cấp cứu. Ngày 16-7 anh K. mới được xuất viện, dù tình trạng nhiễm độc gan vẫn còn và bác sĩ hẹn phải quay lại tái khám để kiểm tra xem men gan tăng cao có giảm không. Bà L. thắc mắc sao bác sĩ lại cho thuốc không tư vấn, cảnh báo bệnh nhân biết nguy cơ gây dị ứng nặng của thuốc.

Bệnh do mất cân bằng chuyển hóa

Acid uric trong máu bao nhiêu là cao?

Nếu chỉ số acid uric trong máu dưới 7mg/dl là bình thường. Chỉ khi nào ở mức 13mg/dl mới có nguy cơ bệnh tim mạch và cần điều trị thuốc hạ acid uric. Các trường hợp khác đều không có chỉ định dùng thuốc, trừ bệnh nhân có tình trạng hủy tế bào quá nhiều như ở bệnh nhân bị ung thư phải hóa trị hoặc xạ trị.

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan - trưởng khoa cơ xương khớp Bệnh viện Nhân Dân 115 - cho biết acid uric là sản phẩm của một chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Khi tế bào chết đi, nhân của nó bị phá hủy và chuyển hóa thành acid uric. Đây là nguồn acid uric nội sinh. Ngoài ra, những loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật cũng có nhân tế bào, khi vào cơ thể qua đường ăn uống sẽ chuyển hóa thành acid uric. Đó là nguồn acid uric ngoại sinh, trong đó các loại thực phẩm nội tạng động vật, hải sản... sẽ được chuyển hóa thành acid uric rất nhiều. Acid uric là một chất thừa trong cơ thể, được thải loại 80% qua đường niệu, 20% qua đường tiêu hóa và da. Bên cạnh đó, rượu bia có tác dụng kích hoạt men xanthine oxidase gây tăng sản xuất acid uric. Do đó, acid uric tăng cao trong máu có liên quan đến việc ăn nhiều đạm động vật và uống nhiều rượu bia. Đây là lý do nam giới bị tăng acid uric nhiều hơn phụ nữ.

Theo bác sĩ Thục Lan, trong quá trình chuyển hóa của cơ thể khi nguồn tạo ra acid uric và thải loại acid uric bị mất cân bằng hoặc tạo acid uric nhiều nhưng thải ra ít thì sẽ làm acid uric bị giữ lại trong máu. Khi đó acid uric sẽ lắng đọng trong các mô. Nơi acid uric thường lắng đọng nhất là các khớp và gây ra bệnh đặc trưng là gút. Ngoài ra, acid uric còn lắng ở tim gây bệnh tim mạch, lắng ở thận gây suy thận, lắng ở đường niệu gây ra sỏi thận. Tuy nhiên có những trường hợp acid uric trong máu rất cao do nó được tạo ra nhiều mà thải ít người ta gọi là tăng acid uric máu chứ không gọi là bệnh gút.

Bị gút mới uống thuốc

Bác sĩ Thục Lan khẳng định muốn xác định bệnh nhân có bị bệnh gút mãn tính hay không, bác sĩ phải dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán gút chứ không chỉ dựa vào nồng độ acid uric trong máu đơn thuần. Chỉ khi xác định chính xác bệnh nhân bị gút mới chỉ định dùng thuốc và khi dùng thuốc cũng phải cân nhắc vì các thuốc điều trị gút đều có nhiều tác dụng phụ. Như thuốc kháng viêm corticoid nếu điều trị không đúng sẽ gây lệ thuộc thuốc, suy tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, tăng nguy cơ nhiễm trùng; hoặc nhóm thuốc kháng viêm non-steroid cũng có thể đưa đến xuất huyết tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng, suy thận. Với bệnh nhân chỉ tăng acid uric trong máu mà không có triệu chứng, khuyến cáo của Hiệp hội Khớp Hoa Kỳ và của Hiệp hội Khớp châu Âu đều nói không có chỉ định điều trị, trừ trường hợp có nguy cơ quá cao cho bệnh tim mạch.

Khi có bệnh nhân bị acid uric trong máu cao cũng như bệnh gút tới khám, trước tiên bác sĩ phải tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp để cơ thể không tạo ra thêm acid uric. Cụ thể, bệnh nhân phải hạn chế ăn đạm động vật, ăn nhiều rau quả, không được uống rượu bia. Nếu đã điều chỉnh chế độ ăn uống mà acid uric vẫn cao mới cần dùng thuốc. Khi chỉ định thuốc, bác sĩ nên cảnh báo cho bệnh nhân biết nguy cơ bị phản ứng thuốc và tư vấn phải ngưng thuốc ngay khi có biểu hiện phản ứng thuốc cho người bệnh biết, cũng như hướng dẫn bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814