22/12/2016 | 8:41:10 AM

Ai dễ bị ung thư thực quản?

Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản.

Thực quản là một ống tiêu hóa chứa thức ăn và các chất lỏng đi từ họng xuống dạ dày dài khoảng 25cm. Các tuyến của thực quản chế tiết ra các chất nhầy giúp làm ẩm đường dẫn thức ăn và thức ăn có thể đi xuống dạ dày dễ dàng hơn.

Ung thư xuất phát từ thực quản bao gồm hai loại chính là ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến tùy thuộc vào loại tế bào ung thư. Ung thư biểu mô vảy xuất phát từ tế bào dạng biểu bì ở thành thực quản và thường xuất phát ở phần trên và giữa thực quản. Ung thư biểu mô tuyến thường phát triển từ tổ chức tuyến ở phần dưới thực quản. Khi khối u lan tràn ra ngoài thực quản, đầu tiên nó thường đi đến hệ bạch huyết. Ung thư thực quản cũng có thể xâm lấn ra hầu hết các bộ phận khác của cơ thể bao gồm: gan, phổi, não, xương...

Yếu tố nguy cơ ung thư thực quản

Yếu tố gây bệnh chính xác của ung thư thực quản hiện nay chưa rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là: bệnh nhân lớn tuổi (phần lớn mắc bệnh ở tuổi trên 60); Nam nhiều hơn nữ; Hút thuốc lá hoặc các chế phẩm có thuốc lá là nguy cơ chủ yếu gây ung thư thực quản; Những người nghiện rượu hoặc uống rượu thường xuyên đặc biệt ở những người sử dụng cả rượu và thuốc lá; Thói quen ăn nóng, uống nóng; Bệnh viêm thực quản Barrett: Loét thực quản kéo dài làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản; Bệnh trào ngược dạ dày thực quản; Các bệnh lý khác gây hoại tử niêm mạc thực quản như nuốt phải chất acide hoặc các chất phụ gia khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản; Một số nguyên nhân khác như chất nitrosamin có trong mắm, dưa muối; Các bệnh nhân bị các bệnh ung thư vùng đầu mặt cổ có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. Tuy nhiên, ở một số người có một hoặc thậm chí vài yếu tố nguy cơ nhưng không bị ung thư thực quản và phần lớn các bệnh nhân ung thư thực quản lại không có bất kì một yếu tố nguy cơ nào.

Tổn thương ung thư thực quản.

Dấu hiệu nhận biết ung thư thực quản

Ở giai đoạn sớm, ung thư thực quản thường không có biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi khối u phát triển có thể xuất hiện các triệu chứng:

Nuốt nghẹn: là triệu chứng thường gặp nhất nhưng không đặc hiệu; khởi đầu có cảm giác nuốt vướng sau xương ức. Nuốt nghẹn mơ hồ, tương đối rõ khi nuốt thức ăn đặc. Nghẹn tăng dần và biểu hiện càng ngày càng rõ. Quá trình bệnh tăng dần, lúc đầu khó nuốt với thức ăn đặc sau khó nuốt với thức ăn lỏng. Cuối cùng uống nước cũng nghẹn.

Trớ: Là do khối u cản trở thức ăn, dịch tiết thực quản, nước bọt đọng lại khi ngủ trớ ra. Dịch trớ trào vào đường thở gây viêm đường hô hấp kéo dài, trội lên từng đợt. Người bệnh thường không nôn.

Triệu chứng khác: đau sau xương ức. Cảm giác đau mơ hồ, dai dẳng, khàn tiếng mức độ nhẹ do viêm đường hô hấp nhưng cũng có thể khàn rõ như tiếng vịt đực do u hoặc hạch di căn xâm lấn thần kinh quặt ngược; Rò thực quản - khí quản: ho khạc liên miên, đau ngực dai dẳng, hội chứng nhiễm trùng rõ. Triệu chứng thực thể nghèo nàn, đôi khi sờ thấy hạch to ở hố thượng đòn.

Gầy sút cân nhiều (trong vòng 1 tháng có thể sút trên 5kg) do nuốt nghẹn, suy dinh dưỡng; Sạm da, khô, các nếp nhăn nổi rõ và dễ nhận thấy.

Khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên, cần phải đến cơ sở y tế để khám kiểm tra. Nếu nghi ngờ bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm như chụp thực quản cản quang; nội soi thực quản dạ dày; cần thiết chụp cắt lớp vi tính (C.T. Scanner); hay xạ hình xương giúp chẩn đoán khối u đã di căn xương chưa.

Điều trị thế nào?

Điều trị ung thư thực quản phụ thuộc một số yếu tố bao gồm kích thước, vị trí, sự lan tràn khối u và tình trạng chung của bệnh nhân. Có nhiều biện pháp điều trị, trong đó phẫu thuật là biện pháp điều trị có tính chất triệt căn nhất. Thông thường khối u được lấy cùng với một phần hoặc toàn bộ thực quản, tổ chức bạch huyết kế cận và các tổ chức khác trong vùng. Sau đó phần còn lại của thực quản sẽ được nối với dạ dày giúp bệnh nhân vẫn tiếp tục nuốt như bình thường. Trong một số trường hợp đoạn nối có thể được tạo bởi một đoạn ruột non hoặc một ống nhựa. Phẫu thuật viên có thể mở rộng đoạn nối giữa dạ dày và ruột non giúp thức ăn đi xuống dạ dày dễ dàng hơn.

Dinh dưỡng và theo dõi đối với bệnh nhân ung thư thực quản

Dinh dưỡng trong điều trị ung thư là rất quan trọng, tuy nhiên nhiều bệnh nhân ung thư thực quản do có khó khăn về nuốt, cảm giác mệt mỏi và không thoải mái nên ăn uống không ngon miệng. Ngoài ra, các tác dụng phụ điều trị như ăn kém ngon, buồn nôn, nôn, khô đau miệng sẽ làm cho bệnh nhân khó ăn. Bệnh nhân ung thư thực quản thường được khuyến khích cho ăn nhiều bữa nhỏ.

Theo dõi sau điều trị ung thư thực quản để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường. Nếu khối u tái phát, tiến triển hoặc xuất hiện khối u mới, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt. Theo dõi sau điều trị bao gồm: khám lâm sàng, chụp Xquang hoặc làm các xét nghiệm. Trong thời gian giữa các cuộc hẹn, bệnh nhân cần phải thông báo đầy đủ các triệu chứng bất thường cho bác sĩ càng sớm càng tốt ngay sau khi chúng xuất hiện.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để không bị ung thư thực quản, chúng ta cần từ bỏ hoặc không bao giờ hút thuốc lá và sử dụng các chế phẩm có thuốc lá và hạn chế uống rượu; thay đổi chế độ ăn tăng lượng rau và hoa quả ăn vào hằng ngày; đối với bệnh nhân bị bệnh Barrett thực quản, trào ngược dạ dày thực quản... cần điều trị sớm và triệt để.
Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814